11:03, 12/03/2008

Sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế biển quốc gia

Sau khi Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định (QĐ) số 92/2006/QĐ-TTg về thành lập và ban hành Quy chế hoạt động của Khu Kinh tế (KKT) Vân Phong, KKT này đã sôi động hơn trước...

Sau khi Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định (QĐ) số 92/2006/QĐ-TTg về thành lập và ban hành Quy chế hoạt động của Khu Kinh tế (KKT) Vân Phong, KKT này đã sôi động hơn trước bằng những dự án đầu tư tầm cỡ của các tập đoàn kinh tế lớn trong và ngoài nước. Đặc biệt, việc Tập đoàn Posco xin đầu tư Nhà máy thép liên hợp có quy mô lớn, công nghệ hiện đại đã cho thấy lợi thế vượt trội của KKT trong thu hút đầu tư. Phóng viên Báo Khánh Hòa đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Trọng Hòa - Trưởng Ban quản lý KKT Vân Phong xung quanh dự án Nhà máy thép liên hợp của Tập đoàn Posco (Hàn Quốc).

- P.V:  Xin ông cho biết đôi nét về năng lực đầu tư của Tập đoàn Posco, quy mô dự án Nhà máy thép liên hợp và giá trị kinh tế mà dự án này dự kiến sẽ mang lại cho đất nước?

- Ông Nguyễn Trọng Hòa: Từ khi có QĐ số 92/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước đã đến KKT Vân Phong nghiên cứu, đăng ký đầu tư. Nhiều dự án có quy mô lớn như: Dự án Nhà máy nhiệt điện than công suất 2640 MW, vốn đầu tư khoảng 3,5 tỷ USD của Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản); dự án Nhà máy đóng tàu STX, vốn đầu tư 500 triệu USD của Tập đoàn STX (Hàn Quốc); dự án Khu đô thị mới Tu Bông, các khu du lịch cao cấp, vốn đầu tư khoảng 4 tỷ USD của Tập đoàn Tradco (Ả Rập thống nhất) và một số dự án du lịch, đô thị khác có quy mô lớn… Đặc biệt, dự án Nhà máy thép liên hợp của Tập đoàn Posco (Hàn Quốc) có quy mô và giá trị đầu tư lớn khoảng 9,5 tỷ USD. Nếu được triển khai xây dựng và đi vào hoạt động, dự án này sẽ tạo nguồn thu rất lớn cho ngân sách (dự kiến khoảng 4.000 tỷ đồng/năm); trong đó, phần thu ngân sách địa phương khoảng 50%. Ngoài ra, dự án sẽ tạo khoảng 100.000 việc làm, thu hút các ngành công nghiệp và công nghiệp phụ trợ phát triển; đồng thời hình thành một khu đô thị hiện đại cho riêng dự án này.

- P.V: Hiện nay, có một số ý kiến cho rằng cần phải xem lại việc “sống chung” của 2 dự án Cảng trung chuyển container quốc tế Vân Phong và Nhà máy thép liên hợp Posco. Qua thời gian trực tiếp làm việc với chủ đầu tư của 2 dự án, dưới góc độ của cơ quan chức năng quản lý KKT, ông nhận định như thế nào về lợi ích hài hòa mà 2 dự án mang lại khi tồn tại song hành?

Ông Nguyễn Trọng Hòa: Thủ tướng Chính phủ đã xác định mục tiêu chủ yếu là: Xây dựng và phát triển KKT Vân Phong trở thành KKT tổng hợp; trong đó, cảng trung chuyển container quốc tế giữ vai trò chủ đạo, kết hợp phát triển kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực với trọng tâm là phát triển công nghiệp, du lịch, dịch vụ, nuôi trồng hải sản, các ngành kinh tế khác và xây dựng các khu đô thị. Ngày 21-1-2008, tại Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì buổi họp Thường trực Chính phủ. Sau khi nghe Bộ Kế hoạch - Đầu tư báo cáo về những vấn đề liên quan đến 2 dự án: Cảng trung chuyển container quốc tế Vân Phong, dự án Nhà máy thép liên hợp Posco, nghe ý kiến của các bộ ngành và các Phó Thủ tướng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ khẳng định: Cảng trung chuyển container quốc tế giữ vai trò quan trọng, có ảnh hưởng lớn đến kinh tế biển nước ta. Bên cạnh việc đầu tư, khai thác cảng trung chuyển container quốc tế, cần tính toán kết hợp đầu tư dự án khác để phát huy tối đa các lợi ích về kinh tế. Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ đồng ý về chủ trương cho lập dự án Nhà máy thép liên hợp Posco tại vị trí tiềm năng Cảng trung chuyển container quốc tế Vân Phong (thuộc khu vực Hòn Ông, thôn Đầm Môn, xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh). Rõ ràng, dự án cảng và dự án Nhà máy thép liên hợp đều có giá trị kinh tế - xã hội rất lớn; việc kết hợp được 2 dự án trong cùng một khu vực sẽ đem lại lợi ích kinh tế cao hơn so với từng dự án riêng lẻ. Việc kết hợp hài hòa 2 dự án này sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế biển quốc gia nói chung và kinh tế địa phương nói riêng cũng như tác động đến việc sớm hình thành các khu chức năng của KKT Vân Phong như: khu công nghiệp phụ trợ, khu đô thị, khu dịch vụ du lịch… Vì vậy, lợi ích hài hòa mà 2 dự án mang lại sẽ cao hơn và có tác động tương hỗ về phát triển công nghiệp, kinh tế biển và cảng biển.

- P.V: Vấn đề xử lý ô nhiễm môi trường ở các khu công nghiệp, KKT được tỉnh quan tâm từ lâu chứ không phải đến bây giờ mới đặt ra. Trên thực tế, từ khi Tập đoàn Posco có ý định đầu tư vào KKT Vân Phong, các bộ ngành liên quan của Trung ương và tỉnh đã cử đoàn công tác kiểm tra trực tiếp tại những nhà máy thép mà Tập đoàn Posco đã xây dựng và phát triển ở Hàn Quốc. Xin ông cho biết những chính kiến quan trọng mà các đoàn công tác đã trực tiếp báo cáo với lãnh đạo Trung ương và địa phương về hoạt động của các nhà máy thép tại Hàn Quốc?

- Ông Nguyễn Trọng Hòa: Theo thông tin từ Bộ Tài nguyên - Môi trường, cuối năm 2007, Chính phủ đã cử đoàn công tác gồm đại diện một số bộ ngành đi nghiên cứu hoạt động các Nhà máy (NM) thép của Tập đoàn Posco tại Hàn Quốc. Đoàn đã báo cáo với Chính phủ về tác động môi trường của các NM thép. Về phía địa phương, gần đây, UBND tỉnh đã cử đoàn công tác do Giám đốc Sở Xây dựng làm trưởng đoàn đi Hàn Quốc (từ ngày 17-12 đến 22-12-2007) để khảo sát tình hình thực tế về NM thép liên hợp, nhiệt điện và công tác bảo vệ môi trường. Sau đó, đoàn công tác đã báo cáo: Năm 2006, Tập đoàn Posco đã nghiên cứu thành công và áp dụng công nghệ mới Finex trong sản xuất thép với công suất cho ra lò 1,5 triệu tấn/năm. Công nghệ này làm giảm thiểu đáng kể các chất gây ô nhiễm môi trường như: bụi, xỉ thải, các chất khí thải SO­­, NO­­, CO và các chất gây ô nhiễm nước. Về dây chuyền sản xuất: nguyên vật liệu được đưa từ tàu chở hàng tập kết lên bãi chứa nguyên liệu bằng dây chuyền kín; nguyên liệu tại bãi chứa được che chắn bằng các tấm phủ chuyên dùng (hoặc phun keo), sau đó theo băng chuyền kín đưa vào các lò luyện. Tại đây sau khi luyện, sản phẩm gang được vận chuyển trên các thùng chứa và xe lửa chuyên dụng đưa đến các phân xưởng cán, kéo; xỉ thải theo đường ống chảy ra hoặc được vận chuyển đến các bãi chứa. Khí thải (CO) tại các lò luyện được thu hồi bằng các hệ thống ống thu gom để sử dụng làm khí đốt phát điện; sản phẩm khí độc hại khác SO, NO... được tách ra đưa vào khu vực xử lý riêng (qua các hỗn hợp nước và chất phụ gia để kết tủa thành các chất bền vững ít gây độc hại). Về công tác bảo vệ môi trường: Tại khu liên hợp có xây dựng Trung tâm quan trắc môi trường để theo dõi môi trường tại các phân xưởng sản xuất và cả khu liên hợp. Hệ thống được nối mạng trực tiếp với Sở Môi trường địa phương để kiểm tra, phát hiện, xử lý ngay những vấn đề về môi trường phát sinh vượt ngưỡng cho phép. Các thông số quan trắc môi trường thu được đều đảm bảo tiêu chuẩn cho phép của Bộ Môi trường Hàn Quốc.

- P.V: “Trăm nghe không bằng một thấy”. Ý kiến của những người có trách nhiệm trong những chuyến công tác sang xứ Hàn có thể nhận định được giá trị kinh tế mà Nhà máy thép liên hợp mang lại cho đất nước nếu đặt tại KKT Vân Phong. Vậy, Ban quản lý KKT Vân Phong sẽ có kế hoạch như thế nào trong việc tham mưu cho tỉnh để thúc đẩy nhanh tiến độ lập hồ sơ thực hiện dự án?

- Ông Nguyễn Trọng Hòa: Qua chuyến khảo sát thực tế các NM thép liên hợp tại Hàn Quốc, đoàn công tác của tỉnh đánh giá cao vai trò của NM thép liên hợp trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội Hàn Quốc nói chung và khu vực nhà máy nói riêng. Vì vậy, việc NM thép liên hợp Posco tại KKT Vân Phong đi vào hoạt động sẽ đóng góp đáng kể nguồn thu ngân sách và thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển nhanh hơn mục tiêu đã đề ra. Trên cơ sở đó, Ban quản lý KKT Vân Phong đã đề xuất và được Tỉnh ủy, UBND tỉnh đồng ý thành lập tổ công tác, giúp nhà đầu tư thực hiện các thủ tục đầu tư theo quy định của pháp luật.

- P.V: Xin cảm ơn ông!

HOÀNG TRIỀU (Thực hiện)