Ngày 16-7, Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh nghiệm thu đề tài "Đánh giá sự tồn lưu của kháng thể kháng vi rút cúm A/H5N1 ở người đã được tiêm vắc xin IVACFLU - A/H5N1 do Viện Vắc xin và Sinh phẩm Y tế sản xuất". Đề tài do PGS.TS Lê Văn Bé - Viện Vắc xin và Sinh phẩm Y tế (thành phố Nha Trang) và các cộng sự thực hiện từ tháng 9-2018 đến 6-2020.
Ngày 16-7, Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh nghiệm thu đề tài “Đánh giá sự tồn lưu của kháng thể kháng vi rút cúm A/H5N1 ở người đã được tiêm vắc xin IVACFLU - A/H5N1 do Viện Vắc xin và Sinh phẩm Y tế sản xuất”. Đề tài do PGS.TS Lê Văn Bé - Viện Vắc xin và Sinh phẩm Y tế (TP. Nha Trang) và các cộng sự thực hiện từ tháng 9-2018 đến 6-2020.
Nhóm nghiên cứu đã chọn 362 đối tượng đã được tiêm vắc xin thử nghiệm lâm sàng IVACFLU - A/H5N1 tại các xã, phường: Ninh Bình, Ninh Quang, Ninh Hiệp (thị xã Ninh Hòa). Kết quả cho thấy, tỷ lệ đối tượng có hiệu giá kháng thể bảo vệ sau 18 tháng đạt 61,6%, chỉ số này cho thấy tồn lưu kháng thể kháng vi rút H5N1 sau 18 tháng rất cao, có khả năng bảo vệ cộng đồng trước đại dịch. Sau 24, 30, 36 tháng, tỷ lệ này giảm tương ứng còn 25,4%, 33,3%, 16,4%. Ngoài ra, đề tài đã ghi nhận một số yếu tố có liên quan đến sự tồn lưu kháng thể kháng vi rút H5N1 sau tiêm vắc xin như: Hút thuốc lá hoặc uống rượu, bia; bị cảm cúm, bệnh nặng; giết mổ gia cầm; địa điểm sinh sống…
Kết quả đề tài cung cấp dữ liệu khoa học mới về tồn lưu kháng thể 36 tháng sau tiêm vắc xin trong lĩnh vực ứng dụng vắc xin cúm A/H5N1 cho người, phục vụ nhu cầu phòng, chống dịch của quốc gia và quốc tế; tạo cơ sở khoa học góp phần định hướng hoạt động sản xuất và sử dụng vắc xin cúm A/H5N1 cho người, đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch, đại dịch, bảo vệ sức khỏe nhân dân…
Đề tài được Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh đánh giá xuất sắc.
K.H