10:03, 12/03/2020

Hỗ trợ khách hàng vay bị thiệt hại do Covid-19

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng tiêu cực đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, trong đó có hoạt động sản xuất, kinh doanh, các ngân hàng đã và đang thực hiện các biện pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khắc phục thiệt hại do dịch gây ra. 

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng tiêu cực đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, trong đó có hoạt động sản xuất, kinh doanh, các ngân hàng (NH) đã và đang thực hiện các biện pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp (DN) khắc phục thiệt hại do dịch gây ra. 
 
Nhiều khách hàng vay bị ảnh hưởng
 
Bà Lê Thị Trà Nữ - Phó Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ du lịch và Đồng phục nữ (30B Bắc Sơn, TP. Nha Trang) cho biết, công ty đang gặp rất nhiều khó khăn bởi dịch Covid-19, doanh thu hàng tháng giảm tới 80%. Để giải quyết những khó khăn trước mắt, công ty mong Nhà nước có những cơ chế, chính sách hỗ trợ để giải cứu kịp thời cho DN vượt qua khó khăn như: giảm tiền thuê đất, cho phép chậm nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN; NH giãn nợ, khoanh nợ, giảm lãi suất cho các khoản vay. “Với tình hình này, DN có thể trụ được khoảng 1 - 2 tháng nữa, nhưng nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài thì khả năng chi trả lương cho nhân viên sẽ gặp khó khăn chứ chưa nói tới nhiều khoản chi phí khác. Chúng tôi mong muốn được tiếp cận các khoản vay mới của NH với lãi suất ưu đãi để giúp DN tiết giảm chi phí”, bà Nữ chia sẻ.

 

Hoạt động vận tải ở Bến xe phía bắc Nha Trang đang bị ngưng trệ bởi ảnh hưởng từ dịch Covid-19. Ảnh: Mạnh Hùng
Hoạt động vận tải ở Bến xe phía bắc Nha Trang đang bị ngưng trệ bởi ảnh hưởng từ dịch Covid-19. Ảnh: Mạnh Hùng

 

 
Theo báo cáo của NHNN Chi nhánh Khánh Hòa, đến ngày 29-2, toàn tỉnh có 684 khách hàng vay vốn (203 DN, 481 cá nhân) bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với dư nợ bị ảnh hưởng gần 9.062 tỷ đồng, chiếm 10,74% dư nợ cho vay toàn tỉnh. Trong đó, ngành du lịch có 153 khách hàng vay, với dư nợ bị ảnh hưởng hơn 3.457 tỷ đồng, chiếm 38,15% dư nợ cho vay bị ảnh hưởng. Ngành vận tải có 130 khách hàng với dư nợ bị ảnh hưởng gần 2.344 tỷ đồng, chiếm 25,86%. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (thực phẩm, đồ uống, dệt may...) có 24 khách hàng với dư nợ bị ảnh hưởng gần 1.472 tỷ đồng, chiếm 16,24%. Ngành tiêu dùng, kinh doanh thương mại có 100 khách hàng với dư nợ bị ảnh hưởng gần 498 tỷ đồng, chiếm 5,49%. Hoạt động kinh doanh bất động sản (có nguồn trả nợ từ các hoạt động liên quan đến ngành du lịch) có 18 khách hàng với dư nợ bị ảnh hưởng gần 443 tỷ đồng, chiếm 4,88%. Ngành nông nghiệp có 227 khách hàng vay vốn với dư nợ bị ảnh hưởng hơn 295 tỷ đồng, chiếm 3,26%. Ngành xây dựng có 24 khách hàng với dư nợ bị ảnh hưởng gần 430 tỷ đồng, chiếm 4,74%. Các ngành khác (giáo dục, y tế, thông tin và truyền thông,...) có 7 khách hàng vay vốn cá nhân, với dư nợ bị ảnh hưởng gần 15 tỷ đồng, chiếm 0,17% dư nợ cho vay bị ảnh hưởng.
 
Kịp thời hỗ trợ khách hàng
 
Lãnh đạo một công ty trong lĩnh vực may mặc cho biết, đơn vị gặp một số khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh nhưng được NH chia sẻ khó khăn kịp thời thông qua việc giảm lãi suất khoản vay, nâng hạn mức tín dụng. Theo ông Nguyễn Hoài Chiểu - Giám đốc NHNN Chi nhánh Khánh Hòa, thực hiện chỉ đạo của NHNN Việt Nam, NHNN Chi nhánh Khánh Hòa đã kịp thời chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn tập trung triển khai các giải pháp hỗ trợ khắc phục thiệt hại do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Kết quả, các chi nhánh TCTD trên địa bàn đã lập và thẩm định hồ sơ đề nghị điều chỉnh kỳ hạn nợ, gia hạn nợ trình hội sở xem xét quyết định cho 19 khách hàng, với dư nợ gần 202 tỷ đồng. Hiện nay, các TCTD đang xây dựng chương trình hỗ trợ, gói tín dụng để tiếp tục đầu tư cho các DN bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với tổng giá trị đến 285.000 tỷ đồng trên toàn hệ thống. Trong khi chờ chính sách tín dụng từ hội sở, các chi nhánh TCTD trên địa bàn đã thực hiện cho vay mới 16 khách hàng với số tiền gần 15 tỷ đồng.
 
Ngoài ra, nhiều chi nhánh TCTD trên địa bàn đã chủ động giảm lãi suất cho vay đối với các khoản cho vay cũ, cụ thể: Mức giảm lãi suất cho vay bằng VND từ 1%/năm trở xuống gồm: ABBANK Khánh Hòa, SCB Khánh Hòa; BIDV Khánh Hòa, Vietcombank Nha Trang, PVcomBank Khánh Hòa. Mức giảm lãi suất cho vay bằng VND từ 1 đến 2%/năm gồm: Vietcombank Khánh Hòa, VietinBank Khánh Hòa, VP Bank Nha Trang, Sacombank Khánh Hòa, ACB Khánh Hòa, SHB Khánh Hòa. Mức giảm lãi suất cho vay bằng VND từ 2%/năm trở lên gồm KienLongBank giảm lãi suất cho vay 3%/năm đối với các khách hàng vay vốn trồng thanh long, dưa hấu, sầu riêng, mít, xoài, chôm chôm, chuối; thời gian áp dụng từ ngày 1-2 đến 30-4-2020. Mức giảm lãi suất cho bằng USD từ 0,5%/năm: BIDV Khánh Hòa, Vietcombank Khánh Hòa, SHB Khánh Hòa.
 
Để hỗ trợ khách hàng, một số TCTD đã ban hành các gói tín dụng ưu đãi: NamABank triển khai chương trình “Chung sức khắc phục thiệt hại do ảnh hưởng từ dịch Corona”, hạn mức 100 tỷ đồng với lãi suất cho vay giảm 0,3%/năm đối với USD và giảm 0,5%/năm đối với VND. Vietinbank dành 15.000 tỷ đồng và 150 triệu USD để triển khai chương trình thúc đẩy tăng trưởng tín dụng ngắn hạn với lãi suất cho vay 5%/năm đối với VND và 2,8%/năm với USD. Vietcombank giảm 1%/năm lãi suất vay bằng VND và 0,5%/năm bằng USD đối với khoản vay mới. BIDV triển khai gói tín dụng quy mô 5.000 tỷ đồng dành riêng cho các khách hàng cá nhân có dư nợ vay phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh trong các lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; lãi suất hỗ trợ cố định chỉ 5,5%/năm trong tối đa 4 tháng kể từ ngày giải ngân đầu tiên. Ngoài ra, BIDV cũng đang triển khai gói tín dụng 10.000 tỷ đồng với mức lãi suất cho vay từ 6,5%/năm và từ 7,5%/năm cho các khách hàng cá nhân thông thường vay sản xuất, kinh doanh.
 
Bên cạnh các giải pháp tín dụng nhằm tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 gây ra, các TCTD còn áp dụng nhiều chính sách miễn, giảm các loại phí nhằm khuyến khích khách hàng giao dịch điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt để hạn chế sự lây lan của vi rút...
 
NAM DU