“Tổ tiên, ông bà đã để lại cho vùng đất Khánh Hòa rất nhiều câu chuyện lịch sử, văn hóa, âm nhạc, ẩm thực có giá trị. Hãy bám lấy thật chặt để vận dụng vào phát triển du lịch. Nếu để xa rời những giá trị văn hóa cốt lõi của các bậc tiền bối, cứ pha trộn vào đủ thứ xa lạ, thì du khách rất có thể sẽ quay lưng lại với TP. Nha Trang” - ông Phan Xuân Anh - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Du Ngoạn Việt (TP. Hồ Chí Minh) mở đầu trả lời phỏng vấn Báo Khánh Hòa nhân dịp Tết Giáp Thìn 2024.
Ông Phan Xuân Anh - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Du Ngoạn Việt (TP. Hồ Chí Minh). |
Xây dựng thêm tour tuyến mới để thu hút tàu du lịch đến Nha Trang
- Nha Trang được ví như “con đường tơ lụa” của các hãng tàu du lịch biển quốc tế. Năm 2023, thành phố đã đón 25 chuyến tàu. Ông nghĩ gì về con số này?
- Mùa du lịch tàu biển quốc tế đến Việt Nam bắt đầu từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau, thời điểm này ở châu Âu, châu Mỹ và các nước như: Nhật Bản, Hàn Quốc... có mùa đông lạnh giá. Các hãng tàu biển chuyển sang hoạt động ở khu vực châu Á, tâm điểm là các nước Đông Nam Á có thời tiết mát mẻ, nhiều lễ hội vui nhộn.
TP. Nha Trang nằm sát với đường hàng hải quốc tế, tuyến hải trình kết nối với Philippines, Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Campuchia... Cảng Nha Trang nằm trong thành phố, khách lên bờ đi bộ chút xíu tới trung tâm thành phố. Năm 2023, Nha Trang đón 25 chuyến tàu du lịch là ít. Với lực lượng hướng dẫn viên có thẻ quốc tế, xe đưa đón, các cơ sở du lịch..., thành phố có thể đón được cả 100 chuyến tàu mỗi năm.
- Vậy làm cách nào để “kéo” tàu du lịch về Nha Trang nhiều hơn?
- Hàng năm, công ty chúng tôi đến các hãng tàu du lịch biển ở Mỹ hoặc châu Âu tham dự những cuộc đấu thầu trực tiếp để giành quyền đón khách khi tàu cập vào cảng Nha Trang, Cái Mép, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Chân Mây, Hạ Long... Năm 2024, riêng Công ty Du Ngoạn Việt có kế hoạch đón trên 20 chuyến tàu đến Nha Trang.
Khách du lịch thăm Làng nghề Trường Sơn. |
Hãng tàu du lịch quốc tế là tập đoàn kinh doanh đa quốc gia, họ thấy cảng đến nào mang lại doanh thu tốt, thủ tục xuất nhập cảnh không phức tạp, tàu sẽ đến nhiều. Năm 2023, tại Nha Trang có những ngày thời tiết xấu, cảng tăng bo không thuận lợi nên tàu buộc phải hủy chuyến không vào Nha Trang. Chuyện hủy chuyến nửa chừng, tàu bị thiệt hại, doanh nghiệp lữ hành trên bờ cũng méo mặt. Mặt khác, số tour dành cho khách tàu biển ở Nha Trang còn hạn chế, hiện nay chỉ có 5 lựa chọn: Tour đi nội thành, đồng quê, xe đạp, xích lô, đi đò trên sông Cái.
Để thu hút nhiều tàu du lịch đến Nha Trang, ngành Du lịch tỉnh Khánh Hòa và chính quyền TP. Nha Trang cần đầu tư và xây dựng thêm các tour tuyến mới, cần năng động gợi mở, cùng doanh nghiệp tạo ra sản phẩm mới. Người dân, chính quyền, doanh nghiệp cùng chung tay làm. TP. Hồ Chí Minh phát động phong trào mỗi quận, huyện ra một tour du lịch mới, giống như phong trào mỗi xã có một sản phẩm. Từ việc này, thành phố đã tạo ra mấy chục tour du lịch. Vì vậy, họ mới giữ được chân khách, tàu đến cảng nhộn nhịp hơn.
Tàu du lịch biển đến vịnh Nha Trang. |
Truyền thống - hiện đại đan cài nhau
- Nha Trang đã có biển, đảo đẹp, đâu nhất thiết phải tìm kiếm thêm tour tuyến mới?
- Không nên ỷ lại vịnh, biển của mình đẹp, mà luôn cần xây dựng thêm tour tuyến mới. Trên thế giới này, nhiều nơi có biển đẹp hơn Nha Trang rất nhiều. Bờ biển nước ta dài hơn 3.000km, có mấy nghìn hòn đảo, hàng trăm vịnh, đầm, eo biển lớn nhỏ. Có nhiều lựa chọn vậy tại sao khách phải đến Nha Trang du lịch?
Theo kinh nghiệm phát triển du lịch, chỗ nào người phương Tây đến du lịch nhiều sẽ “kéo theo” khách du lịch châu Á đến vì người châu Âu, Mỹ có truyền thống và “máu” đi chu du khắp thiên hạ cả trăm năm qua. Chúng ta hiểu như vậy để đề cao văn hóa địa phương, còn yếu tố mới là không phủ nhận, không từ chối, nhưng nó sẽ không quyết định được sản phẩm du lịch chủ lực tại địa phương. Truyền thống - hiện đại phải đan cài nhau.
- Theo ông, Nha Trang cần đi theo hướng hiện đại nào?
- Muốn đa dạng hóa các sản phẩm du lịch cần dựa trên nền văn hóa bản địa mà làm, ở đó ông cha ta để lại rất nhiều điều hay du khách quốc tế yêu thích. Người châu Âu, Mỹ... đến đây là muốn xem nét truyền thống, lịch sử, phong tục tập quán, ẩm thực, âm nhạc... của người dân Khánh Hòa. Tôi ví dụ Làng nghề Trường Sơn ở Nha Trang, giá vào cổng đâu có rẻ, nhưng mỗi khi tàu du lịch đến cảng Nha Trang, người của làng nghề đứng ra đếm khách thu tiền không xuể. Rõ ràng làng nghề đã làm “sống lại” các làng nghề dệt chiếu, làm nón, đan lưới đánh cá... Những thứ này của ông bà mình để lại, nó còn nằm trong đời sống người dân Khánh Hòa, khách Tây chưa nhìn thấy bao giờ nên họ mới thích.
Kinh nghiệm làm du lịch nhiều năm của tôi, ở nơi nào bỏ mất văn hóa bản địa, nơi đó số lượng khách ngày càng giảm. Nha Trang đã làm đúng để giữ chân khách một số thị trường, nhưng Nha Trang vẫn còn bị thiên lệch một số thời điểm nhất định. Ví dụ, hiện nay khách Trung Quốc, Hàn Quốc đang mạnh, nếu chỉ tập trung khai thác hai thị trường này, lơ là thị trường khách Âu, Mỹ sẽ không tạo được “kiềng ba chân”. Phải cân đối các dòng khách ở các thị trường trọng điểm là bài toán khôn ngoan nhất, đảm bảo lượng khách quanh năm.
- Hướng dẫn viên du lịch làm cầu nối và chuyển tải những giá trị văn hóa của địa phương cho du khách. Ông đánh giá chất lượng đội ngũ hướng dẫn viên ở Nha Trang như thế nào?
- Người hướng dẫn viên giống như “đại sứ” du lịch, giới thiệu lịch sử, văn hóa, vẻ đẹp... của quê hương đất nước mình với du khách thế giới. Những năm 1985 -1990, tôi đến Nha Trang làm du lịch, người nói tiếng Pháp nhiều, sau đó người nói tiếng Anh, bảng hiệu khắp nơi đều ghi chữ Pháp, chữ Anh. Thời kỳ này, người hướng dẫn viên du lịch tiếng Anh chuyên nghiệp rất hiếm, chúng tôi bắt đầu đi tìm kiếm người biết nói tiếng Anh để huấn luyện, kèm cặp sao cho chuyên nghiệp. Nhờ đó những năm 1990 - 1995, tàu du lịch đến Nha Trang đã có lực lượng hướng dẫn viên hoạt động tốt. Hiện nay, Nha Trang đón cùng một lúc 3 chiếc tàu du lịch với số lượng mấy nghìn khách, xe ô tô, hướng dẫn viên đều đáp ứng được. Các hướng dẫn viên được đào tạo cơ bản tại nhà trường, cần phải tập huấn liên tục. Do đặc thù ngành nghề cường độ đi nhiều, cần có đội ngũ hướng dẫn viên trẻ thay thế. Muốn vậy, chính quyền, cơ sở đào tạo và doanh nghiệp phối hợp đào tạo phục vụ nhiều thị trường khác nhau. Mặt khác, còn chi viện cho các tỉnh lân cận đang thiếu hướng dẫn viên quốc tế nghiêm trọng, tạo nên lực đẩy phát triển du lịch toàn vùng.
Tôi làm du lịch ở Nha Trang hơn 40 năm nay, chưa thấy khách chê những người chạy xích lô nói tiếng Anh dở, chỉ thấy khen. Khách Tây thấy xe bán bánh mì bên đường lạ quá; rồi mới sáng sớm thấy cả gia đình ngồi trên chiếc xe máy đưa con đi học và cha mẹ đi làm luôn... Tất cả những hình ảnh này được những người chạy xích lô giải thích theo ngôn ngữ thường dân, thế nhưng du khách vẫn cảm nhận được nét văn hóa, đời sống người dân Nha Trang một cách đơn giản, nhẹ nhàng, thanh bình.
- Xin cảm ơn ông!
HẢI LUẬN (Thực hiện)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin