Dự án đầu tư Bến cảng tổng hợp bắc Vân Phong - giai đoạn mở đầu (tại thôn Đầm Môn, xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh) do Công ty TNHH Cảng Vân Phong làm chủ đầu tư, có tổng vốn hơn 185 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn vay của Quỹ Đầu tư phát triển Khánh Hòa 86 tỷ đồng, thời gian vay 144 tháng, mức cấp bù lãi suất 40%.
Tin vui từ bến cảng
Dự án đầu tư Bến cảng tổng hợp bắc Vân Phong - giai đoạn mở đầu (tại thôn Đầm Môn, xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) do Công ty TNHH Cảng Vân Phong làm chủ đầu tư, có tổng vốn hơn 185 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn vay của Quỹ Đầu tư phát triển Khánh Hòa 86 tỷ đồng, thời gian vay 144 tháng, mức cấp bù lãi suất 40%. Công ty đã hoàn thành xây dựng và chính thức đưa vào khai thác cầu cảng 50.000DWT, dài 250m, rộng 30m; công suất từ 1,5 đến 2 triệu tấn/năm từ ngày 16-5-2019. Đại diện Công ty TNHH Cảng Vân Phong chia sẻ, tuy mới đưa vào khai thác nhưng đến nay, cảng đã tiếp nhận 2 tàu nước ngoài cập cảng. Đó là tàu Skyfrost quốc tịch PANAMA dài gần 153m, trọng tải 11.862,4DWT chở 8.721 tấn cá ngừ đông lạnh và tàu GREEN WORLD quốc tịch PANAMA dài gần 200m, trọng tải 49.673DWT vào xếp 40.000 tấn hàng dăm gỗ xuất khẩu. Cảng cũng đã tiếp nhận 10 chuyến tàu nội địa vào cập cảng.
Được biết, lượng hàng đăng ký thông qua cảng cho năm 2020 - 2021 đạt khoảng 2,5 đến 3 triệu tấn. Trong đó, có 2 khách hàng lớn là Công ty TNHH Tân Đức Hải KH (đơn vị xuất hàng dăm gỗ, khối lượng dự kiến 200.000 tấn/năm) và Tổng Công ty Đông Bắc (đơn vị nhập và xuất tiêu thụ than; khối lượng dự kiến 2 triệu tấn/năm). Ngoài ra, còn một số mặt hàng khác thông qua cảng như: Tinh bột sắn, xi măng, vật liệu xây dựng, mật đường, thủy hải sản, phân bón, đá xẻ, thiết bị… với khối lượng dự kiến khoảng 1 triệu tấn. Cảng đi vào hoạt động còn tạo việc làm cho 200 lao động. Công ty TNHH Cảng Vân Phong trả nợ gốc và lãi đầy đủ, đúng hạn. Theo thông tin từ chủ đầu tư, dự án đầu tư Bến cảng tổng hợp bắc Vân Phong trong giai đoạn 1 thực hiện xây dựng bến cập tàu 50.000DWT, kè bờ, giao thông nội bộ; giai đoạn 2 sẽ đầu tư xây dựng bến cập tàu 70.000DWT cùng hệ thống kho bãi, giao thông kết nối; tổng công suất lượng hàng qua cảng thiết kế cả 2 giai đoạn 7 - 10 triệu tấn/năm.
Nhiều dự án phát huy hiệu quả
Từ năm 2014 - 2019, có 31 dự án Quỹ Đầu tư phát triển Khánh Hòa cho vay và được UBND tỉnh cấp bù lãi suất với tổng vốn đầu tư gần 1.953 tỷ đồng, trong đó tổng số tiền vay từ quỹ gần 745 tỷ đồng; lãi suất 8,29%; ngân sách cấp bù lãi suất thấp nhất 40% và cao nhất 100% tùy dự án. |
Giai đoạn 2014 - 2019, có 31 dự án vay vốn từ Quỹ Đầu tư phát triển Khánh Hòa được ngân sách cấp bù lãi suất đã hoàn thành và đang phát huy hiệu quả. Có thể kể đến dự án xây dựng Trường Mầm non Họa Mi (phường Phước Hải, TP. Nha Trang) có tổng mức đầu tư 38 tỷ đồng, trong đó vốn vay của quỹ 18 tỷ đồng. Trường có quy mô thiết kế 15 lớp học với khoảng 400 học sinh. Sau 3 năm học, số học sinh và số lớp tăng từng năm. Hiện nay, trường có 12 lớp với 267 học sinh, dự kiến sẽ sớm đạt theo quy mô thiết kế. Quỹ cũng cho Công ty Cổ phần Điện lực Khánh Hòa vay 19,8 tỷ đồng thực hiện dự án lắp máy thứ 2 tại Trạm biến áp 110kV Bình Tân với tổng mức đầu tư gần 30,2 tỷ đồng. Đây là trạm biến áp vận hành tự động. Hiện nay, trạm biến áp này cấp điện cho xã Phước Đồng, một nửa đường Lê Hồng Phong và nửa đường Trần Phú, Khu du lịch và giải trí Vinpearl. Quỹ cho Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Khánh Hòa vay gần 24,4 tỷ đồng để thực hiện dự án đầu tư hệ thống nước sạch đảo Trí Nguyên (phường Vĩnh Nguyên, TP. Nha Trang) với tổng vốn đầu tư hơn 40,2 tỷ đồng. Nhờ triển khai dự án, hơn 1.000 hộ với hơn 4.000 nhân khẩu trên đảo đã có nước sạch sau bao năm mong chờ...
Theo bà Lâm Thị Hoàng Giang - Phó Giám đốc phụ trách Quỹ Đầu tư phát triển Khánh Hòa, giai đoạn 2014 - 2019, quỹ cho vay chủ yếu các dự án cơ sở hạ tầng, tập trung vào các lĩnh vực cấp thiết như: điện, nước, trường học, nhà ở xã hội, bệnh viện và 1 dự án cảng nên đạt hiệu quả về kinh tế - xã hội. Để có nguồn vốn cho vay, quỹ huy động vốn từ Ngân hàng Thế giới (WB) được 340 tỷ đồng, Cơ quan phát triển Pháp (AFD) 10 triệu Euro (tương đương khoảng 269 tỷ đồng). Nguồn vốn huy động từ WB thực hiện giải ngân trực tiếp cho dự án. Các dự án vay vốn từ AFD rút vốn làm 2 đợt; trong đó đã giải ngân hết 5 triệu Euro vốn trong năm 2017, còn 5 triệu Euro của năm 2019 hiện đã giải ngân hơn 80%, dự kiến sẽ hoàn thành giải ngân trước tháng 3-2020. Trong quá trình cho vay, quỹ thẩm định chặt chẽ, thực hiện các quy trình để đảm bảo quản lý nguồn vốn nên từ năm 2014 đến nay, dư nợ thường xuyên hơn 350 tỷ đồng và không có nợ quá hạn. Chính sách cho vay và được ngân sách cấp bù lãi suất của tỉnh trong giai đoạn 2013 - 2020 đã hỗ trợ trực tiếp cho chủ đầu tư các dự án thuộc các lĩnh vực cần vốn lớn, khả năng thu hồi vốn khó đã mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội, góp phần giúp người dân tiếp cận các dịch vụ xã hội với chất lượng tốt hơn. Vì thế, từ năm 2021 và những năm tiếp theo, quỹ kiến nghị tỉnh tiếp tục duy trì chính sách cấp bù lãi suất để khuyến khích nguồn vốn xã hội hóa đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.
NAM DU