08:04, 22/04/2008

Công nghiệp Khánh Hòa: Làm gì để bứt phá?

3 tháng đầu năm 2008, công nghiệp Khánh Hòa có mức tăng trưởng cao nhất so với cùng kỳ 4 năm qua. Tuy nhiên theo các chuyên gia kinh tế, trong thời gian tới, hoạt động công nghiệp...

Lĩnh vực chế biến gỗ xuất khẩu ổn định đang từng bước góp phần giữ vững tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp địa phương.

3 tháng đầu năm 2008, công nghiệp Khánh Hòa có mức tăng trưởng cao nhất so với cùng kỳ 4 năm qua. Tuy nhiên theo các chuyên gia kinh tế, trong thời gian tới, hoạt động công nghiệp của tỉnh chưa có dấu hiệu phát triển khả quan hơn.

° CHẬT VẬT KHỞI ĐỘNG NĂM BẢN LỀ

3 tháng đầu năm 2008, giá trị sản xuất công nghiệp (GTSXCN) toàn tỉnh tăng 16% so với cùng kỳ năm trước. Tính từ 4 năm qua, đây là giai đoạn GTSXCN của tỉnh tăng cao nhất so với cùng kỳ các năm (năm 2005 tăng 13,2%; năm 2006 tăng 15,6%; năm 2007 tăng 15,2%). Tuy công nghiệp địa phương có mức tăng trưởng khá hơn trước, nhưng hoạt động ở từng lĩnh vực vẫn gặp không ít khó khăn. Đặc biệt, các lĩnh vực chiếm tỷ trọng lớn trong ngành đang có dấu hiệu giảm mức sản xuất hoặc tăng trưởng chậm. Trong đó, sản xuất thuốc lá điếu giảm 6,9% (do tiêu thụ chậm), đường các loại giảm 8,5% (do sản xuất chậm), sản xuất thủy sản đông lạnh chỉ tăng 0,36% (do thiếu nguyên liệu)… Riêng tốc độ tăng trưởng của Tổng Công ty Khánh Việt - đơn vị chiếm tỷ trọng lớn trong ngành công nghiệp đã giảm 11,9%… Một số lĩnh vực chủ lực của các doanh nghiệp (DN) Nhà nước giảm hoặc tăng chậm đã kéo theo GTSXCN khu vực này giảm đến 9,6% (giảm 48 lần so với cùng kỳ năm 2007).

Từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh, các dự án hoạt động công nghiệp tiếp tục được đăng ký đầu tư xây dựng hoặc đi vào sản xuất; trong đó, các cơ quan chức năng đã cấp phép cho 10 DN và 140 cơ sở sản xuất. Thế nhưng, tỷ trọng vốn của các cơ sở đã đăng ký hoạt động không đáng kể. Phần lớn các DN và cơ sở sản xuất đều có vốn rất nhỏ (bình quân mỗi cơ sở chỉ đạt mức vốn xấp xỉ 1,5 tỷ đồng). Bên cạnh đó, sự biến động về giá cả thị trường trong nước và thế giới đã khiến các DN đang sản xuất gặp nhiều khó khăn. Theo Cục Thống kê tỉnh, quý II/2008, tốc độ tăng trưởng không có sự thay đổi vượt trội so với quý I. Cục Thống kê đã phân tích rõ nguyên nhân “giữ chân” tốc độ tăng trưởng công nghiệp: do giá nguyên liệu đang tăng nhưng tỷ giá đồng tiền Việt Nam/USD đã giảm xuống. Ngoài ra, các DN thiếu nguyên liệu sản xuất hoặc tiêu thụ sản phẩm chậm sẽ làm tốc độ tăng trưởng công nghiệp địa phương không cao.

Đầu năm 2008, tỉnh đã cấp phép cho dự án Khu Phức hợp công nghiệp nặng STX Vina (Hàn Quốc) với tổng vốn đầu tư 0,5 tỷ USD. Đây cũng là dự án công nghiệp nước ngoài lớn nhất từ trước đến nay trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, để dự án này tạo ra sản phẩm, góp phần thúc đẩy tốc độ tăng trưởng công nghiệp địa phương còn phải mất rất nhiều thời gian.

° LÀM GÌ ĐỂ BỨT PHÁ?

Thời gian qua, các DN đã gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh. Khó khăn này không chỉ do sự biến động của tình hình kinh tế khu vực và thế giới mà còn ở bản thân từng DN. Thực tế nhiều năm liền, “chiếc áo năng lực sản xuất” của các DN đã quá chật. Các DN chiếm tỷ trọng lớn trong ngành đang gặp không ít khó khăn như: Công ty TNHH Nhà máy Tàu biển Hyundai Vinashin bị hạn chế sửa chữa để chuyển đổi phương án đóng mới tàu; Tổng Công ty Khánh Việt bị khống chế năng lực sản xuất thuốc lá. Trong khi đó, các DN nhỏ và vừa đang còn hạn chế trong việc đầu tư nâng cao năng lực, mở rộng sản xuất. Sau những cơn biến động giá, hiện nay, các DN vẫn đang dè chừng đối với vấn đề giá mua nguyên liệu, giá bán sản phẩm… 

Hiện nay, so với tốc độ tăng trưởng chung cả nước, công nghiệp Khánh Hòa vẫn thấp hơn (GTSXCN toàn ngành tăng 16,3% so với cùng kỳ năm trước). Trong khi đó, nhiều tỉnh khác vẫn giữ được “phong độ” tăng trưởng cao như: Vĩnh Phúc tăng 37,7%; Hà Tây 23,3%; Hải Dương 36,3%; Bình Dương 23%; Đồng Nai 20,4%… Vì vậy, công nghiệp Khánh Hòa cần hoạch định đầu tư phát triển như thế nào cho hợp lý trong khi phần lớn các dự án đang hoạt động trên địa bàn tỉnh có nguồn vốn vừa và nhỏ (vốn đầu tư dưới 10 tỷ đồng); đồng thời đang dần dần bão hòa về công suất máy móc.

Thời điểm này, một số DN đang đầu tư thêm dây chuyền sản xuất mới như: Tổng Công ty Khánh Việt đầu tư 33 tỷ đồng hoàn thành giai đoạn cuối dự án nâng cấp dây chuyền chế biến sợi thuốc công suất 3 tấn/giờ; Công ty Cổ phần Xây dựng Thương mại và Sản xuất Hòa Khánh đầu tư 12 tỷ đồng xây dựng dây chuyền sản xuất gạch tuy-nen công suất 30 triệu viên/năm; Công ty Cổ phần In và Thương mại Khánh Hòa đầu tư 26 tỷ đồng lắp đặt hệ thống tách màu ghi bản CTP… Tuy nhiên, so với tỷ trọng công nghiệp toàn tỉnh, những mức đầu tư này vẫn chưa đủ lực để thúc đẩy công nghiệp địa phương tăng trưởng nhanh và bền vững nếu không có sự đầu tư đổi mới trang thiết bị, công nghệ đồng loạt trong các DN.

ĐẠI HẢI