12:59, 31/05/2024

​​​​​​​Hội nghị kết nối giao thương hai tỉnh Khánh Hòa và Đắk Lắk

HỒNG ĐĂNG

Sáng 31-5, tại Nha Trang diễn ra Hội nghị kết nối giao thương giữa hai tỉnh Khánh Hòa và Đắk Lắk. Dự hội nghị có ông Lê Hữu Hoàng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa; hàng trăm đơn vị, doanh nghiệp của 2 tỉnh.

Đại biểu thực hiện nghi thức khai mạc hội nghị kết nối.
Kết nối giao thương là một trong những thỏa thuận hợp tác giữa hai tỉnh Khánh Hòa và Đắk Lắk.

Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Hữu Hoàng nhấn mạnh, là 2 tỉnh kề nhau, Khánh Hòa và Đắk Lắk có lợi thế, tiềm năng tương đối khác biệt, có tính chất bổ sung, bù đắp, hỗ trợ nhau cùng phát triển. Đắk Lắk có lợi thế về trồng trọt, thảo dược; trong khi Khánh Hòa mạnh về các sản phẩm từ biển.

Với mục tiêu tạo không gian cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ dân trực tiếp sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thế mạnh của hai tỉnh cùng chia sẻ, kết nối và hợp tác với nhau để cùng phát triển, ông Lê Hữu Hoàng đề nghị các cơ quan của tỉnh tiếp tục phối hợp, triển khai thực hiện hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư, sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị trường; quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp tỉnh Đắk Lắk đang đầu tư, sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa. Đồng thời, ông Lê Hữu Hoàng đề nghị lãnh đạo Sở Công Thương Khánh Hòa tiếp tục phối hợp chặt chẽ với lãnh đạo Sở Công Thương Đắk Lắk trong công tác xúc tiến thương mại, kết nối giao thương, triển khai đầy đủ các nội dung trong Biên bản thỏa thuận giữa hai tỉnh đảm bảo hiệu quả, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh giữa các doanh nghiệp hai tỉnh; góp phần phát triển kinh tế - xã hội của hai địa phương.

Các đại biểu tham quan gian hàng của tỉnh Đắk Lắk.

Chia sẻ tại hội nghị, lãnh đạo Sở Công thương hai tỉnh đều khẳng định, Khánh Hòa và Đắk Lắk được thiên nhiên ban tặng các điều kiện tự nhiên và lợi thế khác nhau, đã tạo điều kiện thuận lợi quan trọng để bổ sung cho nhau cùng hợp tác phát triển. Đắk Lắk là trung tâm vùng Tây nguyên, có lợi thế phát triển nông, lâm nghiệp, công nghiệp chế biến. Với 627.000 ha đất nông nghiệp, trong đó có gần 300.000ha đất đỏ bazan màu mỡ, thích hợp cho cà phê, hồ tiêu, cao su, ca cao, macca, bơ, sầu riêng… Trong khi đó, Khánh Hòa là tỉnh có lợi thế và tiềm năng phát triển kinh tế biển, là cửa ngõ giao thông hướng biển với nhiều cảng biển nước sâu, mạng lưới giao thông đường bộ, đường sắt, đường hàng không thuận lợi. Tỉnh Khánh Hòa tập trung vào các ngành kinh tế mũi nhọn như đánh bắt, nuôi trồng, chế biến sâu các loại thủy, hải sản, yến sào… và du lịch biển. Nơi đây cũng sở hữu rất nhiều sản phẩm chất lượng cao, như: trầm hương, yến sào, rong nho, tôm hùm, cá biển…

Các đại biểu tham quan gian hàng của tỉnh Khánh Hòa.

Đến nay, việc dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột đang được triển khai sẽ tạo động lực, sợi dây kết nối thêm bền chặt, thúc đẩy kết nối hợp tác, giao thương giữa các tỉnh Tây Nguyên nói chung, Đắk Lắk nói riêng với Khánh Hòa được thuận lợi hơn.

Ông Lưu Văn Khôi - Giám đốc Sở Công Thương Đắk Lắk cho biết, những năm qua, UBND tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai đề án xây dựng nhiều mô hình, công nghệ chế biến sâu, phát triển công nghiệp hỗ trợ, phát triển thương hiệu các sản phẩm nông sản chủ lực, tạo ra nhiều sản phẩm đạt chất lượng cao tiêu thụ trong và ngoài nước.

Theo bà Phan Thị Thu Cúc, Phó Giám đốc Sở Công Thương Khánh Hòa, hội nghị là cầu nối giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh của 2 tỉnh có cơ hội được gặp gỡ, tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh; giới thiệu, trưng bày các sản phẩm nông sản tiêu biểu đặc trưng, các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu và các sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu; đồng thời chia sẻ kinh nghiệm để cùng liên kết sản xuất, cùng hợp tác để mở rộng thị trường. Gần 60 gian hàng là các sản phẩm đặc trưng của hai tỉnh đã được trưng bày, giới thiệu tại hội nghị có thể được coi là bức tranh thu nhỏ miêu tả về tiềm năng, thế mạnh và nhu cầu hợp tác của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh của hai tỉnh.

Trên tinh thần kết nối, chia sẻ, hội nghị cũng đã dành nhiều thời gian để một số doanh nghiệp tiêu biểu của hai địa phương trình bày tham luận về tiềm năng, thế mạnh và nhu cầu kết nối của mình. Lãnh đạo Sở Công Thương hai tỉnh đã trao đổi, giải đáp, giải quyết các ý kiến của các doanh nghiệp về những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ các doanh nghiệp xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ của doanh nghiệp hai địa phương. Nhiều doanh nghiệp, đơn vị cũng đã tìm kiếm được đối tác mới, tiến hành đăng ký ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với nhau ngay tại hội nghị.

Các doanh nghiệp ký kết ghi nhớ hợp tác sản xuất, kinh doanh.

Ông Lê Hữu Hoàng khẳng định, việc tăng cường hợp tác, liên kết với các tỉnh trong khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và các tỉnh, thành phố khác trong cả nước và quốc tế là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của Khánh Hòa. Hai tỉnh Khánh Hòa và Đắk Lắk đã ký kết Biên bản thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị nhằm tạo sự thống nhất trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ theo thỏa thuận đã ký kết; đảm bảo việc liên kết, hợp tác giữa hai tỉnh mang lại hiệu quả, phát huy được tối đa tiềm năng, thế mạnh, thúc đẩy tăng trưởng, thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm an ninh quốc phòng trên địa bàn hai tỉnh. Hội nghị kết nối giao thương hai tỉnh Khánh Hòa và Đắk Lắk được tổ chức là một trong những hoạt động nhằm cụ thể hóa mục tiêu đó.

HỒNG ĐĂNG