21:00, 18/04/2024

Chương trình OCOP 2024: Thu hút nhiều sản phẩm chất lượng

HỒNG ĐĂNG

Năm nay, toàn tỉnh Khánh Hòa có 185 sản phẩm đăng ký tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Đây là con số rất đáng khích lệ. Để khuyến khích các chủ thể tham gia chương trình, các sản phẩm đạt sao OCOP sẽ được khen thưởng.

185 sản phẩm tham gia

Năm 2024, toàn tỉnh có 185 sản phẩm của 96 chủ thể tham gia, tăng cả về số lượng lẫn chất lượng. Chương trình OCOP năm nay đặt mục tiêu nâng cấp, chuẩn hóa, hoàn thiện ít nhất 100 sản phẩm đạt 3 sao trở lên; các địa phương: Vạn Ninh, Ninh Hòa, Diên Khánh, Nha Trang và Khánh Sơn có ít nhất 2 sản phẩm đạt 4 sao nhằm đạt mục tiêu toàn tỉnh có ít nhất 10 sản phẩm OCOP 4 sao, trong đó có 1 sản phẩm đủ số điểm đề nghị Trung ương công nhận đạt 5 sao.

Hội đồng OCOP tỉnh họp đánh giá, chấm điểm các sản phẩm tham gia năm 2023.
Hội đồng OCOP tỉnh họp đánh giá, chấm điểm các sản phẩm tham gia năm 2023.

Ông Nguyễn Lê Văn - chủ thể tham gia Chương trình OCOP tại xã Ninh Tân (thị xã Ninh Hòa) cho biết, năm 2022 và 2023, Công ty Cổ phần Sản xuất, Thương mại, Dịch vụ POMGROUP có 9 sản phẩm trà thảo mộc xáo tam phân và nước yến sào đạt 4 sao OCOP và 4 sản phẩm đạt 3 sao OCOP. Năm 2024, công ty hoàn thiện hơn nữa các sản phẩm nhằm nâng hạng các sản phẩm 3 sao lên 4 sao.

Trong số các địa phương, năm nay, Ninh Hòa và Vạn Ninh có số lượng sản phẩm tham gia nhiều, mỗi địa phương 37 sản phẩm; Diên Khánh 24 sản phẩm; Cam Lâm, Khánh Sơn, Nha Trang, Khánh Vĩnh 18 - 24 sản phẩm; Cam Ranh 6 sản phẩm. Trong danh sách sản phẩm tham gia, hầu hết là đăng ký mới, một số sản phẩm đăng ký nâng hạng.

Bên cạnh các sản phẩm tươi sống quen thuộc, như: Xoài, dừa, khoai sáp, mít, ổi, hàu, mực, mật ong… còn có nhiều sản phẩm được sấy khô, sấy thăng hoa trên quy trình công nghệ hiện đại, đóng gói đẹp mắt, như: Rong nho, rong sụn, xáo tam phân, xoài, sầu riêng, chôm chôm, măng cụt, chuối, đông trùng hạ thảo…

Rong nho Trí Tín là sản phẩm OCOP đầu tiên của Khánh Hòa được đề nghị 5 sao OCOP.
Rong nho Trí Tín là sản phẩm OCOP đầu tiên của Khánh Hòa được đề nghị 5 sao OCOP.
 

Thêm dịch vụ du lịch tham gia OCOP

Năm 2024, có khá nhiều sản phẩm du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, điểm du lịch tham gia Chương trình OCOP, như: Làng nghề xoi trầm hương ở thôn Phú Hội 1 (xã Vạn Thắng, Vạn Ninh); dịch vụ du lịch cộng đồng trải nghiệm xứ xoài Cam Lâm; mô hình du lịch nông nghiệp ở trang trại dừa xiêm hữu cơ Phượng Hoàng Farm (xã Ninh Tây, Ninh Hòa); dịch vụ du lịch sinh thái vườn ao chuồng (xã Ninh Thọ, Ninh Hòa); dịch vụ du lịch sinh thái tham quan trồng và chế tác trầm hương (xã Diên Thọ, Diên Khánh); điểm du lịch sinh thái ở xã Bình Lập (Cam Ranh)…

Mô hình du lịch sinh thái của Hợp tác xã canh nông du lịch Phượng Hoàng (Ninh Tây, Ninh Hòa) đăng ký tham gia chương trình OCOP 2024.

Theo ông Đinh Công Thuận - Phó Chi cục trưởng, Chi cục Phát triển nông thôn, sản phẩm tham gia Chương trình OCOP năm 2024 được phân thành 6 nhóm ngành, gồm: Thực phẩm; đồ uống; dược liệu và sản phẩm từ dược liệu; thủ công mỹ nghệ; sinh vật cảnh; sản phẩm du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch.

Năm nay, tỉnh khuyến khích các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ du lịch có nguồn gốc địa phương, có đặc trưng về giá trị văn hóa, lợi thế của địa phương; đặc biệt là các sản phẩm đặc sản vùng miền, sản phẩm làng nghề, dịch vụ du lịch. Những năm trước, có một số dịch vụ du lịch sinh thái, cộng đồng đăng ký tham gia OCOP nhưng gặp một số vướng mắc liên quan đến thủ tục đất đai nên đến nay, toàn tỉnh chưa có dịch vụ du lịch cộng đồng, sinh thái nào được công nhận là sản phẩm OCOP. Để đánh thức tiềm năng du lịch nông nghiệp, nông thôn, Chương trình Phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 đã được Chính phủ, UBND tỉnh ban hành. Do đó, năm nay, trên địa bàn tỉnh có nhiều điểm dịch vụ du lịch ở khu vực nông thôn đăng ký tham gia Chương trình OCOP. “Qua khảo sát của Tổ tư vấn giúp việc Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh về các sản phẩm tham gia Chương trình OCOP 2024, đối với sản phẩm dịch vụ du lịch, thành viên trong tổ đã hướng dẫn, định hướng cho các chủ thể tập trung chuẩn hóa, khai thác tốt hơn những giá trị về cảnh quan, văn hóa bản địa, nét đặc trưng, đặc sắc của nghề, làng nghề… gắn với đời sống sản xuất hàng ngày của các chủ thể; từ đó nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương” - ông Đinh Công Thuận cho biết.

Mô hình du lịch sinh thái của Công ty TNHH XD TM & DV Đặng Gia KN (xã Ninh Thọ, thị xã Ninh Hòa) đăng ký tham gia chương trình OCOP 2024.
Mô hình du lịch sinh thái của Công ty TNHH XD TM & DV Đặng Gia KN (xã Ninh Thọ, thị xã Ninh Hòa) đăng ký tham gia chương trình OCOP 2024.

Và để khuyến khích, động viên các chủ thể tham gia chương trình, vào đầu tháng 4 vừa qua, UBND tỉnh đã quyết định bổ sung có mục tiêu cho các địa phương số tiền gần 800 triệu đồng để chi giải thưởng cho các sản phẩm đạt 3 sao trở lên trong Chương trình OCOP năm 2023. Cụ thể, năm 2023, toàn tỉnh có 99 sản phẩm đạt 3 sao trở lên, trong đó có 4 sản phẩm đạt 4 sao và 1 sản phẩm đạt số điểm để đề nghị trung ương công nhận 5 sao OCOP. Mỗi sản phẩm đạt 3 sao được thưởng 8 triệu đồng, 4 sao là 10 triệu đồng và 5 sao là 15 triệu đồng.

Theo lãnh đạo Chi cục Phát triển nông thôn, chậm nhất trong quý III, Chương trình OCOP hoàn thành việc nhận ý tưởng sản phẩm, phương án sản xuất kinh doanh, triển khai phương án kinh doanh. Các sản phẩm được đánh giá, phân hạng đợt 1 vào tháng 8 và 9, đợt 2 vào cuối năm 2024. Năm nay, ngân sách tỉnh dành hơn 13,6 tỷ đồng chủ yếu để hỗ trợ các chủ thể phát triển sản phẩm, như: Thiết kế bao bì, nhãn mác sản phẩm; đăng ký mã số, mã vạch, tem điện tử, hệ thống truy xuất nguồn gốc; kiểm nghiệm các chỉ tiêu an toàn thực phẩm, dinh dưỡng; xây dựng website, câu chuyện sản phẩm, hệ thống quản lý chất lượng HACCP, VietGAP...

HỒNG ĐĂNG