06:07, 11/07/2020

Những ứng dụng giúp "sửa" loa điện thoại khi bị vào nước

Nếu smartphone của bạn không may bị rơi vào nước khiến loa ngoài bị rè và chất lượng âm thanh bị giảm xuống, những ứng dụng miễn phí dưới đây sẽ giúp khắc phục vấn đề.

Nếu smartphone của bạn không may bị rơi vào nước khiến loa ngoài bị rè và chất lượng âm thanh bị giảm xuống, những ứng dụng miễn phí dưới đây sẽ giúp khắc phục vấn đề.

Với người dùng Android

Nhiều mẫu smartphone cao cấp chạy Android hiện nay được trang bị tính năng chống nước, chống bụi. Tuy nhiên, nếu không may làm rơi thiết bị vào nước hoặc smartphone bị ướt, người dùng có thể gặp phải tình trạng loa ngoài bị rè hoặc chất lượng âm thanh của loa ngoài bị giảm xuống, mà nguyên do là vì nước bị ngấm vào trong khe loa và bám vào màng loa.

 



Để khắc phục tình trạng này, bạn có thể nhờ đến sự giúp đỡ của ứng dụng Frequency Sound Generator. Đây là ứng dụng miễn phí, có khả năng phát ra âm thanh với nhiều tần số khác nhau, bao gồm cả những tần số làm màng loa trên smartphone rung mạnh, từ đó giúp đẩy nước bám trên màng loa ra ngoài, giúp khắc phục tình trạng âm thanh trên loa bị giảm do vào nước.

Giao diện chính của ứng dụng cho phép người dùng chọn tần số để ứng dụng phát ra âm thanh với tần số tương ứng.

Trong trường hợp smartphone chạy Android bị nước vào khiến phần loa bị rè và nghe không rõ, từ giao diện chính của ứng dụng, bạn chọn tần số từ 100 đến 250Hz, sau đó nhấn nút Play và để ứng dụng phát ra âm thanh với tần số này trong khoảng 10 phút.

 



Khi ứng dụng phát ra âm thanh với tần số từ 100 đến 250Hz, phần loa của điện thoại sẽ được rung liên tục với tần số này, giúp các hạt nước nhỏ bị bắn ra khỏi màng loa, tránh tình trạng nước bị mắc kẹt trong loa khiến loa bị rè và giảm chất lượng âm thanh.

Sau khoảng 10 phút, bạn thử phát một bài nhạc trên smartphone của mình để kiểm tra lại chất lượng của loa và nếu âm thanh phát ra đạt được chất lượng như ban đầu, nghĩa là tình trạng loa bị rè đã được khắc phục, bạn có thể ngừng phát âm thanh từ ứng dụng Frequency Sound Generator, ngược lại, bạn tiếp tục dùng ứng dụng này để phát ra âm thanh với tần số từ 100 đến 250Hz trong một khoảng thời gian nữa để tiếp tục đẩy nước ra khỏi màng loa.

Với người dùng iPhone

Từ phiên bản iPhone 7 trở về sau đều được Apple trang bị tính năng chống nước, chống bụi. Tuy nhiên, cũng như đã đề cập ở trên, nếu các mẫu iPhone này bị ướt hoặc không may bị rơi vào nước, vị trí các khe loa trên máy cũng sẽ bị đọng nước rơi vào tình trạng loa bị rè và làm giảm chất lượng âm thanh khi phát bằng loa ngoài.

Để khắc phục tình trạng này, bạn có thể nhờ đến ứng dụng có tên Water Eject.

 



Về cơ bản, cách thức hoạt động của Water Eject cũng tương tự ứng dụng Frequency Sound Generator kể trên. Water Eject sẽ phát ra âm thanh trầm (bass) lớn, khiến phần màng loa bị rung mạnh, điều này giúp các hạt nước nhỏ bị bắn văng ra khỏi thiết bị, thay vì ngấm vào bên trong và gây hại cho máy.

Để cài đặt và sử dụng Water Eject, đầu tiên bạn cài đặt ứng dụng có tên gọi Shortcut (tương thích iOS 12 trở lên). Tiếp theo, tải Water Eject về iPhone, sau đó từ ứng dụng Shortcut, chọn “Get Shortcut” rồi chọn file Water Eject vừa tải được ở trên để cài đặt vào ứng dụng Shortcut.

Sau khi đã cài đặt Water Eject lên iPhone, bạn kích hoạt và chạy ứng dụng này, sau đó chọn “Begin Water Ejection” để bắt đầu quá trình loại bỏ nước ra khỏi loa iPhone.

Khi ứng dụng bắt đầu chạy và âm thanh bắt đầu phát ra, bạn có thể nhìn thấy các giọt nước bên trong khe loa bị đẩy ra ngoài. Bạn nên chạy ứng dụng khoảng chừng 10 phút hoặc đến khi nào không còn thấy các giọt nước bị bắn ra từ khe loa.

Theo hanoimoi