10:11, 05/11/2020

Khánh Vĩnh: Đề xuất tăng diện tích đất phi nông nghiệp

Giai đoạn 2011 - 2020, huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) đã thực hiện vượt mục tiêu quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp. Thời gian tới, địa phương đề xuất tăng quỹ đất phi nông nghiệp để triển khai nhiều nhiệm vụ quan trọng.

 

Giai đoạn 2011 - 2020, huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) đã thực hiện vượt mục tiêu quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp. Thời gian tới, địa phương đề xuất tăng quỹ đất phi nông nghiệp để triển khai nhiều nhiệm vụ quan trọng.


Tỷ lệ thực hiện đất nông nghiệp cao


Tổng diện tích tự nhiên toàn huyện Khánh Vĩnh ước đến cuối năm 2020 là 116.600ha, so với năm 2010 giảm hơn 71,5ha do điều chỉnh lại ranh giới huyện. Diện tích đất nông nghiệp ước hơn 112.682ha, chiếm 96,6%. Trong đó, chủ yếu là đất lâm nghiệp với diện tích gần 45.553,6ha; đất trồng cây lâu năm chiếm gần 7%; đất trồng lúa và nuôi trồng thủy sản chiếm tỷ lệ nhỏ.


Theo lãnh đạo huyện, giai đoạn 2011 - 2020, tỷ lệ thực hiện quy hoạch đất nông nghiệp toàn huyện đạt 108,46% (cao hơn quy hoạch được duyệt 8.793,42ha). Nguyên nhân do việc khai thác đất chưa sử dụng vào sử dụng đất tốt, các quỹ đất được đưa vào trồng mới cây hàng năm, cây lâu năm và đất lâm nghiệp, đặt biệt là diện tích đất trồng cây lâu năm tăng nhiều do thị trường hiện nay rất ưa chuộng các loại trái cây đặc sản của địa phương như sầu riêng, bưởi da xanh...


Diện tích đất phi nông nghiệp ước đến cuối năm hơn 3.758ha. Trong đó, các loại đất chiếm nhiều diện tích là đất phát triển hạ tầng (hơn 1.494ha); đất ở (437,8ha); đất sông ngòi, kênh rạch, suối (1.209ha); đất quốc phòng... Tỷ lệ thực hiện đất phi nông nghiệp của huyện giai đoạn 2011 - 2020 đạt 71,8% (thấp hơn so với quy hoạch được duyệt 1.476ha). Nguyên nhân do việc thực hiện các công trình dự án trong kỳ quy hoạch sử dụng đất chưa đáp ứng với nhu cầu đề ra; những chỉ tiêu đất quan trọng, tỷ lệ thực hiện trong kỳ quy hoạch còn khá thấp như: Đất cụm công nghiệp; đất cho hoạt động khoáng sản; đất phát triển hạ tầng...


Theo ông Nguyễn Văn Thuận - Phó Chủ tịch UBND huyện, xu thế biến động sử dụng đất giai đoạn 2011 - 2020 là tăng dần đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp; giảm dần đất chưa sử dụng để chuyển sang đất nông nghiệp, phi nông nghiệp, trong đó chủ yếu đưa vào trồng cây lâu năm, trồng mới và khoanh nuôi tái sinh rừng. Tuy nhiên, diện tích đất chưa sử dụng được đưa vào sử dụng của huyện chưa đạt so với mục tiêu đề ra (tỷ lệ thực hiện 2,66% so với quy hoạch được duyệt), nguyên nhân do thiếu kinh phí để thực hiện các dự án đất phi nông nghiệp; trồng mới, khoanh nuôi phục hồi rừng; phát triển các cây có giá trị cao như sầu riêng, bưởi da xanh...


Sẽ tăng diện tích đất phi nông nghiệp


Theo đề xuất nhu cầu sử dụng đất của huyện, dự kiến đến năm 2030, đất nông nghiệp địa phương còn khoảng 109.000ha, chiếm 93,52% diện tích tự nhiên toàn huyện. Trong đó, đất chuyên trồng lúa nước cần bảo vệ nghiêm ngặt dự kiến còn khoảng 350ha (chỉ giữ lại những vùng tập trung lớn, diện tích nhỏ sẽ chuyển sang các loại đất khác); đất trồng cây lâu năm diện tích mở rộng theo nhu cầu của người dân và thị trường, dự kiến đạt 7.800ha; đất trồng cây hàng năm khác hơn 1.140ha; đất rừng phòng hộ gần 48ha; đất rừng sản xuất 45.000ha...


Đất phi nông nghiệp dự kiến đến năm 2030 có khoảng 7.356ha, chiếm 6,31%, trong đó nhiều diện tích đất trong kỳ sẽ tăng như: Đất khu công nghiệp (mở rộng đất cụm công nghiệp); đất phát triển công trình hạ tầng cấp quốc gia (thực hiện các công trình giao thông quan trọng, công trình hồ thủy lợi trên địa bàn các xã); đất bãi thải, xử lý chất thải (thực hiện các công trình bãi rác thải của các xã, thị trấn); đất quốc phòng, an ninh... Để triển khai mở rộng đất phi nông nghiệp, tổng diện tích đất nông nghiệp xin chuyển mục đích toàn huyện dự kiến 490ha, trong đó đất trồng lúa 30ha, đất trồng cây lâu năm 300ha, đất rừng sản xuất 100ha, đất rừng phòng hộ 50ha, đất nuôi trồng thủy sản 10ha.


Theo ông Thuận, công tác triển khai quy hoạch sử dụng đất trên địa bàn huyện thời gian qua vẫn còn một số vướng mắc, hạn chế như: Số lượng công trình, dự án thực hiện còn thấp so với mục tiêu quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất đề ra; hàng năm, vẫn còn tình trạng thiếu sót danh mục công trình, dự án và nhu cầu chuyển mục đích của người dân đối với kế hoạch sử dụng đất của năm sau... Địa phương đã có kiến nghị gửi Sở Tài nguyên và Môi trường để tháo gỡ một số tồn tại, khó khăn. Từ đó, có cơ sở để thực hiện quy hoạch sử dụng đất giai đoạn tới đạt hiệu quả cao hơn.


V.Thành