Trong 20 năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác đã mang lại hiệu quả thiết thực, trở thành một điểm sáng trong chính sách giảm nghèo của TP. Nha Trang.
Trong 20 năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác đã mang lại hiệu quả thiết thực, trở thành một điểm sáng trong chính sách giảm nghèo của TP. Nha Trang.
Giúp người dân thoát nghèo
Một ngày đầu tháng 8, chúng tôi đến thăm nhà ông Trần Ngọc Việt (thôn Thành Đạt, xã Phước Đồng) - một trong những hộ sử dụng vốn vay tín dụng chính sách hiệu quả trong thời gian qua. Trong căn nhà nhỏ nằm ở xóm Mũi, vợ chồng ông Việt đang đan lại những tấm lưới đánh cá bị rách. Trước đây, gia đình ông là hộ nghèo của thôn, thu nhập phụ thuộc vào nghề đánh cá. Do không có tiền mua lưới nên hoạt động đánh bắt không hiệu quả, gia đình luôn trong cảnh thiếu trước hụt sau. “Nghề biển lưới dài chài rộng, nhiều lưới sẽ đánh bắt được hải sản nhiều hơn. Mỗi chuyến đi biển cần khoảng 20-30 tấm lưới, có giá từ 1,2 triệu đồng/tấm trở lên. Năm 2015, qua kênh Hội Nông dân xã, gia đình tôi vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn tín dụng chính sách dành cho hộ cận nghèo để đầu tư mua lưới mới. Nguồn vốn này đã tạo động lực cho gia đình tôi làm ăn” - ông Việt chia sẻ. Việc đánh bắt thuận lợi giúp gia đình ông trả được nợ, thoát nghèo và mua sắm các vật dụng thiết yếu trong gia đình như: ti vi, tủ lạnh, xe máy... Mới đây, ông tiếp tục vay 50 triệu đồng theo diện hộ mới thoát nghèo để phát triển kinh tế gia đình. Hiện nay, trung bình mỗi ngày gia đình ông thu nhập ổn định 700.000 - 800.000 đồng từ hoạt động đánh bắt thủy sản.
Năm 2015, hộ bà Trần Thị Bích Tuyền (phường Vĩnh Trường) được vay vốn ưu đãi dành cho hộ nghèo để đầu tư thay mới dàn lưới đánh bắt thủy sản. Nhờ sử dụng hiệu quả nguồn vốn, gia đình bà đã thoát nghèo vào năm 2016. Đến nay, hoạt động đánh bắt thủy sản của gia đình bà rất ổn định, cho thu nhập khoảng 300 - 400 triệu đồng/năm.
Trong 20 năm qua, thành phố có hơn 80.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách, với doanh số cho vay hơn 1.621 tỷ đồng. Hiện nay, toàn thành phố có 19.500 hộ nghèo và các đối tượng chính sách đang có dư nợ; có 473 tổ tiết kiệm và vay vốn đã góp phần chuyển tải kịp thời nguồn vốn đến với các đối tượng thụ hưởng.
Cần nâng cao chất lượng tín dụng
Trong những năm qua, Thành ủy, UBND thành phố, Ban đại diện HĐQT Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) Nha Trang thường xuyên quan tâm chỉ đạo cấp ủy, chính quyền cơ sở, tổ chức chính trị - xã hội các cấp tập trung thực hiện các giải pháp củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách, chất lượng hoạt động giao dịch xã, hoạt động của tổ tiết kiệm và vay vốn; đôn đốc thu hồi, xử lý kịp thời nợ đến hạn, quá hạn. Đến ngày 30-6, tổng nợ quá hạn và nợ khoanh là 6,5 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 1,11%/tổng dư nợ, giảm 1,14% so với năm 2002. UBND thành phố đã chỉ đạo chính quyền cấp xã, tổ chức chính trị - xã hội tổ chức đối chiếu, phân loại nợ theo quy định nhằm rà soát, kiểm kê nợ, đánh giá đúng thực trạng chất lượng tín dụng, phân tích khả năng trả nợ của khách hàng đối với từng khoản vay. Từ đó, có giải pháp xử lý phù hợp hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng tín dụng, phòng ngừa, hạn chế nợ không có khả năng thu hồi.
Tại hội nghị tổng kết 20 năm triển khai chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định số 78 ngày 4-10-2002 của Chính phủ được tổ chức vừa qua, UBND TP. Nha Trang đã chỉ ra một số hạn chế hiện nay trong hoạt động quản lý vốn tín dụng chính sách. Đó là: Tỷ lệ nợ quá hạn, nợ khoanh còn ở mức cao, tình trạng hộ vay vốn đi khỏi địa phương, đi làm ăn xa chưa được xử lý hiệu quả. Công tác đôn đốc thu hồi, xử lý nợ của tổ chức hội, đoàn thể, tổ tiết kiệm và vay vốn chưa chủ động, chưa hiệu quả…
Để khắc phục những hạn chế đó, ông Lê Hữu Hoàng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chỉ đạo UBND thành phố, Ban đại diện HĐQT NHCSXH TP. Nha Trang, các tổ chức chính trị - xã hội tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách; quan tâm bố trí nguồn vốn ngân sách ủy thác sang NHCSXH hàng năm; thực hiện tốt công tác rà soát, xác nhận đối tượng vay, cho vay vốn gắn với tư vấn, hướng dẫn hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích. Bên cạnh đó, ông cũng đề nghị cần nâng cao chất lượng tín dụng, kiểm soát nợ đến hạn, nợ quá hạn; thực hiện nghiêm công tác kiểm tra, giám sát đối với hoạt động tín dụng chính sách; nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ tiết kiệm và vay vốn…
Nhân dịp tổng kết 20 năm triển khai chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định số 78 ngày 4-10-2002 của Chính phủ trên địa bàn TP. Nha Trang, Tổng giám đốc NHCSXH tặng giấy khen cho 2 tập thể và 6 cá nhân; Chủ tịch UBND TP. Nha Trang khen thưởng 18 tập thể và 23 cá nhân, Trưởng Ban đại diện HĐQT NHCSXH TP. Nha Trang khen thưởng 20 tập thể và 25 cá nhân. ______________________________________________ Trong 20 năm qua, có hơn 15.000 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được tiếp cận nguồn vốn vay để phát triển sản xuất, kinh doanh; hơn 10.500 người vay vốn giải quyết việc làm; hơn 3.800 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập; xây dựng hơn 49.770 công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn; 452 khách hàng vay vốn nhà ở xã hội… Từ 3 chương trình tín dụng năm 2002 với dư nợ chỉ 40,2 tỷ đồng; đến nay đã có 13 chương trình với tổng dư nợ hơn 582,7 tỷ đồng, tăng gấp 13,5 lần. |
MAI HOÀNG