11:08, 20/08/2013

Sa Pa thị trấn trong mây

Sa Pa là một địa chỉ du lịch nổi tiếng của cả nước. Nơi đây có khí hậu mang sắc thái ôn đới và cận nhiệt đới. Đến Sa Pa, bạn có thể cảm nhận được nhiều điều kỳ diệu của tự nhiên, với sương mờ giăng giăng và những thửa ruộng bậc thang đẹp như tranh.

Sa Pa là một địa chỉ du lịch nổi tiếng của cả nước. Nơi đây có khí hậu mang sắc thái ôn đới và cận nhiệt đới. Đến Sa Pa, bạn có thể cảm nhận được nhiều điều kỳ diệu của tự nhiên, với sương mờ giăng giăng và những thửa ruộng bậc thang đẹp như tranh.


Nằm ở phía Tây Bắc của Việt Nam, thị trấn Sa Pa ở độ cao 1.600m so với mực nước biển, cách TP. Lào Cai 38km và cách Hà Nội 376km. Sa Pa có khí hậu mát mẻ quanh năm. Thời tiết ở thị trấn, một ngày có đủ bốn mùa: buổi sáng là tiết trời mùa xuân; buổi trưa tiết trời như vào hạ, thường có nắng nhẹ, khí hậu dịu mát; buổi chiều có mây, tạo cảm giác lành lạnh như trời thu; ban đêm là cái rét của mùa đông. Nhiệt độ không khí trung bình năm của Sa Pa là 15°C. Mùa hè, thị trấn không phải chịu cái nắng gay gắt như vùng đồng bằng ven biển, khoảng 13°C - 15°C vào ban đêm và 20°C - 25°C vào ban ngày. Mùa đông thường có mây mù bao phủ và lạnh, nhiệt độ có khi xuống dưới 0°C, đôi khi có tuyết rơi. Thị trấn Sa Pa là một trong những nơi hiếm hoi của Việt Nam có tuyết. Trong khoảng thời gian từ năm 1971 tới 2011, 15 lần tuyết rơi tại Sa Pa. Không ít du khách rất thích đến Sa Pa vào mùa đông để ngắm tuyết.


Không chỉ có vậy, đến Sa Pa, du khách còn được chiêm ngưỡng quần thể ruộng bậc thang, bãi chạm khắc đá cổ và vườn quốc gia Hoàng Liên. Chính vì vậy, khi giới thiệu về Sa Pa, Tạp chí Travel and Leisure của Mỹ viết: “Với cảnh quan tuyệt vời trông giống như chiếc thang leo lên bầu trời của những thửa ruộng bậc thang, Sa Pa đã trở thành một trong những điểm thu hút du khách của Việt Nam”. Tạp chí này đã đưa Sa Pa vào danh sách 1 trong 7 khu ruộng bậc thang đẹp, kỳ vỹ nhất châu Á và thế giới. Hệ thống ruộng bậc thang ở Sa Pa là sản phẩm tri thức dân gian của người Mông, người Dao, khác với ruộng bậc thang của người Hà Nhì ở Vân Nam, Trung Quốc, hay ở Phillipines vì mỗi dân tộc có cách canh tác và khai thác khác nhau.

 

 Ruộng bậc thang ở Sa Pa. Ảnh: Internet.
Ruộng bậc thang ở Sa Pa. Ảnh: Internet.


Vào bất kỳ thời điểm nào trong năm, Sa Pa đều đẹp và lãng mạn. Vẻ đẹp ấy cùng nét duyên của thị tứ vùng cao thanh bình bảng lảng trong mây, trong sương giúp cuốn trôi mọi mệt mỏi, lo âu của du khách. Đó cũng là lý do, nơi đây được xem như “thiên đường nghỉ dưỡng”. Từ tháng 9 đến tháng 11 là quãng thời gian phong cảnh Sa Pa vào độ đẹp nhất. Tiết trời dễ chịu, thiên nhiên và con người hòa như vào nhau, đẹp tựa bức tranh thủy mặc... Phan Si Păng là ngọn núi cao nhất của bán đảo Đông Dương (3.143m), nằm ở trung tâm dãy Hoàng Liên Sơn. Tuy chỉ cách thị trấn Sa Pa 9km về phía Tây Nam, nhưng nếu đi bộ, leo núi, bạn phải mất 6 - 7 ngày mới chinh phục được đỉnh núi này. Trên đường lên đỉnh núi, du khách sẽ được khám phá hệ động thực vật và thiên nhiên kỳ thú của dãy Hoàng Liên. Núi Hàm Rồng nằm ngay sát ngay thị trấn Sa Pa, cách 3km, du khách có thể đi bộ đến đó. Đứng trên đỉnh núi Hàm Rồng, bạn được ngắm toàn cảnh Sa Pa, thung lũng Mường Hoa, Sa Pả, Tả Phìn ẩn hiện trong sương khói. Hiện nay, với bàn tay tôn tạo của con người, Hàm Rồng thực sự là một thắng cảnh đầy hoa trái của Sa Pa. Lên Hàm Rồng, du khách như lạc vào vườn tiên, mây ùa kín thân người, hoa rực rỡ mặt đất. Tọa lạc ngay trung tâm thị trấn Sa Pa, nhà thờ Đá Sa Pa được xây dựng từ năm 1895 được coi là một dấu ấn kiến trúc cổ toàn vẹn nhất của người Pháp còn sót lại. Nhà thờ đã được tôn tạo và bảo tồn, trở thành một hình ảnh không thể thiếu khi nhắc đến thị trấn Sa Pa mù sương.


Đến Sa Pa, du khách sẽ thích thú khi thăm các bản làng của người dân tộc thiểu số. Đó là bản Cát Cát, nơi lưu giữ nhiều nghề thủ công truyền thống như: Trồng bông, lanh, dệt vải; bản Tả Phìn với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp và những nét văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc của người Dao Đỏ với nghề thổ cẩm nổi tiếng. Trong hang có nhiều nhũ đá tạo nên những hình thù kỳ thú như: Hình tiên múa, đoàn tiên ngồi, cánh đồng xa, rừng cây lấp lánh... Ngoài ra, còn rất nhiều bản làng của đồng bào dân tộc thiểu số để bạn ghé thăm khi du lịch Sa Pa như: Bản Tả Van của đồng bào người Mông, Giáy, Tày, Dao đỏ...; bản Hồ của đồng bào Tày; bản Hồ của người Xá Phó... Mới đây, Sa Pa đã đưa Ma Tra vào danh sách điểm du lịch mới. Thôn Ma Tra thuộc khu vực hạ huyện Sa Pa, cách thị trấn Sa Pa về phía Đông Nam khoảng 5km có gần 50 nóc nhà, 100% là đồng bào Mông sinh sống. Sau khi thành điểm du lịch mới, chính quyền địa phương đã giúp đồng bào Ma Tra phát huy bản sắc dân tộc, tiếp thu văn hóa đặc sắc. Nhiều làng nghề truyền thống trong thôn được khôi phục như: Lanh, dệt cửi, rèn công cụ sản xuất và chạm khắc bạc. Đồng thời, để đảm bảo điều kiện thuận lợi cho du khách đến tham quan, UBND huyện Sa Pa cũng giao cho các cơ quan chức năng bảo vệ tài nguyên du lịch; đảm bảo sự tham gia của cộng đồng dân cư vào các hoạt động du lịch; quản lý việc đầu tư, xây dựng các cơ sở du lịch dịch vụ theo quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Lào Cai.


Từ thị trấn Sa Pa, đi về phía Tây khoảng 12km trên đường đi Lai Châu, ta sẽ gặp Thác Bạc ào ào chảy xuống từ độ cao trên 200m vào dòng suối dưới thung lũng Ô Quy Hồ, tạo nên âm thanh núi rừng đầy ấn tượng. Ra khỏi thị trấn Sa Pa, đi theo hướng Bắc khoảng 18km, có đường lên cổng trời ngoằn ngoèo uốn lượn giữa lưng chừng núi trùng trùng điệp điệp. Con đường đèo này có tên là Trạm Tôn, len lỏi giữa dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ. Và cổng trời chính là đỉnh của con đèo này. Đứng giữa cổng trời Sa Pa, bạn có thể phóng tầm mắt bao quát cả thung lũng rộng lớn phía dưới với những ruộng nương xanh rì, con đường ô tô xuôi ngược, xa xa là Thác Bạc.


KIM NGÂN (Tổng hợp)