11:07, 06/07/2018

Bánh quai vạc của mẹ ngày xưa

Hồi đó, nhà nghèo nên bữa cơm nào mẹ tôi cũng phải độn thêm sắn lát khô. Cứ đến mùa sắn, mẹ lại mua rất nhiều để dành. Những khi đó, cả nhà phải thức rất khuya để chế biến sắn: ngoài việc xắt lát phơi khô, một phần sắn được mài thành bột, làm các món ăn khác để đổi món như: bánh tráng, bánh ít, bánh chuối…

Hồi đó, nhà nghèo nên bữa cơm nào mẹ tôi cũng phải độn thêm sắn lát khô. Cứ đến mùa sắn, mẹ lại mua rất nhiều để dành. Những khi đó, cả nhà phải thức rất khuya để chế biến sắn: ngoài việc xắt lát phơi khô, một phần sắn được mài thành bột, làm các món ăn khác để đổi món như: bánh tráng, bánh ít, bánh chuối…

 

Ảnh: Internet.

Ảnh: Internet.


Một ngày Chủ nhật, mẹ nói: “Hôm nay nhà mình sẽ ăn bánh quai vạc”. Dù chẳng biết thứ bánh ấy hình thù ra sao, nhưng tất cả chúng tôi đều rất vui. Bởi cả nhà sẽ có một bữa không phải ăn cơm chỉ vài hạt gạo với toàn là sắn lát khô.


Làm bánh quai vạc mất công hơn các loại bánh sắn khác vì phải dùng bột sắn tinh. Bột sắn tinh phải chế biến khá công phu, qua nhiều công đoạn như: ngâm, mài, để lắng, rồi chắt lọc bột tinh… Cũng bởi chế biến khó khăn và quan trọng là “tốn” nhiều sắn nên mẹ chỉ làm một ít để dành dùng vào những dịp đặc biệt như có khách hoặc lễ, Tết…


Việc đầu tiên mẹ làm là chuẩn bị bột áo. Mẹ cho bột ra thố, đổ nước sôi từ từ vào bột, quậy đều đến khi thấy bột se lại thì bắt đầu nhồi thật đều cho bột mịn và dẻo. Sau đó, mẹ ngắt bột thành từng viên nhỏ, vo viên rồi dùng cán cán cục bột thành lớp áo mỏng hình tròn, không mỏng quá vì khi luộc dễ bị lòi nhân, cũng không dày quá, luộc lâu chín, ăn mau ngán. Tiếp đó, mẹ cho nhân - chỉ đơn giản là củ sắn nước (củ đậu) xắt nhỏ hình hạt lựu xào với hành mỡ - vào giữa miếng bột, rồi gấp 2 mép miếng bột, viền lại, nhún xung quanh thành hình cái quai vạc. Vì thế bánh có tên là quai vạc - mẹ giải thích.


Công đoạn cuối cùng là luộc bánh. Mỗi mẻ, mẹ chỉ luộc 7, 8 cái. Mẹ bảo không để lửa to quá. Khi bánh chuyển sang màu trắng trong, nổi lên bề mặt là chín. Mẹ vớt từng cái bánh ra, trên mỗi cái bánh mẹ thoa một lớp hành xào thơm phức. Nước chấm cho bánh quai vạc cũng khác nước chấm thường: ngọt và sánh. Bánh ngon cách mấy mà nước chấm dở cũng không đạt yêu cầu. 

 
Đến tận bây giờ, tôi vẫn nhớ cảm giác thích thú khi lần đầu tiên cắn từng miếng bánh dai dai, dẻo dẻo ấy. Những miếng nhân củ đậu vỡ ra, sần sật trong miệng, hòa quyện với vị cay và ngọt của nước chấm, ngon không thể tả.

 
Thời gian trôi qua. Dù được ăn không biết bao lần món bánh quai vạc với đầy đủ nhân tôm, thịt, đậu xanh, nấm mèo…, nhưng với chúng tôi, chẳng có thứ bánh nào ngon như món bánh quai vạc chay mẹ nấu ngày xưa ấy…


Giao Thủy