Những năm qua, thực hiện Đề án Cơ cấu cây trồng chủ lực, huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) đã tạo bước ngoặt lớn trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng.
Thêm 2 cây chủ lực
Những năm qua, thực hiện Đề án Cơ cấu cây trồng chủ lực, huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) đã tạo bước ngoặt lớn trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng. Huyện đã phát triển 4 loại cây trồng chủ lực là: sầu riêng, bưởi da xanh, mít nghệ và xoài; từng bước xây dựng vùng chuyên canh cây ăn quả, phát huy thế mạnh cây trồng chủ lực, sản xuất nông sản mang tính hàng hóa, tăng thu nhập cho người dân. Cây trồng chủ lực đem lại thành công nhất cho huyện là cây bưởi da xanh. Đến nay, huyện đã hình thành vùng chuyên canh cây bưởi tại các xã: Khánh Đông, Khánh Bình, Khánh Hiệp, Khánh Trung, Khánh Nam, Khánh Thành, Khánh Phú, Sông Cầu...; thực hiện theo mô hình chuỗi thực phẩm an toàn VietGAP; được Cục Sở hữu trí tuệ cấp nhãn hiệu tập thể “Bưởi da xanh Khánh Vĩnh”.
Theo lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện Khánh Vĩnh, diện tích bưởi da xanh toàn huyện mở rộng hơn 503ha, diện tích cho thu hoạch 170ha, sản lượng 1.200 tấn/năm, giá bán bình quân 35.000 đồng/kg, doanh thu 250 triệu đồng/ha; sầu riêng 86ha, diện tích cho thu hoạch 20ha, sản lượng 100 tấn/năm, doanh thu 350 triệu đồng/ha; mít nghệ diện tích 171ha, cho thu hoạch 100ha, tập trung tại các xã: Khánh Phú, Khánh Nam, Khánh Thượng, Sông Cầu...; xoài 150ha, cho thu hoạch 90ha, tập trung tại các xã: Khánh Hiệp, Khánh Bình, Khánh Trung, Khánh Phú, Sông Cầu... Tuy nhiên, tại một số khu vực, 4 loại cây trồng chủ lực trên chưa phát huy tác dụng, nhất là khu vực phía tây huyện với đặc thù địa hình đồi dốc, thiếu nước, trình độ canh tác của người dân còn hạn chế nên diện tích cây trồng chủ lực khó mở rộng, thu nhập từ nông nghiệp kém hiệu quả.
Mới đây, trong chuyến công tác tại các xã phía tây huyện Khánh Vĩnh, ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã giao Sở NN-PTNT phối hợp với huyện Khánh Vĩnh tìm kiếm, mở rộng thêm các loại cây trồng khác thích hợp với thổ nhưỡng, khí hậu và điều kiện canh tác của khu vực này, xây dựng thành vùng chuyên canh cây nông sản chủ lực. Theo ông Lê Bá Ninh - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, thực hiện chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, sở đã phối hợp với huyện chọn thêm 2 cây trồng mới là chuối và điều. Đây đều là những cây dễ trồng, dễ chăm sóc, thích hợp với trình độ canh tác của đồng bào miền núi, lại có đầu ra.
Ưu tiên chương trình, dự án
Ông Lương Nguyễn Nhật Trường - Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng NN-PTNT huyện Khánh Vĩnh cho biết, thời gian qua, diện tích cây điều trên địa bàn huyện đã phát triển lên 300ha, cho thu hoạch 100%, nhưng năng suất thấp, chỉ đạt 3 tạ/ha do phần lớn vườn điều đã già cỗi, trồng trên đất dốc, bạc màu, bị thoái hóa giống, nhiều sâu bệnh và người dân ít chăm sóc, ít đầu tư. Tuy nhiên, hiện nay có một số diện tích điều giống mới hay điều cao sản có thể cho năng suất cao, chất lượng tốt. Cây điều thích hợp với vùng sản xuất gặp nhiều khó khăn, khô hạn như các xã phía tây huyện. Nếu được cải tạo giống, hỗ trợ kỹ thuật, cây điều có thể mang lại nhiều hứa hẹn, phù hợp với điều kiện canh tác của đồng bào dân tộc thiểu số.
Về cây chuối, đây là loại cây có nhiều ưu thế trong việc chăm sóc, thu nhập, thích hợp với điều kiện canh tác của đồng bào miền núi, thích nghi với các chân đất, kể cả địa hình phức tạp. Ngoài ra, cây chuối còn cho thu nhập nhanh, 1 năm đã cho thu hoạch, 5 - 6 lứa/năm, thị trường rộng mở. Hiện nay, diện tích cây chuối phát triển rộng khắp, ước tính gần 300ha, năng suất bình quân 12 tấn/ha, chủ yếu là giống chuối dạ hương. Thời gian tới, huyện đề nghị tỉnh bổ sung các giống chuối cấy mô để phòng, chống dịch bệnh và ngăn ngừa tình trạng thoái hóa giống do canh tác thời gian dài.
Theo ông Trường, hiện nay, việc phát triển 2 loại cây trồng chủ lực mới mới chỉ là đề xuất của huyện. Huyện sẽ tiếp tục có bước nghiên cứu, phát triển. Bên cạnh 4 cây trồng chủ lực trước đây, 2 cây trồng bổ sung sẽ được xem xét đưa vào các chương trình, dự án của huyện như: Chương trình 135, chương trình phát triển kinh tế - xã hội miền núi, chương trình xây dựng nông thôn mới... Huyện cũng sẽ tiếp tục nghiên cứu, mở rộng các loại cây trồng khác nếu phù hợp như: cây dâu tằm, dứa, tầm vông, bơ booth... để hình thành các vùng chuyên canh đa dạng.
Theo lãnh đạo Sở NN-PTNT, việc chọn thêm 2 cây trồng chủ lực là bước mở rộng cơ cấu cây trồng chủ lực, tạo điều kiện cho huyện có phổ cây trồng rộng, đa dạng, không cứng nhắc. Để phát triển các cây trồng này trong thời gian tới, huyện cần xây dựng phương án, tranh thủ nguồn lực từ các chương trình, dự án cũng như ngân sách tỉnh, đồng thời sở sẽ nghiên cứu, hỗ trợ...
V.LẠC