11:02, 26/02/2020

Diên Khánh: Phát huy hiệu quả tín dụng chính sách

Nguồn vốn từ ngân sách địa phương chuyển cho Ngân hàng Chính sách xã hội để cho các đối tượng chính sách vay, nhất là vay để giải quyết việc làm đã giúp nhiều hộ dân ở huyện Diên Khánh phát huy sinh kế, nâng cao thu nhập.

Nguồn vốn từ ngân sách địa phương chuyển cho Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) để cho các đối tượng chính sách vay, nhất là vay để giải quyết việc làm đã giúp nhiều hộ dân ở huyện Diên Khánh (Khánh Hòa) phát huy sinh kế, nâng cao thu nhập.


Sử dụng hiệu quả


Những năm qua, hiệu quả nguồn vốn NHCSXH, nhất là nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm đã góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, nhất là người dân khu vực nông thôn trên địa bàn huyện Diên Khánh. Mấy năm trước, gia đình bà Nguyễn Thị Hòa (đội 4, thôn Bình Khánh, xã Diên Hòa) vay 30 triệu đồng từ Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Diên Khánh mua 2 con bò giống. Sau khi trả hết nợ, cuối năm 2019, gia đình bà tiếp tục vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn vay giải quyết việc làm mua 2 con bò cái đã chuẩn bị sinh. Hiện nay, đàn bò của gia đình đã có được 6 con. Đây là “của để dành” kha khá của gia đình nên được chăm sóc rất kỹ. Ngoài chăn thả ở cánh đồng trước nhà, bà Hòa còn trồng cỏ voi và nấu thêm cám cho bò ăn nên con nào cũng béo tốt. Chuồng bò được vây lưới mắt nhỏ để chống ruồi, muỗi. Bà Hòa cho biết: “Ngoài nuôi bò, tôi còn làm ruộng, trồng dừa để có thêm thu nhập, hàng tháng đều đóng tiết kiệm 1,2 triệu đồng, còn số bò để nuôi thêm chứ chưa bán. Nhờ vay vốn nuôi bò nên gia đình có tài sản để dành tích lũy”.

 

Gia đình bà Nguyễn Thị Hòa vay vốn nuôi bò.

Gia đình bà Nguyễn Thị Hòa vay vốn nuôi bò.


Cũng vay 50 triệu đồng vốn giải quyết việc làm, ông Nguyễn Thanh Trí (thôn Phú Nam 2, xã Diên An) lại đầu tư cho vườn mai. Sau mùa mai Tết, thời điểm này, ông Trí đang tập trung cắt dọn, tỉa cành, chăm phân thuốc. Ban đầu chỉ là đam mê chơi mai, nhưng vài năm nay, ông Trí vừa bán vừa cho thuê mai chơi Tết đem lại nguồn thu đáng kể nên ông chuyển sang tập trung đầu tư trồng mai. Giá cho thuê mai chưng Tết chậu nhỏ từ 1,5 đến 2 triệu đồng/chậu, chậu lớn có thể tới 15 - 20 triệu đồng/chậu. Vừa thỏa mãn đam mê, vừa mang lại thu nhập nên ông vay thêm NHCSXH để mua thêm gốc mai, chậu và phân thuốc chuẩn bị cho vụ mai năm tới.


Gia đình bà Nguyễn Thị Minh Huệ (đội 3 thôn Quang Thạnh, xã Diên Hòa) có nghề làm bánh tráng lâu năm. Trước đây, làm thủ công tráng tay, mỗi ngày ngồi suốt 10 giờ cạnh lò lửa vất vả cũng chỉ tráng được khoảng 1.500 cái, tương đương khoảng 20kg gạo. Vài năm trước, gia đình đầu tư máy làm bánh tráng mang lại hiệu quả rõ rệt. Bà Huệ vay 40 triệu đồng từ NHCSXH để có vốn lưu động làm bánh tráng máy. Bà cho biết, làm máy nhanh gấp 10 lần thủ công, mỗi giờ ra 400 vỉ. Máy chạy điện nên không nhọc công, mỗi ngày chỉ làm 3 giờ. Sản lượng bánh tùy theo đơn đặt hàng nhưng mỗi ngày làm được khoảng 50 - 70kg gạo.


Quản lý tốt nguồn vốn

 

Trong tháng 2, NHCSXH hoàn thành giải ngân 15 tỷ đồng nguồn vốn từ ngân sách tỉnh cấp để cho vay hộ nghèo, cận nghèo, giải quyết việc làm gồm: 2,5 tỷ đồng cho hội sở chính; TP. Cam Ranh, thị xã Ninh Hòa, các huyện: Diên Khánh, Vạn Ninh, Cam Lâm, mỗi địa phương 2,5 tỷ đồng.

Theo bà Văn Thị Thanh Phương - Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Diên Hòa, hiện nay, dư nợ NHCSXH của toàn xã khoảng 17 tỷ đồng, trong đó dư nợ do Hội Phụ nữ xã quản lý khoảng 15 tỷ đồng với khoảng 830 hộ vay. Nguồn vốn vay được chị em sử dụng đúng mục đích, chủ yếu để chăn nuôi, trồng xoài, mít, dừa, làm bánh tráng. Nguồn vốn vay đã góp phần tạo nguồn thu nhập, nâng cao đời sống, giảm số hộ nghèo của xã xuống chỉ còn 14 hộ.


Đến nay, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Diên Khánh đã hoàn thành giải ngân nguồn vốn địa phương được phân bổ đầu năm 2019, gồm 2,5 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh cho 53 hộ vay vốn chương trình giải quyết việc làm, 800 triệu đồng từ ngân sách huyện Diên Khánh ủy thác cho NHCSXH cho 31 hộ vay theo chương trình giải quyết việc làm và nước sạch - vệ sinh môi trường. Bà Nguyễn Thị Ngọc Lý - Phó Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Diên Khánh cho biết, chỉ tính riêng nguồn vốn từ ngân sách địa phương, phòng giao dịch đang quản lý hơn 43,5 tỷ đồng, bao gồm gần 37,5 tỷ đồng vốn ngân sách tỉnh phân bổ và 6 tỷ đồng từ nguồn ngân sách huyện Diên Khánh ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách xã hội. Đến cuối tháng 1-2020, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn huyện hơn 354 tỷ đồng với 19.679 hộ vay còn dư nợ. Chất lượng tín dụng được đảm bảo. Bằng nhiều giải pháp đồng bộ và sự quyết liệt của chính quyền địa phương, đội ngũ cán bộ NH và hội, đoàn thể đã tập trung thu hồi nợ đến hạn, nợ quá hạn, lãi đọng và nợ khó đòi. Công tác tuyên truyền tham gia gửi tiết kiệm ngày càng được chú trọng nên đã tạo được ý thức tiết kiệm để trả nợ của hộ vay. Nguồn vốn NHCSXH đã cơ bản đáp ứng nhu cầu về vốn ngày càng tăng đối với hộ chính sách trong toàn huyện.


NAM DU