10:08, 31/08/2020

Phát huy vai trò kinh tế tập thể

Theo kế hoạch phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021 - 2030 UBND tỉnh Khánh Hòa mới thông qua, kinh tế tập thể phấn đấu đóng góp hơn 10% tổng sản phẩm trên địa bàn, gấp đôi so với hiện nay. Để đạt được mục tiêu này, phát triển theo chuỗi là một trong những giải pháp trọng tâm.

Theo kế hoạch phát triển kinh tế tập thể (KTTT), hợp tác xã (HTX) giai đoạn 2021 - 2030 UBND tỉnh Khánh Hòa mới thông qua, KTTT phấn đấu đóng góp hơn 10% tổng sản phẩm trên địa bàn, gấp đôi so với hiện nay. Để đạt được mục tiêu này, phát triển theo chuỗi là một trong những giải pháp trọng tâm.


Từng bước ổn định


Hiện nay, toàn tỉnh có gần 300 tổ hợp tác. Mỗi tổ hợp tác có số vốn bình quân 450 triệu đồng, có 20 - 30 lao động với thu nhập trung bình từ 3,5 đến 5 triệu đồng/người/tháng. Một số tổ hợp tác hoạt động hiệu quả như: Tổ hợp tác sản xuất kinh doanh nuôi cá thương phẩm Ngọc Diêm, Tổ liên kết sản xuất tỏi xã Ninh Phước (thị xã Ninh Hòa), Tổ hợp tác nghề cá Phước Đồng, Tổ hợp tác nghề cá Vĩnh Phước (TP. Nha Trang) với số vốn hoạt động mỗi tổ từ 1,5 đến 2 tỷ đồng. Với HTX, trong số 136 HTX, liên hiệp HTX, có tới 109 HTX nông nghiệp, hầu hết là những tổ chức KTTT trụ lại được sau lần tổ chức, sắp xếp lại quy mô lớn dựa trên Luật HTX năm 2012. Hơn 50.000 thành viên và 11.000 lao động của khối HTX này có tổng vốn hoạt động 600 tỷ đồng; doanh thu bình quân 1,5 tỷ đồng/HTX/năm; lợi nhuận sau thuế trung bình 122 triệu đồng/HTX/năm; thu nhập bình quân 2,5 - 3,3 triệu đồng/người/tháng.

 

Doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội hợp tác, liên kết với người trồng tỏi  ở xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh.

Doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội hợp tác, liên kết với người trồng tỏi ở xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh.


Điều đáng mừng là các HTX nông nghiệp phát triển ổn định, đóng vai trò quan trọng trong việc tổ chức sản xuất và cung ứng các dịch vụ: Thủy nông, làm đất, giống, vật tư nông nghiệp, khuyến nông, tín dụng nội bộ, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật… Một số HTX hoạt động chuyên ngành trồng rau sạch, mía, cây ăn quả, chăn nuôi gà… Nổi bật trong số này có HTX nông nghiệp Ninh Quang 1 (Ninh Hòa) với thương hiệu Gạo Ngọc Quang chất lượng cao đang được nhiều người tiêu dùng biết đến; hầu hết các HTX nông nghiệp ở Diên Khánh đều tổ chức sản xuất theo đơn đặt hàng lúa giống, lúa thịt với các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm…

 

Mục tiêu đến năm 2030
Hàng năm, KTTT đóng góp vào GDP của tỉnh bình quân từ 10 đến 12%; không còn các HTX tồn tại hình thức, không hoạt động, số HTX yếu kém còn dưới 10%. HTX hoạt động ổn định làm ăn có lãi chiếm từ 80 đến 90%. Thu nhập của thành viên HTX nông nghiệp tăng hơn 2 lần so năm 2020.

Theo lãnh đạo Liên minh HTX tỉnh, những năm qua, Nhà nước đã có nhiều chính sách thiết thực, trợ lực cho kinh tế hợp tác ổn định, phát triển. Có thể kể đến như chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý HTX nhằm từng bước thay đổi quan điểm, cách nhìn đối với các tổ chức KTTT kiểu mới. Chính sách về đất đai giúp cho các HTX nông nghiệp được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo hình thức giao đất không thu tiền sử dụng đất (đối với đất xây dựng cơ bản như trụ sở làm việc, nhà kho, sân phơi). Đến nay, đã có 48 HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Về chính sách thuế, 10 năm qua, các tổ chức KTTT đã được Nhà nước miễn giảm thuế tổng cộng gần 5,7 tỷ đồng. Trong đó, có 54 HTX nông nghiệp, diêm nghiệp, thủy sản được giảm gần 5 tỷ đồng hỗ trợ thuế thu nhập doanh nghiệp. Ngoài ra, còn có các chính sách như đóng bảo hiểm xã hội, hỗ trợ thành lập mới và cơ chế tài chính bồi dưỡng nguồn nhân lực, chính sách khuyến công, chính sách kết cấu hạ tầng với kinh phí lên tới hàng chục tỷ đồng trợ lực cho khối KTTT phát triển.


Xây dựng chuỗi kiểu mẫu


Theo kế hoạch phát triển KTTT, HTX giai đoạn 2021 - 2030, nhiệm vụ cụ thể UBND tỉnh đặt ra cho khối KTTT trong 10 năm tới là tập trung phát triển HTX đa dạng về lĩnh vực, tăng trưởng về quy mô, có sự đổi mới về quan hệ sở hữu, phương thức quản lý và phân phối thu nhập; tăng cường các nguồn lực về con người, cơ sở vật chất kỹ thuật, trình độ công nghệ, nguồn lực tài chính. Đặc biệt, việc xây dựng các mô hình KTTT phát triển theo chuỗi giá trị gia tăng tiếp tục được khuyến khích, đẩy mạnh thông qua việc xây dựng các mô hình kiểu mẫu để từ đó nhân rộng.

Theo đánh giá của UBND tỉnh, những năm qua, KTTT, HTX trong tỉnh đã có nhiều chuyển biến; nhận thức của cán bộ, đảng viên về vai trò của HTX được nâng cao. Một số HTX đã tổ chức hiệu quả các dịch vụ, mở rộng kinh doanh, nâng cao năng lực nội tại và tích cực hợp tác, liên kết với các đối tác để tăng tích lũy cho HTX và nâng cao thu nhập cho thành viên. Điển hình như: HTX Thủ công mỹ nghệ xuất khẩu Vĩnh Phước, HTX Vận tải Hòa Bình, HTX Vận tải Hiệp Sơn, Quỹ tín dụng nhân dân Cam Lâm, Vĩnh Thái...

Thực tế, 10 năm qua, việc xây dựng các mô hình KTTT phát triển theo chuỗi là một trong những điểm sáng ở khối KTTT. Các mô hình đã từng bước khẳng định được tính hiệu quả nhờ vào mối liên kết giữa các tổ hợp tác, HTX với các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ, bao tiêu sản phẩm. Chẳng hạn như chuỗi liên kết giữa Công ty TNHH Thịnh Hưng với Tổ hợp tác nghề cá Phước Đồng đã thu hút hơn 100 tàu khai thác cá ngừ vây vàng mắt to tham gia; chuỗi liên kết giữa Công ty TNHH Tín Thịnh với Tổ hợp tác nghề cá Vĩnh Phước thu hút hơn 25 tàu khai thác cá ngừ sọc dưa tham gia… Theo lãnh đạo Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh, đơn vị chủ trì triển khai các chuỗi, đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được nhiều chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm xoài, bưởi, sầu riêng, thịt heo sạch… mà ở đó, nòng cốt là nông dân chăm lo tạo ra sản phẩm đáp ứng yêu cầu về chất lượng, số lượng, còn các doanh nghiệp bao tiêu sẽ lo đầu ra của sản phẩm nhằm mang về lợi nhuận tốt hơn cho cả nông dân và những thành phần tham gia chuỗi. Năm 2020, chuỗi liên kết tiêu thụ thủy sản nuôi trồng đang được triển khai ở huyện Vạn Ninh cũng hứa hẹn sẽ mở ra hướng đi mới giúp cho hoạt động này phát triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường.


Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các mô hình liên kết này không chỉ phát huy tối đa hiệu quả kinh tế, phát triển bền vững, mà còn góp phần thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu thị trường. Vì vậy, đây sẽ tiếp tục là hướng phát triển trọng tâm nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của khối KTTT trong giai đoạn tới.


Hồng Đăng