11:09, 19/09/2011

Hoa quỳnh nở giữa ban ngày

Trong cuộc đời, hiếm người may mắn được thưởng thức đóa hoa quỳnh nở dù chỉ một lần, bởi hoa quỳnh chỉ nở về đêm, lại chóng tàn và hiếm khi cây quỳnh trổ hoa.

Trong cuộc đời, hiếm người may mắn được thưởng thức đóa hoa quỳnh nở dù chỉ một lần, bởi hoa quỳnh chỉ nở về đêm, lại chóng tàn và hiếm khi cây quỳnh trổ hoa. Đam mê thú chơi hoa, cây kiểng khiến ông Trần Nguyên Hùng (Gò Mè, Suối Tiên, Diên Khánh, Khánh Hòa) đã rất quan tâm đến chuyện người Đà Lạt có thể làm cho hoa quỳnh nở ban ngày (Nhật quỳnh). Sau thời gian ấp ủ, ông Hùng đã thành công với cách cho hoa quỳnh nở giữa ban ngày.

Cây quỳnh mà ông Hùng cho nở là giống Nhật quỳnh (màu hồng), không phải là Nguyệt quỳnh (giống quỳnh hoa trắng, nở về đêm), loài hoa cực kỳ quý hiếm. Tuy khác nhau về chủng loại nhưng kiểu hoa của 2 loại quỳnh này chẳng khác nhau mấy. Nhật quỳnh không tỏa hương thơm như loài quỳnh trắng, nhưng cũng gọi là quý, giải tỏa được “cơn ghiền” nhìn hoa quỳnh nở. Ông Hùng kể: “Một lần lên Đà Lạt, thấy người quen có khóm hoa quỳnh nở ban ngày, tôi không cầm lòng được, bèn xin giống đem về trồng thử”. Thế là ông Hùng đem đoạn thân của cây quỳnh lan (dạng cây hoa lan) về trồng. Sau một thời gian, ông chọn nhánh của cây thanh long sung sức, mập mạp, vừa đủ tuổi đưa vào chậu, giâm cho sống. Khi thanh long đã vươn dài, ông lấy nhánh cây quỳnh lan cấy qua. Cách ghép thật đơn giản như kiểu ghép cây bình thường. Một đoạn thanh long có thể ghép được nhiều nhánh quỳnh, miễn sao vừa phải, không quá sức chịu đựng của cây. Rồi ông Hùng hồi hộp chờ đợi, nhưng mãi vẫn không thấy cây quỳnh ghép hé nụ. Cho đến một ngày gần đây, cây quỳnh ghép của ông mới bật ra nụ hoa đầu tiên, tiếp theo là một nụ hoa khác sắp “bung”…

 Hoa quỳnh ghép nở hoa vào ban ngày đã thỏa niềm đam mê của chủ nhân
Ông Hùng cho biết, trong quá trình cấy ghép phải thường xuyên theo dõi sự phát triển của cây, chú ý chế độ dinh dưỡng, phân bón, thuốc kích thích đầy đủ, nếu không cây sẽ yếu sức, không thể ra hoa. Đầu vụ, dùng NPK kích thích cho cây đẻ nhánh. Quá trình sinh trưởng cần chú ý phòng trừ các bệnh nấm, côn trùng phá hoại, tránh nắng, mưa, gió. Quỳnh trắng hay quỳnh lai đều thích nơi thoáng gió nhưng không có nắng gắt, tốt nhất là có mái che, ánh sáng tán xạ như loài lan. Khi đủ điều kiện thích hợp, cây quỳnh sẽ cho hoa nở vào ban ngày. Qua theo dõi, ông Hùng nhận thấy, hoa quỳnh ghép lâu tàn (ít nhất 3 ngày), từ khi xuất hiện nụ đến khi hoa bung hết phải mất một tuần. Ông Hùng cho rằng, quỳnh lai thích hợp nhất là vào mùa Hè. Cây quỳnh chưa ra hoa có lẽ do cung cấp không cân đối dinh dưỡng NPK, cần “nhử” phân cho cây “ăn” từ từ. Đầu vụ kích thích mạnh, giữa vụ và khi chuẩn bị đóng nụ phải bón NPK loại 30-15-15, có nụ bón loại 15-30-15, lúc nở hoa bón 15-15-30 thì quỳnh mới ra hoa lâu tàn.

Ông Hùng khẳng định, quỳnh ghép trồng ở Khánh Hòa hoàn toàn có thể ra hoa nở giữa ban ngày. Tuy nhiên, điều kiện để quỳnh phát triển, ra hoa phải có mái che, nhà vòm giống như trồng hoa lan. Điều kiện trồng quỳnh cũng phải bảo đảm các yếu tố nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, độ thoáng, dinh dưỡng tối ưu… Ông Hùng đang theo dõi quỳnh nở và thí điểm ép quỳnh nở đúng vụ Tết. Theo ông, nếu vào dịp Tết, mỗi chậu quỳnh nở hoa có giá đến 200.000 đồng. Ban đầu, ông Hùng chiết ghép 20 - 30 chậu nhưng chỉ giữ lại 3 chậu, đến nay chỉ mới một chậu ra hoa.

Ông Hùng cho biết, ông sẽ ghép giống quỳnh trắng (loài hoa quỳnh cực hiếm) với cây thanh long. Tuy nhiên, ông cũng ít hy vọng gốc ghép sẽ nở hoa ban ngày, bởi quỳnh trắng và thanh long cùng nở về đêm.

H.A