Hiện nay là thời điểm thu hoạch rộ cây mía tím Khánh Sơn. Mặc dù người dân đã giảm giá xuống còn một nửa, bán để cắt lỗ, nhưng vẫn không tiêu thụ được.
Hiện nay là thời điểm thu hoạch rộ cây mía tím Khánh Sơn. Mặc dù người dân đã giảm giá xuống còn một nửa, bán để cắt lỗ, nhưng vẫn không tiêu thụ được.
Còn tồn 9.000 tấn mía
Tại buổi làm việc giữa UBND tỉnh Khánh Hòa và các sở, ngành, địa phương về tiêu thụ nông sản, lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Khánh Sơn cho biết, toàn huyện có gần 300ha mía tím. Thời điểm thu hoạch mía rộ nhất là tháng 8 và tháng 9. Mía tím chủ yếu cung cấp cho các tàu cá đánh bắt xa bờ ở các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa. Ngoài ra, thị trường TP. Hồ Chí Minh cũng khá ưa chuộng loại mía mềm, ngọt đặc trưng này.
Theo ông Đỗ Nhi Huy - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Khánh Sơn, năm nay, mía tím đạt tổng sản lượng khoảng 11.000 tấn. Đến thời điểm này mới chỉ tiêu thụ được khoảng 2.000 tấn. Số còn lại, tuy đã đến kỳ thu hoạch, thậm chí nhiều diện tích đã quá lứa nhưng vẫn chưa tiêu thụ được. Qua làm việc, các đầu nậu chuyên thu mua mía tím cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các tàu đánh cá hầu hết nằm bờ, chợ đầu mối ở TP. Hồ Chí Minh cũng đang tạm ngưng hoạt động, thị trường tiêu thụ mía tím gần như đóng băng nên các thương lái cũng không thể thu mua mía cho người dân. UBND huyện Khánh Sơn buộc phải khuyến cáo người trồng mía tiếp tục chăm sóc, kéo dài thời gian, chờ dịch bệnh được kiểm soát để tiêu thụ. Tuy nhiên, việc kéo dài thời gian cũng không khả thi vì không ít vườn cây mía đã bắt đầu trổ cờ, coi như bỏ.
Hiện nay, giá mía giảm khoảng 60% so với năm trước. Trước đây, bó mía 12 cây bán được 120.000 đồng, nay bán với giá 50.000 đồng vẫn không có người mua. Qua tính toán, 1 sào (1.000m2) mía tím hiện nay, nông dân chỉ bán được khoảng 6-8 triệu đồng, chưa đủ bù chi phí, trong khi các năm trước bán được hơn 20 triệu đồng.
Hỗ trợ tiêu thụ
Tại buổi làm việc của UBND tỉnh, ông Lê Hữu Hoàng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã giao cho các sở, ngành, Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Liên đoàn Lao động tỉnh, Hội Doanh nhân trẻ, Ban Quản lý Khu Kinh tế Vân Phong và các địa phương khẩn trương đưa ra giải pháp hỗ trợ tiêu thụ mía tím cho nông dân huyện Khánh Sơn. “Trước mắt, sẽ tổ chức thu mua 10 xe mía tím, tương ứng với 10.000 bó mía. Trong ngày 22-9, các sở, ngành, đơn vị, địa phương tổ chức phân bổ tiêu thụ số lượng mía tím này” - ông Lê Hữu Hoàng cho biết.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh giao Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn liên hệ với các tỉnh bạn, rà soát kế hoạch tàu thuyền ra khơi, tìm hiểu nhu cầu mía tím thời gian tới để có kế hoạch cung ứng sản phẩm. Hội Nông dân tỉnh đưa mía tím vào 35 gian hàng hỗ trợ tiêu thụ nông sản mà hội đang triển khai, đồng thời liên hệ với trung tâm hỗ trợ nông dân các tỉnh bạn để tìm kiếm thêm đầu mối hỗ trợ tiêu thụ mía tím cho nông dân Khánh Hòa. Tỉnh đoàn hỗ trợ việc quảng bá, đưa sản phẩm mía tím lên sàn thương mại điện tử…
Theo ông Lê Bá Ninh - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, qua tìm hiểu, hiện nay trên địa bàn tỉnh chỉ có khoảng 150 tàu cá ra khơi. Sở sẽ làm việc cụ thể với các chủ tàu, đẩy mạnh hơn nữa việc thu mua, tiêu thụ mía tím cho nông dân. Ước tính mỗi tàu sẽ tiêu thụ khoảng 3 bó mía tím trong mỗi chuyến ra khơi. Còn theo lãnh đạo Sở Công Thương, ngoài các giải pháp trước mắt, có tính chất tình thế nhằm hỗ trợ tiêu thụ mía tím, về lâu dài, sở đề nghị địa phương nghiên cứu, vận động người dân chuyển đổi cây mía tím sang các cây trồng khác, vì hầu như năm nào mía tím vào vụ thu hoạch cũng đều gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ.
HỒNG ĐĂNG