Khu vực Trung Đông được đánh giá là thị trường tiềm năng cho xuất khẩu lao động Việt Nam, với dự kiến khoảng 10.000 người sẽ sang làm việc tại đây trong năm 2008....
Cục Quản lý Lao động Ngoài nước, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho biết, khu vực Trung Đông được đánh giá là thị trường tiềm năng cho xuất khẩu lao động Việt Nam, với dự kiến khoảng 10.000 người sẽ sang làm việc tại đây trong năm 2008.
Cata dự kiến là thị trường tiếp nhận nhiều nhất lao động Việt Nam với khoảng 5.000 người, tiếp đến là Các tiểu vương quốc Arập thống nhất 2.200 người và Arập Xêút 2.000 người.
Theo đánh giá của lãnh đạo Công ty Cổ phần Dịch vụ và Thương mại Hàng không (Airseco) - một trong những doanh nghiệp đang dẫn đầu về số lượng xuất khẩu lao động sang Trung Đông - Ả rập Xêút là nước có nhu cầu lao động lớn nhất, mỗi năm cần khoảng 900.000 người, ngành nghề đa dạng. Việt Nam hiện có khoảng 15.000 người đang làm việc tại nước này.
Còn đối với Cata, sau khi hai bên ký kết hiệp định lao động, nước này đồng ý tiếp nhận 25.000 lao động Việt Nam trong năm nay, vấn đề còn lại là khâu thực hiện của phía Việt Nam.
Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng cho biết thêm, để mở rộng thị trường và thực hiện tốt hơn khâu quản lý đối với lao động xuất khẩu, mới đây Chính phủ đã cho phép thành lập Ban quản lý lao động Việt Nam tại Đubai và Cata.
Năm 2007, khu vực Trung Đông đã tiếp nhận hơn 9.000 lao động Việt Nam. Lao động Việt Nam làm việc tại khu vực này được đánh giá cao về bản tính thông minh, cần cù, nhưng còn gặp nhiều khó khăn do hạn chế về ngoại ngữ và khó thích nghi được với điều kiện khí hậu khắc nghiệt.
Cùng với việc chú trọng khai thác thị trường mới Trung Đông, năm 2008, ngành xuất khẩu lao động cũng dành sự quan tâm đáng kể đối với các thị trường truyền thống vừa được khôi phục lại là khu vực Đông Âu nhằm mục tiêu xuất khẩu được 85.000 lao động trong năm 2008.
Theo HNM