11:05, 16/05/2021

Nam Vân Phong sẽ là trung tâm năng lượng

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ ủng hộ chủ trương đầu tư dự án Trung tâm Điện khí hóa lỏng (LNG) và Kho cảng đầu mối LNG Vân Phong (thị xã Ninh Hòa) của Công ty Millennium Energy (Hoa Kỳ). Nếu dự án được chấp thuận và triển khai, Vân Phong sẽ trở thành trung tâm cung cấp LNG của cả nước.

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ ủng hộ chủ trương đầu tư dự án Trung tâm Điện khí hóa lỏng (LNG) và Kho cảng đầu mối LNG Vân Phong (thị xã Ninh Hòa) của Công ty Millennium Energy (Hoa Kỳ). Nếu dự án được chấp thuận và triển khai, Vân Phong sẽ trở thành trung tâm cung cấp LNG của cả nước.


Dự kiến hơn 27 tỷ USD cho 2 dự án LNG


Theo UBND tỉnh, Công ty Millennium Energy đang nghiên cứu và lập hồ sơ đầu tư dự án Trung tâm Điện khí LNG Vân Phong và Kho cảng đầu mối LNG với diện tích khoảng 360ha tại thôn Mỹ Giang và thôn Ninh Yển (xã Ninh Phước, thị xã Ninh Hòa). Cả 2 hạng mục đầu tư có tổng số vốn hơn 27 tỷ USD. Trong đó, Trung tâm Điện khí LNG Vân Phong có công suất 4.800MW với 4 tổ máy, được chia làm 2 giai đoạn xây dựng, mỗi giai đoạn 2.400MW, có công nghệ tuabin khí chu trình hỗn hợp, với mức vốn đầu tư 4,7 tỷ USD. Thời gian vận hành thương mại của dự án giai đoạn 1 dự kiến từ năm 2027 đến 2030 và giai đoạn 2 sau năm 2030.

 

Cảng nước sâu ở Vân Phong rất thuận lợi cho việc tiếp nhận tàu chở LNG.

Cảng nước sâu ở Vân Phong rất thuận lợi cho việc tiếp nhận tàu chở LNG.


Đối với dự án Kho cảng đầu mối LNG Vân Phong, Công ty Millennium Energy đề xuất xây dựng hệ thống kho chứa có tổng công suất 17 triệu m3 khí thiên nhiên hóa lỏng, được phân chia nhiều giai đoạn xây dựng, với mục tiêu cung cấp khí LNG cho nhà máy của dự án và các dự án khác trong nước; đồng thời, hướng đến khả năng xuất khẩu LNG cho các nước trong khu vực châu Á. Dự kiến hạng mục này sẽ vận hành thương mại trong giai đoạn 2025 - 2030. Tổng vốn đầu tư cho dự án này dự kiến lên đến 22,5 tỷ USD.


Ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nhận định, khu vực nam Vân Phong có những điều kiện tự nhiên thuận lợi về tuyến nước sâu, được quy hoạch xây dựng các phân khu chức năng về công nghiệp, cảng chuyên dùng. Khu vực này đã cho phép triển khai đầu tư một số dự án năng lượng lớn như: Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1 với công suất 1.320MW (2,58 tỷ USD), Kho xăng dầu ngoại quan Vân Phong (125 triệu USD)... nên có nhiều tiềm năng để tiếp tục phát triển đột phá ngành năng lượng. Vì vậy, việc cho phép bổ sung quy hoạch và triển khai đầu tư dự án Trung tâm Điện khí LNG Vân Phong và Kho cảng đầu mối LNG tại khu vực phía nam Khu Kinh tế Vân Phong như đề xuất của Công ty Millennium Energy là phù hợp với định hướng quy hoạch phát triển của Khu Kinh tế Vân Phong. Điều này tạo điều kiện thuận lợi để Vân Phong phát triển thành một trong những trung tâm năng lượng lớn của quốc gia, trở thành động lực quan trọng để phát triển Vân Phong nói riêng và của tỉnh nói chung. Đồng thời, khi dự án đi vào hoạt động sẽ tạo nguồn thu quan trọng, đóng góp vào ngân sách.


Bổ sung dự án vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia

 

UBND tỉnh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ ủng hộ, chỉ đạo Bộ Công Thương xem xét, bổ sung dự án Trung tâm Điện khí LNG Vân Phong và Kho cảng đầu mối LNG Vân Phong vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021 - 2030 (quy hoạch điện VIII) và Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 để nhà đầu tư triển khai dự án đúng quy định pháp luật. Đồng thời, kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ nhà đầu tư sớm hoàn tất thủ tục trong quá trình nghiên cứu và triển khai các dự án đầu tư.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế và lãnh đạo các bộ, ngành, việc định hướng để khu vực nam Vân Phong trở thành trung tâm năng lượng của cả nước là phù hợp với xu thế. Nếu dự án Trung tâm Điện khí LNG Vân Phong và Kho cảng đầu mối LNG Vân Phong thành hiện thực sẽ góp phần đa dạng hóa nguồn nhiên liệu, tăng cường an ninh năng lượng, giảm dần tỷ trọng nhiệt điện than, giảm chi phí LNG, hạ giá thành điện thương phẩm của các nhà máy điện LNG tại Việt Nam… Tuy nhiên, các bộ, ngành cũng lưu ý vấn đề truyền tải điện khi khu vực này đang có rất nhiều nhà đầu tư khác xin đầu tư điện khí. Tổng các dự án điện khí của nam Vân Phong dự kiến đăng ký đưa vào quy hoạch điện VIII lên tới 20.000MW.


Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, dù tiềm năng làm điện khí của Khánh Hòa rất lớn nhưng tại đây có phụ tải thấp. Trong khi đó, để truyền tải điện vào khu vực phía nam lại rất tốn kém. Chính vì vậy, UBND tỉnh nên xác định phát triển nam Vân Phong là trung tâm LNG của cả khu vực, tuy vẫn thu hút đầu tư các dự án điện khí nhưng ở mức độ vừa phải nhằm làm nền tảng để phát triển kho chứa khí.


Khảo sát thực tế tại khu vực Vân Phong mới đây, ông Trần Tuấn Anh - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương đánh giá khu vực nam Vân Phong có rất nhiều lợi thế để phát triển kho cảng chứa LNG và làm điện khí. Ông nhấn mạnh: “Nếu đặt kho cảng khí hóa lỏng tại nam Vân Phong sẽ thuận lợi cho việc cung cấp khí cho 2 đầu đất nước, thậm chí là Đông Nam Á. Các tàu chở khí đều là tàu có tải trọng lớn, nhưng với độ sâu hiện hữu, khó có khu vực nào phù hợp hơn khu vực Vân Phong làm cầu cảng để tiếp nhận các loại tàu này. Chính vì vậy, thời gian tới, tỉnh cần sớm đề xuất với Bộ Công Thương để nghiên cứu bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021 - 2030 (quy hoạch điện VIII) và quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030”.


Đình Lâm