Cùng với nỗi lo khủng bố và việc giá dầu thế giới tăng cao trở lại, các số liệu kinh tế kém khả quan do Chính phủ Mỹ công bố trong tuần rồi đã khiến các nhà đầu tư...
Cùng với nỗi lo khủng bố và việc giá dầu thế giới tăng cao trở lại, các số liệu kinh tế kém khả quan do Chính phủ Mỹ công bố trong tuần rồi đã khiến các nhà đầu tư hoài nghi hơn về triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ, tạo nên sức ép giảm giá đối với đồng Đôla.
Ngày 8-7-2004, bốn ngày sau Quốc khánh Mỹ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Mỹ Tom Ridge đã đưa ra lời cảnh báo: “Có khả năng tổ chức Al Quada đang âm mưu tiến hành một cuộc tấn công khủng bố quy mô lớn vào nước Mỹ nhằm phá hoại cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 tới”.
Tuy Chính phủ Mỹ chưa chính thức nâng cấp độ cảnh báo về nguy cơ khủng bố trên toàn nước Mỹ (cấp độ nguy hiểm nhất là cảnh báo màu da cam) nhưng tuyên bố nói trên của ông Tom Ridge bất luận vô tình hay cố ý đã gây ra nỗi quan ngại sâu sắc đối với các nhà đầu tư và các thành viên thị trường, và do đó, châm ngòi cho đợt tăng giá dầu mới trên thị trường thế giới.
Trong vài ngày qua, giá dầu thế giới đã tăng cao trở lại lên trên mức 40 USD/thùng, mức cao nhất trong vòng hơn 1 tháng trở lại đây.
Theo thông báo mới đây của Bộ Lao động Mỹ, trong tháng 6-2004, nước Mỹ chỉ tạo thêm được 112 nghìn việc làm, chưa bằng một nửa so với mức dự đoán của thị trường là 250 nghìn việc làm. Số việc làm mới được tạo ra trong tháng 5-2004 cũng được đính chính lại là 235 nghìn việc làm, thấp hơn so với mức công bố ban đầu là 248 nghìn việc làm.
Lần đầu tiên trong vòng gần 4 năm trở lại đây, số lượng người đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp của Mỹ tính theo tuần đã giảm xuống mức 310 nghìn người trong tuần lễ kết thúc vào ngày 3-7. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, sự sụt giảm này chủ yếu bắt nguồn từ yếu tố mùa vụ vì vậy không có gì đáng lạc quan.
Trong khi đó, số liệu về đơn đặt hàng cho sản xuất nhà máy của Mỹ trong tháng 5 đã giảm 0,3%, đơn đặt hàng cho hàng hoá lâu bền giảm 1,8%. Các chỉ số chứng khoán cơ bản trên thị trường chứng khoán New York cũng đã rớt xuống mức thấp nhất trong vòng 6 tuần trở lại đây, do thông báo về sự sụt giảm doanh số bán lẻ trong tháng 6 và kết quả kinh doanh cũng như triển vọng không mấy khả quan của một số tập đoàn lớn tại Mỹ.
Kết quả cuộc khảo sát tập trung về tình hình kinh doanh tại khu vực dịch vụ của Mỹ cũng cho thấy dấu hiệu yếu kém hơn dự đoán, càng khiến cho các nhà đầu tư nghi ngại về việc nền kinh tế Mỹ bắt đầu có những dấu hiệu tăng trưởng chậm lại.
Trong khi đó, nhu cầu mua đồng Euro của các nhà đầu tư lại có lý do tăng cao sau khi Chính phủ Đức công bố số liệu về sản lượng công nghiệp của nước này trong thời gian qua tốt hơn nhiều so với mức dự đoán.
Không ít nhà đầu tư khi đứng trước quyết định về việc mua hay không mua, dự trữ nhiều hay ít đồng Đôla Mỹ không khỏi cảm thấy nặng nề khi nghĩ đến yếu tố cốt lõi nhất đẩy đồng Đôla Mỹ rớt giá chính là thâm hụt trầm trọng cán cân vãng lai của Mỹ.
Ước tính mỗi ngày nước Mỹ cần phải có từ 1 - 1,5 tỷ USD để có thể bù đắp cho dòng tiền chảy ra ngoài nước Mỹ do thâm hụt cán cân vãng lai, thế nhưng những biểu hiện yếu kém hiện tại của các doanh nghiệp Mỹ lại có nghĩa là sẽ ngày càng ít dòng vốn đầu tư đổ vào thị trường chứng khoán của nước này.
Kết quả là chỉ trong vòng 10 ngày kể từ sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chính thức ra quyết định nâng lãi suất, đồng Đôla Mỹ đã mất giá tới 2,8% so với đồng Euro và đồng Bảng Anh, 1% so với đồng Đôla Singapore, 3,5% so với vàng. Có thể thấy đây là mức giảm giá quá lớn nếu so với mức tăng giá chỉ 4,2% so với đồng Euro và 1% so với Đôla Singapore mà đồng tiền này đạt được trong cả thời kỳ dài 6 tháng đầu năm 2004.
Với tỷ lệ mất giá nói trên, đồng Đôla Mỹ đã rớt xuống mức giá thấp nhất trong vòng 3,5 tháng trở lại đây so với đồng Euro, đồng Bảng Anh, Đôla Canada, và thấp nhất trong vòng 5 tháng trở lại đây so với Frăng Thuỵ Sỹ.
Trong khi đó, vàng lại được hưởng lợi. Những dấu hiệu tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế Mỹ và nguy cơ khủng bố đe doạ nước này đã khiến cho vàng lại được dịp nổi lên với tư cách là tài sản dự trữ an toàn, hiệu quả với khả năng sinh lời cao. Bên cạnh đó, việc giá dầu tăng cao trở lại cũng đẩy mạnh nhu cầu của các nhà đầu tư đối với vàng với tư cách là một công cụ phòng chống lạm phát truyền thống.
Song song với diễn biến mất giá tới mức thấp nhất trong vòng 3 - 5 tháng trở lại đây của đồng Đôla Mỹ, giá vàng giao ngay trên thị trường thế giới tính đến trung tuần tháng 7 đã lên tới mức 408 USD/ounce, giá vàng kỳ hạn tháng 8 đạt 410 USD/ounce - mức cao nhất trong vòng 3 tháng.
Theo dự đoán của các chuyên gia tiền tệ, rất có thể đồng Euro sẽ không mất thời gian nữa để lấy lại mức giá 1 Euro = 1,26 USD, và nếu khả quan hơn nữa thì sẽ là 1,29 và tiếp đó là 1,35.
Nhờ vậy, không ngoại trừ khả năng giá vàng thế giới sẽ quay trở lại đạt mức đỉnh điểm 433 USD/ounce từng có vào đầu tháng 4-2004 - mức giá cao nhất trong vòng 15 năm trở lại đây.
Theo Thời báo Kinh tế Việt Nam