Sáng 25-4, tại TP. Nha Trang, Báo Văn hóa tổ chức hội thảo “Hợp tác hàng không - du lịch: Giải pháp thu hút khách quốc tế”. Các ông: Đoàn Văn Việt - Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Lê Hữu Hoàng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì hội thảo. Tham dự hội thảo có khoảng 250 đại biểu đại diện các bộ, ban, ngành, địa phương, các sở du lịch, Hiệp hội Du lịch Việt Nam, hiệp hội du lịch các địa phương; các chuyên gia du lịch, kinh tế, doanh nghiệp du lịch, hàng không...
Còn điểm nghẽn giữa du lịch và hàng không
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt nhấn mạnh, đây là lần đầu tiên diễn ra hội thảo kết nối ngành Du lịch với Hàng không. Hội thảo có ý nghĩa quan trọng, là một trong những hoạt động triển khai cụ thể chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phát triển du lịch trong giai đoạn hiện nay. Để đạt mục tiêu ngành Du lịch đón 110 triệu lượt khách du lịch, trong đó khoảng 8 triệu lượt khách quốc tế, khách du lịch nội địa khoảng 102 triệu lượt, tổng thu từ khách du lịch khoảng 650 nghìn tỉ đồng trong năm 2023 thì vai trò của hàng không là rất lớn. Khẳng định vai trò quan trọng của hàng không đối với sự phát triển của ngành Du lịch, ông Hà Văn Siêu - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, khách du lịch đến Việt Nam bằng đường hàng không luôn chiếm tỷ lệ cao (80% năm 2019) so với đường bộ, đường biển. Do vậy, hàng không và du lịch có mối quan hệ chặt chẽ, không thể tách rời trong quá trình phát triển của cả hai bên.
Ông Lê Hữu Hoàng phát biểu tại hội thảo. |
Tuy nhiên, hiện nay, lĩnh vực hàng không vẫn còn nhiều vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến việc thu hút khách quốc tế đến với Việt Nam, như: Giá vé còn cao, chất lượng dịch vụ chưa tương xứng, các thủ tục nhập cảnh, xuất cảnh còn kéo dài. Bà Nhữ Thị Ngần - Tổng Giám đốc Ha Noi Tourism phản ánh: “Thường các đợt cao điểm du lịch trong năm, các đơn vị lữ hành phải đặt vé trước với các hãng hàng không và giá vé rất cao, nhưng đến ngày đi, giá vé thực tế lại thấp hơn nhiều. Điều này gây tâm lý không tốt cho du khách, thậm chí nhiều người hủy tour. Vì vậy, các hãng hàng không và lữ hành cần có sự hợp tác để điều phối vấn đề này. Bên cạnh đó, sự quảng bá chéo giữa du lịch và hàng không đang rất yếu. Vấn đề hủy chuyến, hoàn chuyến của các hãng cũng gây ảnh hưởng rất lớn cho ngành Du lịch...”.
Ông Bùi Minh Thắng - Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ Du lịch Thương mại Phương Thắng (Victory Tour & Trading) lại cho rằng, điểm nghẽn lớn nhất là Việt Nam mới chỉ miễn visa cho công dân 25 quốc gia (hộ chiếu phổ thông). Trong danh sách này, các nước như: Chile, Panama… rất ít khách có nhu cầu đi du lịch Việt Nam nên có miễn cũng không hiệu quả. Để thu hút du khách quốc tế tốt hơn cần mở rộng các nước được miễn visa, như: Úc, các nước Bắc Mỹ…
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam khẳng định: “Câu chuyện về giá vé máy bay tăng cao không phải mới, đã có nhiều hội thảo bàn về vấn đề này. Để hạ giá vé, thu hút du lịch cần có sự bắt tay giữa 2 bên, tạo ra những chính sách ưu đãi. Đồng thời, chính quyền các địa phương cũng cần có chính sách hỗ trợ để kích cầu du lịch quốc tế".
Cần giải pháp để đẩy nhanh tốc độ phục hồi
Tại hội thảo, các diễn giả, đại biểu đã trình bày nhiều tham luận, như: Mở cửa bầu trời, kết nối các đường bay quốc tế; Kinh nghiệm phục hồi du lịch quốc tế trong bối cảnh mới; Đề xuất các giải pháp thu hút khách quốc tế đến Việt Nam; Liên kết, hợp tác trong và ngoài nước để thu hút khách từ các thị trường quốc tế trọng điểm… Trong phiên thảo luận trực tiếp, các diễn giả, đại biểu cũng làm rõ thực tế thu hút khách quốc tế ở các địa phương và giải pháp để thu hút khách; xây dựng sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường trong tình hình mới. Bên cạnh đó, đại diện các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, khách sạn, vận chuyển và doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng dịch vụ đi kèm đã nêu quan điểm, các giải pháp để đẩy nhanh tốc độ phục hồi, gia tăng lượng khách quốc tế và nâng mức chi tiêu của du khách khi tới Việt Nam. Đồng thời, đề xuất các chính sách phù hợp, cắt giảm bớt những quy trình thủ tục rườm rà, phức tạp nhằm hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp du lịch phát triển; đề xuất các giải pháp quản lý chặt chẽ hơn nữa, hạn chế tối đa tình trạng cá nhân, đơn vị xâm phạm đến tài nguyên du lịch, làm ảnh hưởng đến vấn đề môi trường sinh thái và những lợi ích lâu dài cho cộng đồng khách du lịch Việt Nam và quốc tế.
Bà Nguyễn Thị Lệ Thanh - Giám đốc Sở Du lịch nêu rõ, để xây dựng những điểm đến thu hút khách du lịch quốc tế, nhiệm vụ quan trọng nhất của các địa phương vẫn là chú trọng phát triển sản phẩm du lịch tạo sức hút cho điểm đến. Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt giữa các điểm đến trên toàn cầu, đòi hỏi Khánh Hòa nói riêng và các địa phương nói chung cần liên kết hợp tác và có những chiến lược, sản phẩm độc đáo phù hợp với xu hướng du lịch mới.
Theo chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Cấn Văn Lực, để phục hồi du lịch quốc tế, các trung tâm du lịch lớn như: Nha Trang, Đà Nẵng... đóng vai trò rất lớn. Trong thời gian tới, Khánh Hòa cần quan tâm hơn đến vấn đề rác thải du lịch, nâng cao hạ tầng du lịch; ưu tiên hơn cho ngân sách đầu tư trong lĩnh vực du lịch. Để nhanh chóng thu hút khách quốc tế, cần đẩy nhanh tiến độ mở cửa với du lịch quốc tế mạnh mẽ hơn; hỗ trợ đào tạo nhân lực du lịch sau dịch Covid-19. Về trung và dài hạn, nên cập nhật và sửa đổi chiến lược du lịch, nâng cao năng lực du lịch và có đề án chuyển đổi số cho du lịch theo hướng nhất quán, chất lượng và trọng tâm.
Sẽ tăng cường hợp tác hàng không - du lịch
Theo đại diện Cục Hàng không Việt Nam, giai đoạn hè 2023, thị trường hàng không quốc tế sẽ tiếp tục hồi phục và dự báo tốc độ hồi phục sẽ nhanh hơn so với quý I. Hiện nay, có 52 hãng hàng không thường lệ nước ngoài và 5 hãng hàng không Việt Nam đang khai thác 143 đường bay kết nối 29 quốc gia và vùng lãnh thổ. Về cơ bản, ngoại trừ thị trường Nga, các hãng hàng không Việt Nam và nước ngoài đã khôi phục lại toàn bộ đường bay đến các điểm đến như giai đoạn trước dịch. Các hãng hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, VietJet Air, Bamboo Airways) cũng mở thêm đường bay mới đến Ấn Độ, Úc, Kazakstan; đồng thời đẩy mạnh khai thác các đường bay từ Cam Ranh, Đà Nẵng, Đà Lạt đến hơn 40 thành phố ở Trung Quốc theo hình thức thuê chuyến và thuê chuyến du lịch để phục vụ khách.
Ông Lê Hữu Hoàng đón khách quốc tế tại Sân bay quốc tế Cam Ranh. |
Ông Bùi Minh Đăng - Phó Trưởng phòng Vận tải Hàng không, Cục Hàng không Việt Nam cho biết: “Với chính sách vận tải hàng không theo hướng tự do hóa, hay nói cách khác là “mở cửa bầu trời”, thời gian tới, gần như không có rào cản cho hoạt động khai thác quốc tế của các hãng hàng không Việt Nam cũng như các hãng hàng không nước ngoài. Cục Hàng không Việt Nam sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho hoạt động khai thác quốc tế; khuyến khích các hãng hàng không khai thác các đường bay quốc tế đến Đà Nẵng, Cam Ranh, Huế, Phú Quốc, Vân Đồn, Cát Bi…; tăng cường phối hợp với Tổng cục Du lịch trong việc phát động các thị trường khách nguồn, hợp tác hàng không - du lịch và đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá Việt Nam là điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn… sau đại dịch để kích cầu du lịch quốc tế”.
Ông LÊ HỮU HOÀNG - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh: Giai đoạn 2021 - 2025, Khánh Hòa xác định tập trung xây dựng chiến lược phát triển du lịch theo chiều rộng với mục tiêu đa dạng thị trường khách du lịch, chú trọng thu hút khách nội địa và dần phục hồi các thị trường có lượng khách quốc tế lớn đến Khánh Hòa trong những năm gần đây, như: Nga, các nước khu vực Đông Âu, Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan...; hướng đến mở rộng thu hút khách từ một số thị trường nhiều tiềm năng, như: Ấn Độ, Nhật Bản, Úc, Đài Loan... Đồng thời, từng bước chuyển dịch theo chiều sâu, với mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn khách, phát triển sản phẩm du lịch mang tính bền vững, có trọng tâm, trọng điểm, chất lượng và chuyên nghiệp. Do vậy, thông qua các chủ đề tham luận, các ý kiến, giải pháp hợp tác giữa ngành hàng không và du lịch tại hội thảo sẽ góp phần mạnh mẽ vào việc khôi phục các thị trường khách du lịch, phát triển ngành du lịch cả nước nói chung và Nha Trang - Khánh Hòa nói riêng.
ĐÌNH LÂM
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin