KĐT phía Tây Nha Trang bao gồm các xã Vĩnh Thạnh, Vĩnh Trung, Vĩnh Hiệp, Vĩnh Thái (TP. Nha Trang), Diên An, Diên Toàn, Diên Thạnh cùng một phần xã Suối Hiệp...
Bản đồ tổ chức không gian quy hoạch, kiến trúc cảnh quan. |
Khu đô thị (KĐT) phía Tây Nha Trang bao gồm các xã Vĩnh Thạnh, Vĩnh Trung, Vĩnh Hiệp, Vĩnh Thái (TP. Nha Trang), Diên An, Diên Toàn, Diên Thạnh cùng một phần xã Suối Hiệp và thị trấn Diên Khánh.
Với diện tích trên 2.032 ha, KĐT dự kiến phát triển dọc trục đường 23-10, phía Bắc mở rộng giáp bờ sông Cái, phía Nam chạy dọc chân núi. Nơi đây sẽ trở thành trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, khoa học, du lịch và thương mại của tỉnh, phát huy được thế mạnh tự nhiên núi - sông - biển để phát triển du lịch với nhiều cảnh quan đô thị độc đáo, hình thành môi trường sống hài hòa giữa con người và thiên nhiên, đảm bảo môi trường bền vững.
KĐT chia thành 7 khu vực, phù hợp với từng vùng không gian kiến trúc và những đặc trưng riêng. Tùy theo điều kiện tự nhiên và tình hình kinh tế - xã hội hiện có mà từng khu vực sẽ phát triển cho phù hợp. Ví dụ, khu vực Đông Nam (giáp phía Đông TP. Nha Trang) sẽ hình thành khu trung tâm đô thị với kiến trúc đặc sắc gồm trung tâm hành chính, khu dân cư, trung tâm thương mại… Phía Đông Bắc, thuận lợi về giao thông, đường sắt, đường sông, phát triển khu dân cư, du lịch, thương mại và thể dục thể thao. Phía Nam - Tây Bắc, đặc trưng là các nhà vườn, sẽ tập trung phát triển khu du lịch nghỉ dưỡng, trung tâm hội nghị và giao dịch bất động sản. Khu vực Tây Nam (gần Quốc lộ 1A và đường sắt), khai thác ưu thế về giao thông đối ngoại, phát triển khu công nghiệp kỹ thuật cao. Khu Tây Bắc - cửa ngõ đô thị, giáp thị trấn Diên Khánh và sông Cái, tập trung phát triển trung tâm hành chính và thương mại du lịch. Ngoài ra, khu vực trung tâm, khu phía Nam sẽ xây dựng khu dân cư chất lượng cao và khu nhà ở đồng bộ…
KĐT phía Tây Nha Trang sẽ được phát triển theo hướng Đông - Tây, lần lượt từng khu vực, linh hoạt theo khả năng đầu tư. Giai đoạn 2007 - 2010 - 2015, từ 2 cánh Đông - Tây, từng bước xây dựng vào khu trung tâm, gắn kết chặt chẽ với TP. Nha Trang và thị trấn Diên Khánh, phát triển hài hòa đô thị mới và cũ, cuối cùng hoàn chỉnh KĐT mới vào năm 2020. Việc xây dựng hạ tầng đô thị sẽ không theo dạng tuyến - bám theo trục giao thông, mà theo từng khu vực quy hoạch, sau đó giao lại cho nhà đầu tư hoặc người dân đầu tư tiếp các hạng mục theo quy hoạch, đảm bảo hài hòa với không gian kiến trúc cảnh quan chung, đồng thời từng bước chuyển đổi quỹ đất để tích lũy vốn xây dựng, đảm bảo phát triển đô thị bền vững.
Với tính chất đón đầu sự phát triển - đô thị hóa trong tương lai, quy hoạch KĐT phía Tây Nha Trang khá đồng bộ và hiện đại, gồm trung tâm y tế, bệnh viện khu vực, trường học các cấp, bảo tàng truyền thống, thư viện, các đơn vị nghiên cứu, hệ thống cung cấp thông tin, điện, hệ thống cấp và thoát nước mưa, nước thải, phòng chống lũ lụt…, song song với việc quy hoạch hệ thống giao thông và cây xanh.
Hêï thống giao thông trong KĐT gồm đường giao thông chính, giao thông khu vực, đường cảnh quan và đường nội bộ. Trong đó, tuyến giao thông đối ngoại có lộ giới 60m, cải tuyến Quốc lộ 1A (32m); tuyến giao thông chính lộ giới 28 - 40m; đường giao thông khu vực lộ giới 16m. Đặc biệt, 4 tuyến chính Đông - Tây là đường 23-10 (lộ giới 30m), đường dọc sông Cái lộ giới 28m, đường phía Nam giáp chân núi lộ giới 20m và tuyến Nha Trang - Diên Khánh (lộ giới 60m), đều được nối với Quốc lộ 1A (cải tuyến), hình thành hệ thống giao thông thuận lợi cho toàn KĐT. Bên cạnh đó, việc quy hoạch còn chú ý đến các bãi đỗ xe: mỗi khu vực đều có bãi đỗ riêng, hạn chế tối đa tình trạng thiếu bãi đỗ xe và tắc đường của các đô thị Việt Nam hiện nay.
Ngoài việc quy hoạch hệ thống cây xanh, dự án cũng tính đến phương án cải tạo các nhà vườn dọc hai bên bờ sông Cái để kết hợp bảo vệ môi trường với du lịch sinh thái. Tỷ lệ cây xanh quy hoạch dự kiến đạt khoảng 40% diện tích đất xây dựng, bình quân 15m2 cây xanh/người (tính đến năm 2020). Bên cạnh hệ thống cây xanh, việc bảo vệ môi trường sẽ được phân theo từng khu vực chức năng, phù hợp với việc phân loại xử lý chất thải sinh hoạt, chất thải công nghiệp, chất thải rắn và kết hợp xây dựng khu chôn lấp chất thải hợp vệ sinh… Ngoài ra, việc tăng cường bảo vệ nguồn nước ngầm, nạo vét, chỉnh sửa, đào mới các tuyến sông cũng nhằm tăng cường việc bảo vệ tự nhiên, đáp ứng tính chất, chức năng của một đô thị hiện đại, thân thiện với môi trường và phát triển bền vững.
Ông Võ Văn Châu - Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Quản lý xây dựng Khánh Hòa nhận định: KĐT phía Tây Nha Trang sẽ đón đầu quá trình đô thị hóa trong tương lai và là đô thị hiện đại, thân thiện với môi trường.
NAM PHONG