08:05, 26/05/2019

Giải đáp một số vướng mắc về hóa đơn

Thời gian qua, nhiều tổ chức có vướng mắc liên quan đến vấn đề hóa đơn. Phóng viên Báo Khánh Hòa đã phỏng vấn ông Diệp Bảo Nhân - Phó Chánh Văn phòng Cục Thuế tỉnh xung quanh vấn đề này.

Thời gian qua, nhiều tổ chức có vướng mắc liên quan đến vấn đề hóa đơn. Phóng viên Báo Khánh Hòa đã phỏng vấn ông Diệp Bảo Nhân - Phó Chánh Văn phòng Cục Thuế tỉnh xung quanh vấn đề này.


- Xin ông cho biết, chứng từ giấy được chuyển đổi từ hóa đơn điện tử có được sử dụng để giao dịch thay thế hóa đơn điện tử hay không?

 


- Theo khoản 2, 3 Điều 10 Nghị định 119/2018 của Chính phủ, hóa đơn điện tử được chuyển đổi thành chứng từ giấy thì chứng từ giấy chỉ có giá trị lưu giữ để ghi sổ, theo dõi theo quy định của pháp luật về kế toán, pháp luật về giao dịch điện tử, không có hiệu lực để giao dịch, thanh toán; trừ trường hợp hóa đơn được khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế. Hóa đơn điện tử chuyển thành chứng từ giấy phải bảo đảm sự khớp đúng nội dung.


- Thưa ông, trường hợp hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế chưa gửi cho người mua nhưng có phát hiện sai sót thì phải làm gì?


- Theo khoản 1 Điều 17 Nghị định 119/2018 của Chính phủ, trường hợp hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế chưa gửi cho người mua mà có phát hiện sai sót thì người bán thông báo với cơ quan thuế theo mẫu số 04 phụ lục ban hành kèm theo nghị định này về việc hủy hóa đơn điện tử có mã đã lập có sai sót. Đồng thời, lập hóa đơn điện tử mới, ký số, ký điện tử gửi cơ quan thuế để cấp mã hóa đơn mới thay thế hóa đơn đã lập để gửi cho người mua.


- Trong quá trình sử dụng hóa đơn điện tử, đơn vị gặp vướng mắc khi lập đầy đủ danh mục hàng hóa, dịch vụ cung cấp trên hóa đơn điện tử. Công ty có được phép lập bảng kê giấy kèm theo hóa đơn điện tử không?


- Về vấn đề này, Tổng cục Thuế đã có công văn số 68 ngày 5-1-2019 trả lời rõ trên hóa đơn điện tử không được lập kèm bảng kê. Từ ngày 1-11-2018 đến 31-10-2020, Nghị định số 51 ngày 14-5-2010 và Nghị định số 04 ngày 17-1-2014 của Chính phủ vẫn còn hiệu lực thi hành, công ty có thể tiếp tục phát hành và sử dụng hóa đơn đặt in, tự in (cho phép lập bảng kê theo Khoản 2 Điều 19 Thông tư số 39 ngày 31-3-2014 của Bộ Tài chính) để phù hợp với điều kiện thực tế của doanh nghiệp.


- Công ty cuối năm có tặng quà cho khách hàng là hiện vật trị giá khoảng 200.000 đồng. Đơn vị xuất một hóa đơn kèm theo bảng kê các khách hàng được nhận quà thì có phù hợp với quy định về lập hóa đơn hay không?


- Trường hợp công ty tặng hàng hóa, dịch vụ có giá trị từ 200.000 đồng trở lên cho khách hàng để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh thì công ty phải lập hóa đơn cho từng lần tặng quà. Trên hóa đơn ghi tên và số lượng hàng hóa, dịch vụ; đồng thời ghi rõ là hàng hóa, dịch vụ dùng để cho, biếu, tặng không thu tiền theo Khoản 1(b) Điều 16 và điểm 2.4(a) Phụ lục 4 Thông tư số 39/2014 của Bộ Tài chính. Trường hợp giá trị hàng hóa, dịch vụ dùng để cho, biếu, tặng dưới 200.000 đồng mỗi lần mà khách hàng không yêu cầu lấy hóa đơn thì công ty được phép lập bảng kê bán lẻ hàng hóa, dịch vụ để xuất một hóa đơn chung vào cuối mỗi ngày theo Điều 18 Thông tư số 39/2014.


- Trường hợp đơn vị sự nghiệp có thu, kê khai nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ, phát sinh khoản thu bán hồ sơ mời thầu cho các nhà thầu thì có phải xuất hóa đơn đối với khoản doanh thu này không, thưa ông?


- Theo Thông tư số 39 ngày 31-3-2014 của Bộ Tài chính về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ và Thông tư số 219 ngày 31-12-2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế giá trị gia tăng, trường hợp đơn vị sự nghiệp có thu, kê khai nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ, có phát sinh khoản thu bán hồ sơ mời thầu cho các nhà thầu thì xuất hóa đơn, kê khai, nộp thuế theo thuế suất thuế giá trị gia tăng là 10%.


- Xin cảm ơn ông!


KIM THAO (Thực hiện)