Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh Khánh Hòa vừa nghiệm thu đề tài "Tuyển chọn và phát triển một số loài lan rừng quý hiếm phù hợp tại Khu du lịch Suối Hoa Lan, tỉnh Khánh Hòa". Kết quả của đề tài là cơ sở khoa học để phát triển và bảo tồn nguồn gen một số loài lan rừng bản địa, quý hiếm trên địa bàn tỉnh.
Hội đồng Khoa học và Công nghệ (KH-CN) tỉnh Khánh Hòa vừa nghiệm thu đề tài “Tuyển chọn và phát triển một số loài lan rừng quý hiếm phù hợp tại Khu du lịch Suối Hoa Lan, tỉnh Khánh Hòa”. Kết quả của đề tài là cơ sở khoa học để phát triển và bảo tồn nguồn gen một số loài lan rừng bản địa, quý hiếm trên địa bàn tỉnh.
Nguy cơ bị suy giảm nghiêm trọng
Kỹ sư Trần Giỏi (Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Long Phú) - chủ nhiệm đề tài cho biết, tài nguyên lan rừng Khánh Hòa có tiềm năng cao, rất đa dạng về hình thái, cấu trúc và thành phần loài. Theo dữ liệu mới nhất, Khánh Hòa đã ghi nhận hơn 200 loài; trong đó có nhiều loài lan đặc hữu với phạm vi phân bố hẹp như: Kim tuyến, Hài hồng, Bạch môi… Giá trị lan rừng Khánh Hòa không chỉ để thưởng ngoạn và cung cấp cho thị trường mà còn có giá trị đặc biệt hơn về mặt dược liệu. Nhiều loài lan được biết đến là cây thuốc quý hiếm như: Kim tuyến, Thạch hộc, Lan gấm…
Mặc dù lan rừng Khánh Hòa là nguồn tài nguyên quý giá, giàu tiềm năng nhưng chưa được khai thác, sử dụng hiệu quả, lại đang đứng trước nguy cơ bị suy giảm nghiêm trọng, khó có thể phục hồi trong tự nhiên. Nhiều loài lan đặc hữu như: Hài hồng, Bạch môi, Bò cạp tía, Hoàng thảo Khánh Hòa, Mật khẩu Phi Tâm… có nguy cơ bị tuyệt chủng. Một trong những nguyên nhân đó là tình trạng người dân thu hái lan rừng và nạn chặt phá cây gỗ khiến môi trường sinh thái trong khu vực bị tác động nặng nề. Tuy việc khai thác, bán lan rừng mang lại cho người dân nguồn thu nhập đáng kể nhưng cũng gây ảnh hưởng rất lớn đến môi trường, hủy diệt đa dạng sinh học của các loài lan, nhất là giống lan quý hiếm.
Thực tế, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có một số nhà vườn đã thu thập và phát triển một số loài lan để bán, nhưng việc thu thập, trồng vẫn còn trong điều kiện đơn giản, chưa có tác động của khoa học kỹ thuật, vì thế sản phẩm hoa lan chất lượng thấp, giá trị kinh tế chưa cao. Việc làm này không những không bảo tồn được nguồn gen mà còn có nguy cơ mất dần nguồn gen lan bản địa quý của tỉnh.
Bảo tồn các loài lan rừng quý hiếm
Trước thực trạng trên, từ năm 2017, UBND tỉnh đã phê duyệt cho Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Long Phú thực hiện đề tài “Tuyển chọn và phát triển một số loài lan rừng quý hiếm phù hợp tại Khu du lịch Suối Hoa Lan, tỉnh Khánh Hòa”. Mục tiêu của đề tài tuyển chọn 6 loài lan rừng bản địa, quý hiếm, phù hợp với điều kiện sinh thái tại Khu du lịch Suối Hoa Lan gồm: Bạch môi, Giã hạc, Thủy tiên hường, Gấm, Ngọc điểm và Vani lông sậm. Đồng thời, đưa ra các biện pháp kỹ thuật nhân giống, nuôi trồng phù hợp với từng loài lan để bảo tồn và phát triển. Sau 3 năm triển khai thực hiện, nhóm nghiên cứu đã tuyển chọn thu được 311 mẫu đối với 6 loài lan rừng trên đủ đáp ứng yêu cầu nhân giống; thực hiện nhân giống thành công số lượng 1.416 cây, vượt kế hoạch 1.200 cây; tỷ lệ sống bình quân đạt 82%, ít sâu bệnh. Trong đó, cây lan Thủy tiên hường tách thân có tỷ lệ sống đạt đến 98%. Đặc biệt, có 5/6 loài lan rừng được nghiên cứu đã ra hoa (trừ Vani lông sậm). Quá trình thực nghiệm và theo dõi, nhóm nghiên cứu đã hoàn thiện dần các biện pháp kỹ thuật từ nhân giống, trồng và chăm sóc 6 loài lan rừng được tuyển chọn phù hợp với điều kiện sinh thái tại Khu du lịch Suối Hoa Lan. Qua đó, nhóm nghiên cứu đã tập hợp và biên soạn thành tài liệu tập huấn dành cho đội ngũ nhân viên kỹ thuật. Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu đã thu thập dữ liệu và góp phần xây dựng danh mục gồm 206 loài lan rừng bản địa; trong đó có 52 loài lan mới ghi nhận tại Khánh Hòa.
Ngoài ra, từ năm 2017, Khu du lịch Suối Hoa Lan đã xây dựng mô hình sưu tập và bảo tồn lan rừng tại đơn vị. Dự kiến, mô hình sưu tập và bảo tồn 100 loài lan rừng bản địa và đặc hữu. Mô hình có diện tích 2ha, gồm 2 vườn nhân giống và nuôi dưỡng lan rừng (3.000m2), phía ngoài là khu vực trưng bày lan rừng theo điều kiện bán tự nhiên, lan rừng được ghép lên thân cây gỗ sống; đồng thời một số loài lan rừng mọc tự nhiên theo dòng suối Tử Sỹ trong khu vực này. Đến nay, mô hình đã sưu tập và bảo tồn được 73 loài lan rừng, gồm: 52 loài lan rừng bản địa Khánh Hòa, 21 loài lan rừng thu thập từ các địa phương khác. Đặc biệt, có một số loài lan rừng đặc hữu quý, hiếm có giá trị cao và nguy cơ bị tuyệt chủng trong tự nhiên. Vì vậy, hiện nay, đơn vị đã triển khai chương trình thử nghiệm nhân giống và bảo tồn chuyển chỗ một số loài như: Hoàng yến tím, Hoàng thảo trần kim, Đầm lầy Trung Bộ và một số dòng lan bản địa, quý hiếm gồm: Giã hạc, Ngọc điểm ở Hòn Hèo…
Ông Huỳnh Kỳ Hạnh - Giám đốc Sở KH-CN, Chủ tịch Hội đồng KH-CN tỉnh cho biết, sau 3 năm thực hiện đề tài, nhóm nghiên cứu đã đạt được kết quả tốt, một số sản phẩm vượt kế hoạch. Tuy đề tài không mới nhưng việc ứng dụng thực tiễn được các thành viên Hội đồng KH-CN đánh giá rất cao, đã góp phần xây dựng cơ sở dữ liệu về các loài lan rừng ở Khánh Hòa và tuyển chọn nhân giống thành công một số loài. Đặc biệt, kết quả của đề tài đã cho thấy triển vọng ứng dụng công nghệ sinh học về nuôi cấy mô để phát triển nguồn giống đối với một số loài lan rừng quý hiếm.
KHÁNH HÀ