Sáng 28-10, đoàn công tác của Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389) do ông Trần Đức Đông - Phó Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo làm trưởng đoàn làm việc với Ban Chỉ đạo 389 tỉnh về kết quả hoạt động 9 tháng năm 2020.
Sáng 28-10, đoàn công tác của Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389) do ông Trần Đức Đông - Phó Chánh văn phòng BCĐ làm trưởng đoàn làm việc với BCĐ 389 tỉnh về kết quả hoạt động 9 tháng năm 2020. Tại buổi làm việc, BCĐ 389 tỉnh đã kiến nghị nhiều vấn đề cần giải quyết trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Khó khăn trong giám định hàng hóa
Theo lãnh đạo BCĐ 389 tỉnh, 9 tháng năm 2020, các lực lượng chức năng đã phát hiện 1.588 vụ vi phạm (giảm 14,35% so với cùng kỳ năm 2019). Trong đó, có 406 vụ bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu; 1.163 vụ gian lận thương mại, gian lận thuế; 19 vụ hàng giả. Các lực lượng đã xử lý 1.414 vụ, thu nộp ngân sách gần 215,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, các lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, ảnh hưởng đến hiệu quả xử lý vi phạm, đặc biệt là vấn đề giám định hàng hóa tịch thu.
Tại buổi làm việc, đại diện Công an tỉnh cho biết, một trong những khó khăn của đơn vị là giám định chất lượng xăng dầu, gỗ… Đơn vị phải liên hệ với nhiều ngành để giám định chất lượng hàng hóa, chi phí giám định cao, thậm chí có lô hàng chi phí giám định còn cao gấp đôi trị giá lô hàng; hàng hóa tịch thu không có điều kiện bảo quản, không có kho bãi để lưu giữ trong khi thời gian giám định, xử lý lại kéo dài. Việc xác định chất lượng một số hàng hóa như: Dược liệu, thuốc y học cổ truyền, thực phẩm chức năng, yến sào, nguyên liệu thuốc lá... chưa có các văn bản pháp luật quy định cụ thể. Trong khi đó, công tác bảo quản những loại hàng này gặp nhiều khó khăn, dễ bị hư hỏng do quá trình xử lý kéo dài (phải xác minh, kiểm định chất lượng). Theo đại diện Cục Quản lý thị trường tỉnh, chi phí giám định đối với các mặt hàng giả mạo nhãn mác, xuất xứ Việt Nam cũng khá cao, khó xác minh nên mất nhiều thời gian, gây ách tắc, khó khăn trong xử lý.
Hiện nay, trang thiết bị phục vụ cho công tác kiểm tra, kiểm soát còn thiếu và lạc hậu so với nhu cầu thực tế. Các lực lượng chưa được trang bị phương tiện phục vụ kiểm tra nhanh chất lượng xăng dầu, mà phải lấy mẫu xăng dầu gửi đi kiểm nghiệm ở TP. Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, những phương thức vi phạm pháp luật trong kinh doanh hàng hóa trên mạng xã hội ngày càng diễn biến phức tạp. Ông Vĩnh Thông - Giám đốc Sở Tài chính, Phó Trưởng BCĐ 389 tỉnh cho biết, thời gian qua, nhiều đối tượng lợi dụng không gian mạng để quảng cáo, bày bán công khai sản phẩm, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, gây khó khăn cho các ngành chức năng trong công tác kiểm tra, kiểm soát hàng hóa lưu thông trên thị trường… Các đối tượng tổ chức kinh doanh với hình thức đa cấp, bán sản phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc đang hướng hoạt động về người dân ở vùng sâu, vùng xa nhằm né tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng...
Tập trung mở đợt cao điểm cuối năm
Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nói trên, BCĐ 389 tỉnh kiến nghị các cấp, ngành Trung ương sớm ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định về cách xác định hàng hóa của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam; có văn bản hướng dẫn hoặc thông tin những cơ quan, ban, ngành, hiệp hội có cơ sở pháp lý để xác định chất lượng các hàng hóa như: Dược liệu, thuốc y học cổ truyền, thực phẩm chức năng, yến sào, nguyên liệu thuốc lá… Tỉnh cũng đề nghị trang bị các phương tiện chuyên dùng và công cụ hỗ trợ phục vụ cho yêu cầu thực hiện nhiệm vụ; thiết bị, phương tiện kiểm tra nhanh chất lượng xăng dầu nhằm nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính; hỗ trợ thêm kinh phí cho lực lượng làm công tác chống buôn lậu, mua tin từ quần chúng nhân dân.
Ông Trần Đức Đông ghi nhận những khó khăn, kiến nghị của tỉnh và cho biết, một số vướng mắc là tình trạng chung của nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Đoàn sẽ tổng hợp, báo cáo BCĐ 389 quốc gia để có hướng giải quyết. Đối với việc ghi nhãn xuất xứ Việt Nam, Bộ Công Thương đang dự thảo quy định và sẽ ban hành trong thời gian tới. Đại diện BCĐ 389 quốc gia cũng đề nghị BCĐ tỉnh bám sát chỉ tiêu, kế hoạch năm 2020 để thực hiện mục tiêu kép vừa tăng cường công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vừa phòng, chống dịch Covid-19; thực hiện hiệu quả chỉ đạo của BCĐ 389 quốc gia về phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong lĩnh vực thương mại điện tử; quan tâm chỉ đạo việc chống sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ… Chuẩn bị bước vào mùa mua sắm cuối năm, BCĐ tỉnh cần mở đợt cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán và trước Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Mai Hoàng