Hiện nay, hoạt động du lịch ở nhiều địa phương trong tỉnh có sự phát triển đáng kể cả về số lượng lẫn chất lượng. Tuy nhiên, do phát triển chưa đồng đều, tự phát hoặc manh mún nên đội ngũ quản lý về hoạt động du lịch ở cơ sở còn thiếu và yếu.
Hiện nay, hoạt động du lịch ở nhiều địa phương trong tỉnh có sự phát triển đáng kể cả về số lượng lẫn chất lượng. Tuy nhiên, do phát triển chưa đồng đều, tự phát hoặc manh mún nên đội ngũ quản lý về hoạt động du lịch ở cơ sở còn thiếu và yếu.
Khánh Hòa là một trong số ít các tỉnh, thành phố có hoạt động du lịch phát triển đồng đều ở khắp các khu vực, từ thành thị cho đến nông thôn. Với việc tái lập Sở Du lịch, phần nào đã giải quyết được bài toán về số lượng, chất lượng đối với đội ngũ nhân sự quản lý du lịch ở cấp tỉnh. Tuy nhiên, ở cấp huyện, cấp xã, hầu hết các địa phương có hoạt động du lịch phát triển như: Nha Trang, Cam Ranh, Ninh Hòa, Diên Khánh, Cam Lâm…, đội ngũ làm công tác quản lý đang trong tình trạng thiếu về số lượng, yếu về chuyên môn.
Ông Đinh Văn Cường - Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin TP. Nha Trang cho biết: “Khó khăn lớn nhất của thành phố là nguồn nhân lực làm công tác quản lý nhà nước về du lịch ở cơ sở. Hiện nay, công tác quản lý du lịch ở 27 xã, phường đều do công chức văn hóa - xã hội kiêm nhiệm và chưa được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn. Còn ở thành phố, chỉ có 1 người ở Phòng Văn hóa và Thông tin chuyên trách”. TP. Nha Trang hiện có gần 700 cơ sở lưu trú, gần 22.000 buồng phòng, 35 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, 73 doanh nghiệp lữ hành nội địa, 15 cơ sở kinh doanh dịch vụ vui chơi giải trí, 12 điểm mua sắm, 30 điểm tham quan. Cùng với đó, số lượng khách lưu trú hàng năm chiếm 3/4 lượng khách toàn tỉnh, với tốc độ tăng trưởng hàng năm từ 15 đến 20%. Nếu so với quy mô đó, có thể thấy số lượng nhân sự du lịch của thành phố hoàn toàn không đáp ứng đủ yêu cầu.
Còn theo ông Nguyễn Thành Trung - Phó Chủ tịch UBND TP. Cam Ranh, những năm gần đây, hoạt động du lịch của địa phương đã có những bước phát triển nhất định. Tuy nhiên, một trong những khó khăn đối với hoạt động du lịch của thành phố chính là nguồn nhân lực quản lý yếu về chuyên môn nghiệp vụ, thiếu về số lượng, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của xã hội. Tương tự, các địa phương khác như: thị xã Ninh Hòa, huyện Cam Lâm, Diên Khánh chưa có cán bộ chuyên trách làm công tác quản lý du lịch, hầu hết là kiêm nhiệm. “Nguồn nhân lực quản lý hoạt động du lịch của huyện còn rất hạn chế cả số lượng lẫn chất lượng. Cán bộ phụ trách từ huyện đến các xã, thị trấn đều kiêm nhiệm công tác tham mưu quản lý nhà nước về lĩnh vực du lịch. Số cán bộ này chỉ được bồi dưỡng về nghiệp vụ du lịch với thời gian ngắn, từ 1 đến 2 ngày nên hiệu quả trong lĩnh vực tham mưu chưa sâu”, bà Nguyễn Thị Kim Hương - Phó Chủ tịch UBND huyện Diên Khánh cho biết.
Trong buổi làm việc với đoàn giám sát của HĐND tỉnh về công tác quản lý nhà nước trong hoạt động du lịch gần đây đồng chí Trần Sơn Hải - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho rằng, nhân sự quản lý du lịch ở các địa phương đúng là lâu nay vẫn còn thiếu sự quan tâm cần thiết. Chính vì thế, hoạt động đa số dưới hình thức kiêm nhiệm, trình độ chuyên môn hạn chế. Về lâu dài, trong chương trình phát triển nguồn nhân lực du lịch của tỉnh, cần đưa ra được những giải pháp cụ thể để đáp ứng đủ nhu cầu cần thiết về số lượng, đặc biệt là nâng cao trình độ, chất lượng chuyên môn nghiệp vụ quản lý du lịch của đội ngũ những người làm công tác quản lý du lịch ở các địa phương. Trước mắt, Sở Du lịch cần thực hiện việc liên kết, hợp tác để mở các lớp đào tạo ngắn hạn, lớp tập huấn chuyên đề những nội dung liên quan đến công tác quản lý du lịch cho đội ngũ quản lý ở các địa phương.
Liên quan đến vấn đề này, trong cuộc họp sơ kết 6 tháng đầu năm của Ban chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh, ông Trần Việt Trung - Giám đốc Sở Du lịch đã đề nghị UBND tỉnh đồng ý chủ trương, cho phép sở triển khai hợp tác mở các lớp học ngoại ngữ ngắn hạn cho cán bộ làm công tác quản lý du lịch các cấp.
Thực tế lâu nay, ngành Du lịch chỉ chăm lo đến lao động trực tiếp trong các cơ sở, doanh nghiệp du lịch, còn nhân sự quản lý nhà nước về lĩnh vực du lịch vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Hy vọng rằng, với việc xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, thời gian tới, vấn đề này sẽ có những chuyển biến rõ nét hơn.
N.T