Nằm trong khuôn viên Viện Pasteur Nha Trang, Bảo tàng Alexandre Yersin (gọi tắt là Bảo tàng A.Yersin) là nơi lưu giữ nhiều hiện vật, hình ảnh quý giá về cuộc đời và sự nghiệp của bác sĩ A.Yersin - người đã có hơn 50 năm sống ở Nha Trang - Khánh Hòa. Du khách quốc tế đến tham quan không khỏi ngạc nhiên về giá trị của bảo tàng…
Nằm trong khuôn viên Viện Pasteur Nha Trang, Bảo tàng Alexandre Yersin (gọi tắt là Bảo tàng A.Yersin) là nơi lưu giữ nhiều hiện vật, hình ảnh quý giá về cuộc đời và sự nghiệp của bác sĩ A.Yersin - người đã có hơn 50 năm sống ở Nha Trang - Khánh Hòa. Du khách quốc tế đến tham quan không khỏi ngạc nhiên về giá trị của bảo tàng…
Nơi lưu dấu về bác sĩ A. Yersin
Sáng đầu tuần, trời Nha Trang mưa rả rích, nhưng các du khách người Anh, Pháp, Úc, Hàn Quốc… vẫn đến tham quan Bảo tàng A. Yersin. Họ lặng lẽ tham quan, tìm hiểu về cuộc đời của bác sĩ A. Yersin - người nổi tiếng thế giới khi tìm ra vi trùng gây bệnh dịch hạch và điều chế huyết thanh chữa căn bệnh quái ác này. “Thật ngạc nhiên khi bảo tàng về bác sĩ A. Yersin nằm ngay trung tâm TP. Nha Trang. Đến đây, chúng tôi hiểu hơn về cuộc đời của A. Yersin, thấy được sự đóng góp của ông cho Đông Dương và cho nhân loại”, ông Michel Catherine - du khách người Anh bày tỏ.
Bảo tàng A. Yersin có diện tích trưng bày rất nhỏ, chỉ khoảng 100m2. Nhưng với cách trưng bày khoa học, bảo tàng đã giới thiệu gần như trọn vẹn cuộc đời và sự nghiệp của bác sĩ A. Yersin. Mở đầu với những thông tin về thân thế của Yersin, những lá thư thấm đẫm ân tình mà ông gửi cho mẹ, chị gái… du khách lần theo bước chân của ông qua những miền đất hoang sơ và cả quá trình nghiên cứu khoa học với những thành tựu lớn lao. Du khách bắt gặp những bức ảnh về xóm Cồn những năm cuối thế kỷ XIX khi ông đặt chân đến Nha Trang; mô hình căn nhà Yersin bên bờ biển cùng căn phòng giản dị của ông…
Đến đây, du khách được tận mắt nhìn thấy những trang thiết bị phục vụ cho quá trình nghiên cứu khoa học của nhà bác học Yersin: Đồng hồ Leroy cổ, sách báo, ăng-ten thu phát tín hiệu morse, máy tính, quả địa cầu, kính thiên văn và các dụng cụ thí nghiệm độc đáo khác. Đặc biệt, bảo tàng còn lưu giữ được chiếc kính hiển vi mà bác sĩ Yersin đã tìm ra được vi trùng dịch hạch ở Hong Kong (Trung Quốc) năm 1894, chiếc máy ảnh ông dùng trong những chuyến đi thám hiểm cao nguyên Lang Biang (Lâm Đồng) và các vùng phụ cận… Bảo tàng A. Yersin còn có chị Cao Hoàng Đoan Thục - cán bộ phụ trách kiêm nhân viên hướng dẫn khách tham quan, là người luôn tận tụy với công việc, sẵn sàng trò chuyện với du khách về sự nghiệp của ông Năm Yersin và tình yêu của ông với mảnh đất Nha Trang - Khánh Hòa.
Cần đẩy mạnh truyền thông, quảng bá
Dõi theo những bước chân của du khách quốc tế, chúng tôi thấy ánh mắt của họ không giấu được vẻ ngạc nhiên và sự ngưỡng mộ của họ với A.Yersin. Hầu hết du khách trước khi rời bảo tàng đều dừng lại ghi những dòng lưu niệm, chọn mua những món đồ lưu niệm nhỏ xinh đánh dấu chuyến tham quan bảo tàng. Đó là móc khóa bằng mica có in hình Yersin, bưu ảnh có in hình các tấm hình Yersin từng chụp, những ngòi bút có khắc dòng chữ Bảo tàng A. Yersin… Trước khi rời đi, nhiều du khách còn để lại những dòng lưu bút bày tỏ cảm tưởng. Tôi lần giở Sổ lưu bút của bảo tàng, bắt gặp những dòng bà Shellee - du khách đến từ bang Tasmania (Australia) để lại: “Đến bảo tàng tôi đã có sự khám phá tuyệt vời về sự nghiệp của A.Yersin. Các đồ vật và tài liệu được bảo quản cực kỳ tốt và chú thích hấp dẫn. Cảm ơn bảo tàng đã lưu giữ những hiện vật quý giá này”. Còn ông Aurilie Jehanm đến từ vùng Bretagne (Pháp) bày tỏ: “Bảo tàng rất cảm động, linh hồn bác sĩ Yersin hiện hữu nơi đây. Lòng tôn kính xứng đáng cho một con người phi thường này”…
Từ trước tới nay, Bảo tàng A. Yersin chưa bao giờ là điểm tham quan hút khách du lịch. Theo chị Cao Hoàng Đoan Thục, thời điểm du lịch Khánh Hòa nườm nượp du khách quốc tế thì mỗi tháng bảo tàng cũng chỉ đón khoảng hơn 500 lượt khách tham quan; còn hiện tại mỗi tháng chỉ hơn 300 lượt khách. Đó là con số quá nhỏ nhoi so với những điểm tham quan khác ở Nha Trang. Hội Lữ hành Khánh Hòa đã mở tour “Theo dấu chân A.Yersin”, nhưng không khả quan. Các đơn vị lữ hành ít dẫn khách đến bảo tàng vì đây không phải điểm đến của các tour du lịch kiểu “phổ thông đại chúng”; khuôn viên bảo tàng nhỏ nên chỉ phù hợp với những đoàn khách có số lượng ít hoặc khách lẻ…
Để du khách trong nước và quốc tế biết đến Bảo tàng A. Yersin nhiều hơn, ngành văn hóa, các đơn vị kinh doanh du lịch và mỗi người dân Nha Trang cần đẩy mạnh truyền thông, quảng bá về bảo tàng. Bởi không chỉ là sản phẩm du lịch, Bảo tàng A. Yersin còn minh chứng cho chiều sâu văn hóa của Nha Trang, là lòng biết ơn của người dân xứ Trầm Hương với bác sĩ A.Yersin.
XUÂN THÀNH