09:06, 13/06/2021

Liên kết vùng Khánh Hòa - Phú Yên

Để tái cơ cấu kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề nghị Khánh Hòa và Phú Yên lập đề án liên kết vùng nam Phú Yên - bắc Khánh Hòa, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của 2 tỉnh.

Để tái cơ cấu kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) đã đề nghị Khánh Hòa và Phú Yên lập đề án liên kết vùng nam Phú Yên - bắc Khánh Hòa, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của 2 tỉnh.


Phát triển kinh tế liên vùng


Ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, theo nội dung đề cương của Bộ KH-ĐT, UBND tỉnh đã chủ động xây dựng dự thảo Đề án về cơ chế, chính sách liên kết vùng nam Phú Yên - bắc Khánh Hòa; phối hợp với UBND tỉnh Phú Yên để góp ý, hoàn chỉnh nội dung đề án. Liên kết vùng nam Phú Yên - bắc Khánh Hòa được kích hoạt sẽ giúp cho 2 địa phương trở thành vùng kinh tế tổng hợp, đóng vai trò động lực của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ.

 

Một góc Khu Kinh tế Vân Phong.

Một góc Khu Kinh tế Vân Phong.


Dự kiến sau liên kết, Khu Kinh tế (KKT) Vân Phong sẽ thu hút tối thiểu 150.000 tỷ đồng vốn đăng ký đầu tư mới giai đoạn 2021 - 2025, vốn giải ngân đạt từ 75.000 tỷ đồng trở lên. Từ đó, tỷ lệ đóng góp vào ngân sách tỉnh của KKT chiếm từ 30 đến 40%; giá trị công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 40% của tỉnh; giải quyết việc làm ổn định cho 10.000 lao động. Đối với KKT nam Phú Yên, giai đoạn 2021 - 2025, phải thu hút đầu tư và hoạt động sản xuất kinh doanh của 30 - 50 dự án; hoạt động xuất khẩu năm 2025 phải đạt gần 370 triệu USD; doanh thu giai đoạn này phải đạt khoảng 40.000 tỷ đồng; nộp ngân sách 800 tỷ đồng và giải quyết việc làm cho 11.000 lao động.

 

Ông Trần Hòa Nam - Giám đốc Sở KH-ĐT cho biết, đề án liên kết giữa Phú Yên và Khánh Hòa ưu tiên phát triển mạng lưới giao thông. Cụ thể, sẽ xây dựng các tuyến đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường hàng không đủ mạnh để đáp ứng nhu cầu vận tải tăng cao của KKT nam Phú Yên và KKT Vân Phong; tạo ra sự kết nối đường bộ từ KKT Vân Phong tới sân bay Tuy Hòa (xây dựng đường cao tốc Tuy Hòa - Vân Phong có chiều dài khoảng 30km) và điểm cuối kết nối vào đoạn Vân Phong - Nha Trang. Ngoài ra, 2 tỉnh sẽ liên kết đào tạo và phát triển nguồn nhân lực. Trong đó, tập trung đào tạo lao động chất lượng cao, đón đầu các ngành công nghiệp công nghệ cao, ngành dịch vụ có giá trị gia tăng lớn; tăng cường liên kết giữa các cơ sở đào tạo, cơ sở dạy nghề trong các lĩnh vực quan trọng như: Thương mại, vận tải - kho bãi - cảng biển, điện, điện tử, điện lạnh, viễn thông, công nghệ thông tin, cơ khí...; thúc đẩy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phát triển nhân lực, đặc biệt là đào tạo đại học và sau đại học. Bên cạnh đó, 2 tỉnh cũng liên kết trong việc huy động vốn đầu tư và xây dựng cơ chế chính sách để đầu tư phát triển chung vùng nam Phú Yên - bắc Khánh Hòa; phối hợp xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch. 2 tỉnh cùng nhau xây dựng hệ thống thông tin và trao đổi thông tin kinh tế - xã hội đầu tư trên địa bàn nhằm phát huy lợi thế một cách hiệu quả nhất.

 

 Giao thông 2 tỉnh được kết nối bằng hầm đường bộ đèo Cả.

Giao thông 2 tỉnh được kết nối bằng hầm đường bộ đèo Cả.

 

Các giải pháp trọng tâm

 

Ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh: Trên cơ sở tổng hợp ý kiến góp ý của UBND tỉnh Phú Yên, UBND tỉnh đã rà soát, điều chỉnh bổ sung hoàn thiện đề án gửi Bộ KH-ĐT xem xét, thẩm định. Sau khi đề án trình Chính phủ thông qua sẽ phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của 2 tỉnh Khánh Hòa và Phú Yên.

Để cụ thể hóa các định hướng liên kết vùng nam Phú Yên - bắc Khánh Hòa, sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt, UBND 2 tỉnh sẽ chỉ đạo các sở, ngành triển khai nội dung liên kết theo chức năng nhiệm vụ được giao, đảm bảo thực hiện có hiệu quả. Trong quá trình triển khai thực hiện, tùy thuộc vào tình hình thực tế của từng địa phương, 2 tỉnh sẽ chủ động có văn bản đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương xem xét đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền Trung ương quản lý nhằm tạo điều kiện để 2 tỉnh thực hiện có hiệu quả nội dung liên kết. Đồng thời, kiến nghị điều chỉnh, bổ sung các nội dung liên kết để thúc đẩy tăng trưởng, thu hút nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm an ninh quốc phòng trên địa bàn 2 tỉnh. Hàng năm, 2 tỉnh luân phiên tổ chức họp đánh giá tình hình thực hiện nhằm trao đổi, thống nhất nội dung liên kết mới để nâng cao hiệu quả. 


Lãnh đạo 2 tỉnh cũng khắc phục những khó khăn, hạn chế trong thời gian qua về liên kết khai thác hiệu quả kết cấu hạ tầng đa mục tiêu, kết nối liên vùng và nội vùng. Trong đó, hỗ trợ nhau trên cơ sở hình thành cụm cảng Vân Phong - Vũng Rô, đây chính là một trong những khu vực cửa ngõ chính ra Biển Đông của vùng Tây Nguyên. 2 tỉnh sẽ thống nhất lựa chọn các công trình hạ tầng khung và kiến nghị Trung ương hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng nhằm phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh (biển, du lịch, cảng biển, KKT, nguồn nhân lực dồi dào...), tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của 2 địa phương.


Ông Hoàng Đình Phi - Trưởng Ban Quản lý KKT Vân Phong khẳng định, sự liên kết giữa Khánh Hòa - Phú Yên sẽ tạo nên động lực phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là KKT Vân Phong. Để khắc phục những khó khăn, hạn chế về tiềm năng, thế mạnh tương đồng, các ngành kinh tế chủ lực tại các KKT, khu công nghiệp của các địa phương, 2 tỉnh thống nhất đề nghị Chính phủ cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách nhằm tăng tính liên kết, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo động lực phát triển với tốc độ cao; kiến nghị Trung ương hỗ trợ nguồn lực cho 2 tỉnh nhằm xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, công trình bảo vệ môi trường quan trọng trong KKT.


Đình Lâm