09:06, 02/06/2021

Hướng đến sản xuất nông nghiệp bền vững

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa có quyết định phê duyệt Đề án phát triển, nhân rộng các mô hình chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông, lâm, thủy sản giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh nhằm phát triển nông nghiệp bền vững, an toàn. 

 

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa có quyết định phê duyệt Đề án phát triển, nhân rộng các mô hình chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông, lâm, thủy sản giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh nhằm phát triển nông nghiệp bền vững, an toàn. 

 
Nhiều chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn


Khánh Hòa có nhiều sản phẩm chủ lực nông, thủy sản như: Sầu riêng Khánh Sơn (1.650ha), xoài Cam Lâm, Cam Ranh, Ninh Hòa (8.194ha), bưởi da xanh Khánh Vĩnh (khoảng 1.571ha) và nhiều sản phẩm thủy sản nuôi như: Tôm hùm, ốc hương, tôm nước lợ, các loại cá biển… có thể phát triển các chuỗi liên kết sản xuất. Để hỗ trợ các cơ sở phát triển sản xuất bền vững, bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm từ khâu sản xuất, sơ chế đến tiêu thụ, từ năm 2013 đến nay, Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản đã triển khai thành công 9 mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm nông, thủy sản an toàn  theo VietGAP. Đó là các mô hình: Chuỗi cung cấp rau an toàn tại TP. Nha Trang (sản lượng 19,5 tấn/năm); chuỗi cung cấp rau an toàn tại thị xã Ninh Hòa (sản lượng 250 tấn/năm); chuỗi cung cấp trái cây trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh (sản lượng 1.500 tấn/năm); chuỗi cung cấp tỏi an toàn tại Vạn Ninh và Ninh Hòa (tổng sản lượng gần 290 tấn/năm); chuỗi cung cấp sầu riêng an toàn tại Khánh Sơn (sản lượng 1.055 tấn/năm). Ngoài ra, còn có các mô hình chuỗi cung cấp thịt heo an toàn, cung cấp thịt gà an toàn, cung cấp xoài an toàn, cung cấp thủy sản nuôi an toàn theo VietGAP. Các mô hình này thu hút sự tham gia của nhiều doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh, tổ liên kết, hộ kinh doanh cá thể tham gia.

 

Sản xuất rau an toàn theo VietGAP tại thị xã Ninh Hòa. Ảnh: Đ.H

Sản xuất rau an toàn theo VietGAP tại thị xã Ninh Hòa. Ảnh: Đ.H


Theo ông Nguyễn Ngọc Việt - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản, việc xây dựng, phát triển các mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm nông, thủy sản an toàn theo VietGAP là hướng đi đúng và phù hợp với thực tế. Các mô hình đã giúp nâng cao thu nhập cho nông dân, bước đầu tạo thuận lợi cho các hợp tác xã, tổ hợp tác tiếp cận thị trường, mở rộng quy mô sản xuất, đáp ứng điều kiện an toàn thực phẩm, góp phần xây dựng quy trình sản xuất, tiêu thụ nông sản chủ lực tại địa phương theo hướng bền vững, đáp ứng yêu cầu an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường. Đây cũng là cơ sở để tiếp tục nhân rộng các sản phẩm nông, lâm, thủy sản khác theo VietGAP trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.


Hỗ trợ nhân rộng các mô hình


Mới đây, UBND tỉnh đã có quyết định phê duyệt Đề án phát triển, nhân rộng các mô hình chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông, lâm, thủy sản giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh. Mục tiêu cụ thể của đề án là phát triển, nhân rộng các mô hình chuỗi cung cấp nông, lâm, thủy sản an toàn theo hướng mỗi chuỗi có ít nhất 1 doanh nghiệp tham gia liên kết tiêu thụ sản phẩm. Đến năm 2025, các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh gồm: Sầu riêng, bưởi da xanh, xoài, tỏi, các loài thủy sản nuôi được kiểm soát an toàn thực phẩm theo chuỗi từ khâu sản xuất ban đầu đến thu mua, chế biến, bảo quản và tiêu thụ, có đầu ra ổn định và hướng đến xuất khẩu bền vững. Trong giai đoạn 2021 - 2025, phát triển 6 mô hình chuỗi cung cấp các thực phẩm như: Rau, củ, quả; trái cây; thịt lợn; thủy sản.


Đề án này sẽ tập trung vào các nội dung trọng tâm gồm: Đào tạo, tập huấn và nâng cao năng lực cho các mắt xích trong chuỗi; hỗ trợ xây dựng, áp dụng các chương trình quản lý chất lượng, đánh giá chứng nhận mở rộng VietGAP và điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm cho các tổ hợp tác, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp tham gia chuỗi liên kết. Bên cạnh đó, xây dựng bộ tiêu chí cho các sản phẩm được kiểm soát an toàn thực phẩm theo chuỗi với đầy đủ các tiêu chí về chất lượng dinh dưỡng, an toàn thực phẩm, quy cách đóng gói, tem, nhãn để làm cơ sở cho việc chứng nhận sản phẩm đặc trưng của tỉnh; hỗ trợ các tác nhân tham gia chuỗi, sản phẩm của chuỗi liên kết trong các hoạt động quảng bá xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường…


Để thực hiện hiệu quả đề án này, tỉnh sẽ xây dựng và điều chỉnh các chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp phù hợp với thực tế của địa phương; tạo sức cạnh tranh, phát triển các ngành hàng có lợi thế; hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp tham gia chuỗi liên kết tiếp cận với những chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Tỉnh sẽ huy động các nguồn lực, nhất là thu hút các doanh nghiệp có năng lực đầu tư vào phát triển nông nghiệp, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy sản; thúc đẩy phát triển các hợp tác xã, tổ hợp tác để hình thành liên kết trong sản xuất và tiêu thụ, gắn với các vùng nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh. Cùng với đó, tỉnh triển khai các giải pháp về ứng dụng khoa học công nghệ; tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; quản lý chất lượng sản phẩm và xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường…


HẢI LĂNG