Nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống Báo Khánh Hòa (26-4-1947 - 26-4-2017) và Hội thảo báo Đảng khu vực miền Trung - Tây Nguyên với chủ đề "Truyền thông và Du lịch" diễn ra tại TP. Nha Trang vào ngày 27-4, do Báo Khánh Hòa đăng cai tổ chức...
Nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống Báo Khánh Hòa (26-4-1947 - 26-4-2017) và Hội thảo báo Đảng khu vực miền Trung - Tây Nguyên với chủ đề “Truyền thông và Du lịch” diễn ra tại TP. Nha Trang vào ngày 27-4, do Báo Khánh Hòa đăng cai tổ chức, ông Trần Sơn Hải - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa trả lời phỏng vấn Báo Khánh Hòa về một số nội dung liên quan đến chủ đề hội thảo.
- Ông đánh giá thế nào về vai trò của truyền thông, báo chí đối với hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch của địa phương trong thời gian qua?
- Năm 2016, ngành Du lịch Khánh Hòa tiếp tục đạt được nhiều thành quả vượt trội. Doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 12.998 tỷ đồng, tăng 16,43% so với năm 2015; khách lưu trú đạt trên 4,5 triệu lượt, tăng 12%, trong đó có trên 1,15 triệu lượt khách quốc tế, tăng 21,04%. 3 tháng đầu năm, ngành Du lịch tiếp tục đón hơn 1,1 triệu lượt khách lưu trú, tăng 26,5% so với cùng kỳ, trong đó khách quốc tế đạt hơn 500.000 lượt, tăng 84,7% so với cùng kỳ.
Có được kết quả trên, ngoài sự cố gắng của toàn ngành, còn có sự đóng góp quan trọng của các cơ quan truyền thông, báo chí trong việc định hướng, tư vấn, phản biện cho quá trình xây dựng, phát triển ngành Du lịch tỉnh, cũng như hỗ trợ công tác quảng bá, giới thiệu tiềm năng du lịch Khánh Hòa đến với doanh nghiệp và khách du lịch trong và ngoài nước. Có thể nói, hệ thống truyền thông, báo chí với thông tin đa dạng, nhiều chiều, cần thiết cho từng đối tượng sử dụng thông tin du lịch, đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp thông tin phục vụ ngành Du lịch.
- Những năm qua, tỉnh đã có những chính sách như thế nào để khuyến khích, thúc đẩy công tác truyền thông, giới thiệu hình ảnh du lịch của tỉnh trên các phương tiện truyền thông đại chúng, thưa đồng chí?
- Hàng năm, tỉnh Khánh Hòa đều dành một khoản kinh phí hỗ trợ nhuận bút cho các bài viết về du lịch trên địa bàn tỉnh. Việc xét hỗ trợ các bài viết về du lịch được tổ chức 2 lần/năm, định kỳ vào dịp giữa năm và cuối năm. Các bài viết đạt yêu cầu sẽ được hỗ trợ phần kinh phí theo quy định. Tỉnh cũng tạo điều kiện cho các phóng viên, báo chí trong nước và ngoài nước đến khảo sát, thu thập thông tin cần thiết, phục vụ các bài viết về du lịch Nha Trang - Khánh Hòa để đăng trên các báo, tạp chí uy tín trong nước và quốc tế. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để Sở Du lịch phối hợp với các đài truyền hình trong nước thực hiện các chuyên đề du lịch trên các kênh sóng; thực hiện VCD du lịch Nha Trang - Khánh Hòa bằng tiếng Việt và tiếng Anh với thời lượng 10 phút, nhằm giới thiệu, quảng bá hình ảnh du lịch Khánh Hòa.
- Ông có thể chia sẻ thêm với bạn đọc Báo Khánh Hòa về công tác quảng bá du lịch Nha Trang - Khánh Hòa trong thời gian qua, cũng như định hướng trong thời gian tới?
- Trong những năm qua, UBND tỉnh rất chú trọng đến công tác xúc tiến, quảng bá du lịch với nhiều việc làm cụ thể nhằm mở rộng thị trường khách quốc tế như: chú trọng việc sử dụng thương hiệu và sản phẩm du lịch để giới thiệu điểm đến; tổ chức các buổi Roadshow quảng bá du lịch tại các thị trường khách quốc tế trọng điểm của Khánh Hòa; tổ chức mời, đón các đoàn Famtrip, Fresstrip từ: Nga, Kazakhstan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Indonesia… đến khảo sát, trải nghiệm sản phẩm, dịch vụ du lịch Nha Trang - Khánh Hòa. Bên cạnh đó, tiếp tục duy trì phát hành các ấn phẩm du lịch với 6 thứ tiếng: Việt, Anh, Nga, Hàn, Nhật, Trung; thường xuyên cập nhật, cung cấp thông tin cần thiết cho khách du lịch trên website nhatrang-travel.com với 7 thứ tiếng, cung cấp thông tin tại các trạm thông tin du lịch, phát huy vai trò của Trung tâm Hỗ trợ khách du lịch… Với các hoạt động trên, trong thời gian qua, hình ảnh vùng đất, con người Khánh Hòa nói chung và du lịch Khánh Hòa nói riêng đã được quảng bá rộng rãi khắp các thị trường trong nước và quốc tế.
Thời gian tới, để thúc đẩy hiệu quả công tác truyền thông du lịch, cũng như để hoạt động tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch đạt hiệu quả cao, ngoài việc tham gia các sự kiện văn hóa, quảng bá du lịch trong và ngoài tỉnh, tăng cường cung cấp thông tin hỗ trợ khách du lịch, tỉnh Khánh Hòa sẽ xây dựng kế hoạch phát triển thương hiệu du lịch Nha Trang - Khánh Hòa. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, thông qua mạng xã hội để tăng cường quảng bá, giới thiệu hình ảnh, thông tin điểm đến du lịch Nha Trang - Khánh Hòa. Trước mắt, trong năm 2017, thông qua các hoạt động như: Festival Biển 2017, cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam, đua thuyền buồm Hồng Kông - Nha Trang, sự kiện đón khách du lịch thứ 5 triệu… tỉnh sẽ quảng bá, giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ du lịch Nha Trang - Khánh Hòa đến du khách trong và ngoài nước để thu hút khách du lịch, nhất là một số thị trường đang có chiều hướng giảm sút. Vì vậy, hơn bao giờ hết chúng tôi luôn mong muốn các cơ quan báo chí truyền thông tiếp tục hỗ trợ, đồng hành cùng ngành Du lịch.
- Ông đánh giá như thế nào về sự liên kết, kết nối hoạt động du lịch của Khánh Hòa với các địa phương khác trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên?
- Với lợi thế về vị trí, mạng lưới giao thông đường bộ, đường thủy và đường hàng không cũng như tài nguyên du lịch đa dạng, phong phú, Khánh Hòa đang trở thành cầu nối gắn kết vùng duyên hải miền Trung và Tây Nguyên thông qua “Con đường di sản miền Trung” , “Con đường xanh Tây Nguyên”. Thời gian gần đây, thông qua các chương trình liên kết, các doanh nghiệp lữ hành đã xây dựng và thực hiện nhiều tour du lịch kết nối hai vùng. Các tour thường là kết hợp du lịch biển đảo với sinh thái núi rừng Tây Nguyên. Ở Khánh Hòa, ngành Du lịch đã có các chương trình nhằm tăng cường liên kết du lịch với vùng Tây Nguyên như: phối hợp đưa khách du lịch đến tham quan nghỉ dưỡng tại Lâm Đồng, Đắk Lắk; tổ chức những hoạt động văn hóa du lịch tại Lâm Đồng, chia sẻ lượng khách quốc tế từ Khánh Hòa đến các địa phương trong khu vực; hỗ trợ kinh nghiệm trong công tác quản lý nhà nước.
Tuy nhiên, việc hợp tác gắn kết du lịch vẫn còn tồn tại một số hạn chế. Tính liên kết trong xây dựng sản phẩm du lịch chưa rõ nét, các tour liên kết chưa được khai thác hiệu quả. Vì thế, việc liên kết giữa các tỉnh, vùng để phát triển, tạo ra những sản phẩm liên vùng đa dạng, hấp dẫn là điều tất yếu để khai thác hết tiềm năng du lịch của các tỉnh. Cùng với sự nỗ lực của ngành Du lịch, để sự liên kết hoạt động du lịch của Khánh Hòa với các địa phương khác trong khu vực đạt hiệu quả cao, cần có sự quan tâm của các cấp lãnh đạo từ Trung ương đến địa phương với một định hướng chiến lược cụ thể, một cơ chế thông thoáng, chính sách phù hợp và có một “nhạc trưởng điều hành” để điều phối các mối quan hệ trong liên kết. Hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ của từng địa phương khớp nối với hệ thống giao thông liên tỉnh và quốc tế. Nâng cao chất lượng dịch vụ và đa dạng hóa các loại hình sản phẩm du lịch của mỗi địa phương... là một trong những biện pháp căn bản để các địa phương gắn kết du lịch với nhau, cùng nhau xây dựng thương hiệu đặc trưng cho du lịch miền Trung - Tây Nguyên. Tôi mong, trong tương lai, du lịch Khánh Hòa, du lịch khu vực miền Trung - Tây Nguyên sẽ có thêm những sản phẩm du lịch đặc sắc, từ đó thúc đẩy phát triển du lịch trong vùng và góp phần thúc đẩy các ngành dịch vụ khác phát triển.
- Xin cảm ơn ông!
Nhân Tâm (Thực hiện)