Theo nhiều đơn vị, doanh nghiệp khoa học và công nghệ, đến thời điểm này, Khánh Hòa vẫn chưa có thị trường khoa học và công nghệ. Mới đây, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch phát triển thị trường khoa học và công nghệ đến năm 2030, đây được xem là tiền đề để thị trường này phát triển trong tương lai.
Theo nhiều đơn vị, doanh nghiệp khoa học và công nghệ (KH-CN), đến thời điểm này, Khánh Hòa vẫn chưa có thị trường KH-CN. Mới đây, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch phát triển thị trường KH-CN đến năm 2030, đây được xem là tiền đề để thị trường này phát triển trong tương lai.
Mới dừng ở nghiên cứu, chuyển giao
Trên địa bàn tỉnh có nhiều viện, trường, doanh nghiệp nghiên cứu, phát triển KH-CN thuộc loại điển hình tại khu vực Nam Trung Bộ, với nhiều nghiên cứu, đề tài, sản phẩm có trình độ KH-CN cao, tầm cỡ quốc gia và quốc tế, nhất là nghiên cứu, sản xuất vắc xin. Thế nhưng, phần lớn các nghiên cứu KH-CN dừng lại cấp độ đề tài, dự án phát triển giống cây trồng, thủy sản, vật nuôi, khoa học vật liệu mới, trí tuệ nhân tạo, máy bay không người lái… Thị trường KH-CN chưa phát triển do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc chưa hình thành các sàn giao dịch KH-CN, chưa có cơ chế, chính sách đặc thù…
Tiến sĩ Trương Hà Phương - Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III cho hay, với chức năng của một viện nghiên cứu chuyên ngành thủy sản, thời gian qua, viện tập trung nghiên cứu các đề tài, công trình về bệnh học, kháng thể, quy trình sản xuất các giống thủy sản có giá trị; nghiên cứu, bảo tồn, phát triển các giống thủy sản đặc trưng, quý hiếm, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, nông dân phát triển nuôi thương phẩm, phục vụ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu… Viện còn phối hợp với các ngành thực hiện các dự án khoa học phát triển giống loài thủy sản có thế mạnh của tỉnh, liên kết và hợp tác quốc tế… Tuy nhiên, về phát triển thị trường KH-CN, đơn vị vẫn chưa thành hình.
Theo Thượng tá Bùi Tiến Bảo - Trưởng ban KH-CN, Trường Đại học Thông tin Liên lạc, thời gian qua, đơn vị có nhiều hoạt động nghiên cứu khoa học phục vụ quân đội cũng như đời sống, như: Các phần mềm chữ ký số, quản lý đào tạo, thư viện, huấn luyện khai thác điện đài… Đặc biệt, nhiều công trình sản phẩm có thể thương mại hóa như: gương thông minh trợ lý ảo học Tiếng Anh; hệ thống nhận diện khuôn mặt; máy bay không người lái… Tuy nhiên, với chức năng chính là giáo dục đào tạo phục vụ quốc phòng, đơn vị chủ yếu chuyển giao KH-CN phục vụ binh chủng và đời sống nhân dân. Đơn vị rất mong tỉnh có kế hoạch phát triển thị trường KH-CN. Đây là điểm mới, sáng tạo, cơ hội cho nhiều đơn vị phát triển KH-CN có điều kiện thương mại hóa.
Thúc đẩy thị trường khoa học công nghệ
Bà Lê Vinh Liên Trang - Giám đốc Sở KH-CN cho biết, thị trường KH-CN Khánh Hòa chưa phát triển nhưng có nhiều tiềm năng. Vừa qua, đơn vị đã lấy ý kiến của các cấp, ngành, viện, trường, doanh nghiệp để tham mưu tỉnh ban hành Chương trình phát triển thị trường KH-CN trong tương lai. Mới đây, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch phát triển thị trường KH-CN đến năm 2030 đề ra 6 nhiệm vụ, giải pháp phát triển thị trường. Mục tiêu của chương trình đến năm 2025, tạo giá trị giao dịch hàng hóa KH-CN tăng bình quân hàng năm 5%, hình thành 1 tổ chức trung gian kết nối vào mạng lưới tổ chức trung gian KH-CN quốc gia. Đến năm 2030, các con số tương ứng là 10%, hình thành 2 tổ chức trung gian và số hóa các kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ có tiềm năng thương mại hóa trên thị trường.
Kế hoạch đã đề ra một số giải pháp như: Rà soát các quy định pháp lý, định hình thị trường KH-CN từ cơ sở văn bản của bộ, ngành Trung ương để lựa chọn các giải pháp phù hợp, vận dụng cho lĩnh vực thị trường KH-CN; thúc đẩy các giao dịch hàng hóa KH-CN, tạo động lực cạnh tranh để thúc đẩy doanh nghiệp tham gia thị trường KH-CN; thúc đẩy phát triển nguồn cầu của thị trường KH-CN, nâng cao năng lực hấp thụ, làm chủ và đổi mới công nghệ của doanh nghiệp; thúc đẩy hợp tác doanh nghiệp - viện, trường theo hướng đặt hàng công nghệ hoặc hình thành dự án nghiên cứu, ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp KH-CN... Ngoài ra, cần đẩy mạnh tổ chức các sự kiện xúc tiến thị trường KH-CN quy mô các cấp, lồng ghép, phối hợp với các sự kiện xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có công nghệ mới được công bố, trình diễn, giới thiệu, tham gia chợ, hội chợ công nghệ trong nước, ngoài nước...
V.L