Đề tài "Ứng dụng công nghệ nghề lưới vây" do Thạc sĩ Nguyễn Văn Nhuận - Trường Đại học Nha Trang làm chủ nhiệm vừa được nghiệm thu, đã mở ra hướng mới cho nghề khai thác lưới vây.
Đề tài “Ứng dụng công nghệ nghề lưới vây” do Thạc sĩ Nguyễn Văn Nhuận - Trường Đại học Nha Trang làm chủ nhiệm vừa được nghiệm thu, đã mở ra hướng mới cho nghề khai thác lưới vây.
Theo Thạc sĩ Nguyễn Văn Nhuận, lưới vây là nghề khai thác hải sản quan trọng của tỉnh. Đội tàu lưới khơi chỉ 34 chiếc, nhưng sản lượng đánh bắt (cá ngừ vằn) chiếm hơn 70% sản lượng nghề lưới vây toàn tỉnh. Tuy nhiên, quy trình đánh bắt, trang thiết bị hiện nay còn nhiều hạn chế nên hiệu quả chưa cao. Theo khảo sát mới đây của Viện Khoa học và Công nghệ khai thác thủy sản, Trường Đại học Nha Trang, sản lượng khai thác trung bình cho một đơn vị cường lực đội tàu đánh bắt xa bờ trong tỉnh khá thấp so với các địa phương lân cận. Công nghệ bảo quản sản phẩm sau đánh bắt chủ yếu theo truyền thống, dẫn đến chất lượng sản phẩm thấp.
Với thực trạng đó, tác giả và cộng sự đã đề xuất triển khai thực hiện đề tài “Ứng dụng công nghệ nghề lưới vây” nhằm xây dựng quy trình, thiết bị khai thác, xử lý và bảo quản sản phẩm phù hợp với đội tàu lưới vây khơi của tỉnh, nâng cao giá trị sản phẩm, tăng hiệu quả kinh tế. Đề tài đã tập trung vào các nội dung chính, như: Cải tiến vàng (bộ) lưới vây phù hợp với đối tượng khai thác và ngư trường; cải tiến hệ thống dây giềng rút chính, máy tời, máy thu lưới phù hợp; triển khai quy trình khai thác nghề lưới vây tiên tiến; cải tiến hầm bảo quản bằng công nghệ mới.
Sau 30 tháng thực hiện đề tài (từ tháng 11-2019 đến tháng 5-2022), nhóm nghiên cứu đã đề xuất cải tiến vàng lưới vây phù hợp với đối tượng và ngư trường. Thạc sĩ Nguyễn Văn Nhuận cho biết, trên cơ sở kết quả khảo sát đội tàu lưới vây Khánh Hòa và thực nghiệm 4 chuyến đi biển trên tàu cá cho thấy, tốc độ chìm của vàng lưới cải tiến đạt 0,22 m/s, gấp 2,4 lần vàng lưới truyền thống; hiệu suất đánh bắt đàn cá của tàu thực nghiệm đạt 80,8%, trong khi tàu truyền thống là 73,5%; số lượng đá cây mang theo bảo quản chỉ hao hụt 20 cây/hầm cải tiến so với 50 cây/hầm truyền thống. Bên cạnh đó, các chỉ tiêu vi sinh vật hiếu khí của hầm truyền thống cao gấp 6 lần so với hầm cải tiến. Từ đó, chất lượng bảo quản sản phẩm cũng cao hơn so với cách làm cũ…
Theo Tiến sĩ Nguyễn Long - Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu, đề tài có nhiều đổi mới trong hệ thống máy móc; bổ sung quy trình khai thác nghề lưới vây cải tiến; thay thế hầm bảo quản sản phẩm bằng vật liệu PU… góp phần ứng dụng công nghệ trong nghề khai thác lưới vây tại Khánh Hòa.
Một số thông số chính của vàng lưới cải tiến như: Chiều dài lưới 1.120m, chiều cao lưới 140m, sử dụng dây giềng rút chính 8 tao (loại dây bọc chì)… Hầm bảo quản sử dụng vật liệu cách nhiệt bằng vật liệu PU…; đồng thời đưa ra các quy trình khai thác nghề lưới vây, như: Quy trình cải tiến lưới vây, quy trình khai thác lưới vây cải tiến, sơ chế bảo quản sản phẩm… |
V.L