Tuy đã có lệnh cấm hoạt động gần 1 năm nay, nhưng các bè nổi trên vịnh Nha Trang và Cam Ranh vẫn đón khách du lịch và tổ chức hoạt động ăn uống.
Tuy đã có lệnh cấm hoạt động gần 1 năm nay, nhưng các bè nổi trên vịnh Nha Trang và Cam Ranh vẫn đón khách du lịch và tổ chức hoạt động ăn uống. Không chỉ chủ bè mà cả du khách cũng cho rằng, chính quyền cần tạo điều kiện thuận lợi để các bè tiếp tục hoạt động, dựa trên sự quản lý, giám sát chặt chẽ của Nhà nước.
Có giảm nhưng không đáng kể
Trong 2 ngày 29 và 30-8, ông Lê Xuân Thân - Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Khánh Hòa cùng đoàn công tác đã đi khảo sát thực tế các bè nổi hoạt động trái phép tại TP. Nha Trang và Cam Ranh.
Theo số liệu thống kê, tính đến tháng 9-2016, trên địa bàn tỉnh có 49 bè nổi hoạt động trái phép. Trong đó, vịnh Nha Trang 14 bè, Cam Ranh 29 bè, Ninh Hòa 6 bè. Ngày 14-10-2016, UBND tỉnh có thông báo số 558 yêu cầu các địa phương rà soát, cấm tất cả các bè nổi không đủ điều kiện hoạt động. Thế nhưng đến nay, sau gần 1 năm ra lệnh cấm, các bè nổi này vẫn hoạt động bình thường.
Bà Đào Thị Hồng - chủ một bè nổi tại Bình Hưng cho biết, bè của gia đình bà hoạt động từ năm 2010. Nhà bè tổ chức đón khách lên ăn uống hải sản tươi sống và tổ chức một số hoạt động vui chơi. “Gia đình tôi hiện nay có 3 bè nổi, đầu tư đến nay khoảng hơn 3 tỷ đồng. Tôi dự kiến trong thời gian tới sẽ đóng thêm 1 bè nữa. Cuối năm 2016, tuy biết có lệnh cấm của thành phố nhưng gia đình vẫn đón khách bình thường. Bè nhà tôi không có đăng ký, đăng kiểm gì, cũng không đóng thuế hay có giấy phép kinh doanh. Tôi nghĩ bè rất an toàn, khách lên ăn uống rất yên tâm không như bè ở Vĩnh Hy (tỉnh Ninh Thuận). Hiện nay, mỗi ngày 3 bè nổi của gia đình đón khoảng hơn 1.000 khách. Cơ quan chức năng có đến phạt, nhưng chỉ phạt tàu thuyền không có đăng kiểm chứ không phạt bè nổi”, bà Hồng nói.
Còn tại vịnh Nha Trang, hiện nay, chỉ còn 9 bè nổi hoạt động tại khu vực đảo Trí Nguyên và khu vực Vũng Ngán. Theo các chủ bè, kết cấu của bè vững chắc, lại nằm trong vùng kín gió nên khá an toàn. Ông Hồ Ngọc Đáng, chủ bè tại đảo Trí Nguyên cho rằng, bè nổi của gia đình hoạt động đã hơn 5 năm nay, chưa khi nào xảy ra tai nạn từ bè nổi. Các bè được kết bằng thùng phuy, nếu phuy nào hỏng, vào nước thì dễ dàng thay thế, còn làm bằng vật liệu composite khi nước vào hư hỏng không thể biết và nguyên khối càng nguy hiểm hơn. Trong khi đó, các bè làm bằng composite rất đắt, người dân không có đủ điều kiện để làm.
Như vậy, sau gần 1 năm lệnh cấm được ban hành, toàn tỉnh mới chỉ giảm được 5 bè tại vịnh Nha Trang. Theo ghi nhận của chúng tôi, trong 2 ngày 29 và 30-8, các bè nổi vẫn đón khách bình thường. Các chủ bè đều biết chủ trương cấm hoạt động nhưng hầu hết không chấp hành. Nhiều bè nổi có phương tiện như cano và thuyền nhỏ để đón khách. Tuy nhiên, các vật nổi và phao cứu sinh chưa được trang bị đầy đủ.
Tạo điều kiện cho du lịch phát triển
Tìm hiểu được biết, nguyện vọng của những chủ bè là tiếp tục được hoạt động. Thậm chí họ cho rằng, bè làm truyền thống còn chắc chắn hơn làm theo quy chuẩn nhà nước. “Tôi đã ra Nha Trang để đặt bè composite nhưng nhận thấy kết cấu nguyên khối như vậy rất nguy hiểm, khi bị thủng là có thể chìm nên tôi đã hủy hợp đồng. Không chỉ vậy, bè composite rất nhẹ, bập bềnh và không an toàn. Tôi mong chính quyền có hướng dẫn cho chúng tôi để đảm bảo an toàn, thiếu thứ gì gia đình sẵn sàng đáp ứng”, một chủ bè tại Cam Ranh nói.
Trung tuần tháng 6, đội công tác liên ngành của Ban quản lý vịnh Nha Trang đã tổ chức kiểm tra, xử phạt hành chính đối với 4 bè nổi phục vụ dịch vụ ăn uống và xử phạt hành chính đối với thuyền trưởng của 3 phương tiện thủy nội địa cố tình vận chuyển khách du lịch lên bè nổi về hành vi neo đậu phương tiện để đón trả khách ở nơi không phải vùng nước của cảng, bến thủy nội địa. Đội đã trình UBND TP. Nha Trang ra quyết định xử phạt đối với 7 trường hợp trên với số tiền hơn 31 triệu đồng. |
Theo ông Nguyễn Lê Đình Trị - Chủ tịch HĐND TP. Nha Trang, thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, thành phố đã ra lệnh đình chỉ các bè nổi hoạt động, nhưng vẫn chưa thể giải quyết triệt để. “Tuy đã cấm hoạt động nhưng việc này khá đột ngột khiến cho các chủ bè thiệt hại ít nhiều. Quan điểm của tôi, các cơ quan quản lý nhà nước nên xem xét, nếu các bè này kết cấu không an toàn ở chỗ nào thì sớm thẩm định, hướng dẫn bổ sung khắc phục để tạo điều kiện cho người dân tiếp tục kinh doanh. Thực tế, loại hình kinh doanh này rất thu hút khách du lịch. Mong thời gian tới, tỉnh sớm có giải pháp khẩn trương giúp người dân ổn định, thu hồi lại số vốn đã bỏ ra”, ông Trị nêu quan điểm.
Ông Lê Xuân Thân đánh giá: Qua 2 ngày đi khảo sát tại các khu vực có lồng bè phục vụ khách du lịch cho thấy, thực tế này tồn tại đã nhiều năm và đây cũng là nguyện vọng chính đáng của người dân và du khách. Đến với Nha Trang, Khánh Hòa, du khách rất thích ra các bè nổi ăn hải sản tươi sống. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ công tác quản lý nhà nước còn thả nổi, chưa có biện pháp nào cụ thể; không thể để tình trạng cái gì quản không được thì cấm. Các ngành chức năng cần tham mưu cho UBND tỉnh về các vấn đề bảo đảm lồng bè như thế nào cho vững chắc, không bị tai nạn, không bị lật, kết cấu của lồng bè thế nào, ai và cơ quan nào cấp phép, kiểm định… Các nội dung này hiện nay chưa rõ ràng. Hoặc như vấn đề thu thuế sẽ thực hiện ra sao, giấy phép kinh doanh, an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống cháy nổ quy định như thế nào đối với loại hình kinh doanh này? “Qua đợt kiểm tra này, đoàn sẽ nêu lên tiếng nói của cử tri đối với cơ quan quản lý nhà nước để đề ra các quy định, biện pháp quản lý nhằm tạo điều kiện thuận lợi, an toàn cho du lịch phát triển mạnh mẽ và hấp dẫn hơn. Các quy định cũng cần bám sát yêu cầu thực tế của người dân, không thể đặt một quy chuẩn mà không ai thực hiện được, như vậy là phi thực tế”, ông Lê Xuân Thân nói.
THÀNH NAM