10:10, 08/10/2020

Khánh Sơn: Tập trung phát triển thương hiệu nông sản

Những năm qua, Khánh Sơn từng bước vươn mình trở thành "thủ phủ" cây ăn quả của tỉnh Khánh Hòa, với nhiều sản phẩm nông nghiệp được người tiêu dùng biết đến như: Sầu riêng, bưởi da xanh, măng cụt, mía tím… Hiện nay, địa phương đang tập trung phát triển các thương hiệu nông sản, qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Những năm qua, Khánh Sơn từng bước vươn mình trở thành “thủ phủ” cây ăn quả của tỉnh Khánh Hòa, với nhiều sản phẩm nông nghiệp được người tiêu dùng biết đến như: Sầu riêng, bưởi da xanh, măng cụt, mía tím… Hiện nay, địa phương đang tập trung phát triển các thương hiệu nông sản, qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.


Vùng đất trái ngon


Xác định tiềm năng, lợi thế về khí hậu và thổ nhưỡng của địa phương, những năm qua, Đảng bộ và nhân dân huyện Khánh Sơn đã tìm tòi, trồng thử nghiệm nhiều loại cây nông nghiệp có giá trị kinh tế cao. Đến nay, nhiều loại cây trồng cho thấy sự phù hợp với vùng đất Khánh Sơn, mang lại hiệu quả cao cho nông dân và được phát triển đại trà. Trên địa bàn huyện hiện có hơn 3.200ha cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, trong đó có hơn 1.500ha sầu riêng, hơn 330ha bưởi da xanh, gần 70ha chôm chôm và hàng trăm héc-ta cây măng cụt, mít nghệ, cam, quýt đường, bơ booth… Các loại trái cây của vùng đất này ngon nức tiếng, đặc biệt sầu riêng Khánh Sơn đã được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa, được bình chọn là Thương hiệu Vàng nông nghiệp Việt Nam; mía tím Khánh Sơn đã được xây dựng thương hiệu thành công, nhiều loại cây ăn quả khác được nông dân sản xuất sạch, áp dụng theo chuẩn VietGAP, đang tiếp tục được xây dựng thương hiệu.

 

Các mặt hàng nông sản nổi tiếng của Khánh Sơn như: Sầu riêng, măng cụt, bơ… được người tiêu dùng ưa chuộng. Ảnh: H.Đ

Các mặt hàng nông sản nổi tiếng của Khánh Sơn như: Sầu riêng, măng cụt, bơ… được người tiêu dùng ưa chuộng. Ảnh: H.Đ


Thực tế cho thấy, sau khi xây dựng và phát triển thương hiệu, giá trị kinh tế của những sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn huyện được nâng cao. Tại các phiên chợ hàng nông sản, hội nghị kết nối đưa hàng Việt về nông thôn, đặc biệt sau thành công của Lễ hội trái cây Khánh Sơn được tổ chức lần đầu vào năm 2019, các sản phẩm nông nghiệp của Khánh Sơn đã được người tiêu dùng đánh giá cao nhờ uy tín thương hiệu và chất lượng sản phẩm. Hiện nay, địa phương đang liên kết để phân phối một số loại trái cây đảm bảo chất lượng thông qua các siêu thị lớn như: Co.opmart, Vinmart, Big C...


Theo ông Nguyễn Văn Nhuận - Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn, Khánh Sơn đang từng bước vươn mình trở thành vùng đất của các loại trái cây ngon, vùng trồng cây ăn trái tập trung lớn nhất của tỉnh. Hiện nay, trung bình 1ha đất sản xuất mỗi năm mang lại thu nhập đến 80 triệu đồng cho người dân. Có những mô hình canh tác sầu riêng đạt hiệu quả kinh tế cao, lên đến hàng trăm triệu đồng mỗi héc-ta. Có thể nói, cây ăn quả đã tạo bước đột phá về phát triển kinh tế - xã hội của huyện, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn miền núi trên địa bàn tỉnh.


Phát triển thương hiệu


Tuy nhiều mặt hàng nông sản của Khánh Sơn đã khẳng định được thương hiệu nhưng việc giữ gìn, phát huy thương hiệu nông sản của địa phương vẫn còn một số khó khăn. Cụ thể, việc tổ chức sản xuất, quản lý quy trình canh tác, quản lý chất lượng sản phẩm nông sản sau khi được bảo hộ độc quyền nhãn hiệu chưa được kiểm soát chặt chẽ. Trong khi đó, việc tiêu thụ sản phẩm chủ yếu vẫn thông qua thương lái tại vườn; việc xúc tiến thương mại, quảng bá, khai thác chưa tương xứng với giá trị nhãn hiệu được bảo hộ độc quyền; sản xuất nông nghiệp còn phụ thuộc lớn vào tình hình thời tiết.


Để duy trì và phát triển thương hiệu nông sản, Khánh Sơn đang tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp và người dân về ý nghĩa của thương hiệu đối với sản xuất nông sản hàng hóa, phục vụ nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, xuất khẩu. Để xây dựng thương hiệu cho nông sản, trên cơ sở triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm, địa phương sẽ xây dựng và phát triển các thương hiệu riêng có của từng xã; phát triển nông nghiệp sạch, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, có chỉ dẫn địa lý, nguồn gốc xuất xứ và từng bước hình thành chuỗi liên kết nông sản an toàn từ sản xuất đến tiêu thụ nhằm đem lại giá trị kinh tế cao; đẩy mạnh việc quảng bá các thương hiệu nông sản của địa phương đến người tiêu dùng. Bên cạnh đó, gắn kết chặt chẽ giữa phát triển nông nghiệp với phát triển du lịch, qua đó giúp phát triển nông nghiệp bền vững.


Theo ông Mấu Thái Cư - Bí thư Huyện ủy Khánh Sơn, để thúc đẩy phát triển nông nghiệp trong thời gian tới, địa phương kiến nghị tỉnh có chính sách hỗ trợ để hình thành các vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp tập trung lớn trên địa bàn; hỗ trợ người dân ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ sinh học vào phát triển sản xuất; tiếp tục hỗ trợ sản xuất nông nghiệp và dịch vụ nông thôn. Để thuận lợi về giao thương, tiêu thụ nông sản, địa phương kiến nghị tỉnh đầu tư các tuyến đường để phá thế độc đạo của Khánh Sơn, mở rộng Tỉnh lộ 9; xây dựng các hồ chứa nước để chủ động nguồn nước sinh hoạt, nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp; điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng để mở rộng diện tích đất sản xuất nông nghiệp, đất cho thương mại, dịch vụ nhằm tạo đà cho Khánh Sơn có bước phát triển mới trong tương lai gần.


Hải Lăng