Thời gian qua, nguồn vốn tín dụng chính sách đã hỗ trợ cho nhiều gia đình thoát nghèo, tiếp sức cho những ý tưởng khởi nghiệp làm giàu…
Thời gian qua, nguồn vốn tín dụng chính sách đã hỗ trợ cho nhiều gia đình thoát nghèo, tiếp sức cho những ý tưởng khởi nghiệp làm giàu…
Hỗ trợ vốn phát triển sản xuất
Anh Nguyễn Hữu Nghĩa (thôn Phú Đa, xã Ninh Hưng, thị xã Ninh Hòa) học ngành cơ khí chế tạo máy tại TP. Hồ Chí Minh nhưng lại chọn con đường lập nghiệp bằng trồng nấm. Bắt đầu từ năm 2013 nhưng đến năm 2014, anh Nghĩa mới thật sự thành công. Khi mới khởi nghiệp, anh gặp khó khăn về nguồn vốn, kỹ thuật. Vốn ban đầu 50 triệu đồng, anh đầu tư lò hấp để khử trùng diệt khuẩn cho các bịch phôi và xây 1 trại sản xuất để lấy kinh nghiệm và tích lũy vốn. Để mở rộng sản xuất, anh vay 50 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư thêm 1 trại nấm ở xã Ninh Tân.
Anh Nghĩa chọn sản xuất nấm bào ngư và nấm linh chi. Để có sản phẩm nấm sạch, các bịch phôi được trộn hỗn hợp mùn cưa, cám gạo, cám bắp sẽ qua lò hấp khử trùng, cấy meo được nuôi dưỡng trong các trại nấm. Đầu ra của sản phẩm chủ yếu là các chợ đầu mối ở Nha Trang, Ninh Hòa và một phần vào siêu thị với giá cả khá ổn định.
Sau vài năm, anh Nghĩa mở rộng quy mô sản xuất lên 7 trại nấm; mỗi năm sản xuất 150 - 200.000 bịch phôi vừa cung cấp cho các trại trồng nấm của gia đình vừa bán sỉ cho những người có nhu cầu trồng nấm, mang lại lợi nhuận 200 - 300 triệu đồng/năm. Để mở rộng sản xuất, kinh doanh cũng như tăng khả năng cạnh tranh tiêu thụ sản phẩm, anh Nghĩa tiến hành thủ tục thành lập Công ty TNHH Nông sản xanh Ninh Hòa với mong muốn liên kết các hộ sản xuất nông sản sạch vừa sản xuất vừa tiêu thụ.
Từ kinh nghiệm của mình, anh Nghĩa cho rằng nguồn vốn chính sách tuy không lớn nhưng sẽ hỗ trợ cho những bước đi đầu tiên cũng như mở rộng phát triển sản xuất nếu đúng hướng. Ông Vũ Trọng Thọ - Chủ tịch Hội Nông dân xã Ninh Hưng cho biết, hiện có 320 hội viên, chiếm khoảng 1/3 số hội viên Hội Nông dân xã được vay vốn tín dụng chính sách với dư nợ khoảng 6,5 tỷ đồng. Nguồn vốn vay đã phát huy hiệu quả trong làm kinh tế hộ và tạo điều kiện cho con em nông dân học tập ở các trường đại học, cao đẳng. Hiện nay, người dân vẫn có nhu cầu vay vốn nhiều hơn.
Bà Phan Thị Yến Linh (thôn Phú Hòa, xã Ninh Quang, thị xã Ninh Hòa) cho biết, nhờ nguồn vốn vay từ NHCSXH bà mua 1 con bò giống ban đầu đến nay đã thành 3 con và sắp tới thành 5 con. Sau khi gia đình thoát nghèo và trả hết nợ cũ, NH tiếp tục cho vay vốn đối với hộ mới thoát nghèo để sản xuất.
Trong căn nhà tuềnh toàng, bà Nguyễn Thị Vương (tổ dân phố 15 thị trấn Vạn Giã, huyện Vạn Ninh) kể mới vay 30 triệu đồng NHCSXH để mua 1 chiếc ghe nhỏ và lưới cho các con trai đánh bắt. Bà Vương hơn 50 tuổi chỉ ở nhà nội trợ, 3 con trai lớn đi biển. Bà bảo nếu không có vốn NH cho vay thì bà sẽ không mua nổi ghe. Bình thường làm thuê nên chỉ đủ ăn, nhờ mua ghe đi lưới mỗi ngày kiếm mấy trăm ngàn đồng nên có dư hơn trước đây.
Tiếp sức cho người dân
Tính đến ngày 31-12-2017, tổng nguồn vốn NHCSXH tỉnh quản lý đạt hơn 2.266 tỷ đồng, tổng dư nợ 2.262 tỷ đồng, cả nguồn vốn và dư nợ đều tăng trưởng 10,4% so với năm 2016; tỷ lệ nợ quá hạn chiếm 0,36% tổng dư nợ. Doanh số cho vay trong năm đạt hơn 755 tỷ đồng với 36.010 hộ vay vốn, tập trung ở các chương trình cho vay đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, nước sạch và vệ sinh môi trường. Năm 2018, NHCSXH tỉnh phấn đấu chỉ tiêu dư nợ cuối năm đạt 2.489 tỷ đồng, tăng 10% (tương đương 226 tỷ đồng) so với năm 2017, tỷ lệ nợ quá hạn toàn tỉnh từ 0,3% trở xuống.
Được biết, NHCSXH tỉnh vừa tiếp nhận 221,75 tỷ đồng nguồn vốn Trung ương cấp đợt 1 năm 2018. NH sẽ tiến hành giải ngân hoàn thành trước cuối tháng 4 để người dân có vốn kịp thời sản xuất, kinh doanh. Nguồn vốn này sẽ giúp NH cho người dân vay khắc phục hậu quả cơn bão số 12, cho vay mới, cho vay vốn giải quyết việc làm, nâng mức cho vay vốn đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo…
NAM DU