11:05, 18/05/2020

Sự thật về cà phê có thể bạn chưa biết

Caffeine trong cà phê có thể gây nguy hiểm cho những người mắc bệnh đái tháo đường vì khả năng làm tăng lượng đường trong máu.

Caffeine trong cà phê có thể gây nguy hiểm cho những người mắc bệnh đái tháo đường vì khả năng làm tăng lượng đường trong máu.

 

Bạn nên duy trì thói quen uống cà phê ngay cả trong những ngày nghỉ ở nhà
Bạn nên duy trì thói quen uống cà phê ngay cả trong những ngày nghỉ ở nhà

 

Caffeine làm tăng khả năng biến chứng bệnh tiểu đường
 
Các nhà khoa học ngày càng nhận được nhiều dữ liệu cho thấy, những người mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2 nhạy cảm với caffeine có sự gia tăng nồng độ đường trong máu khi đáp ứng với cà phê. Caffeine có trong cà phê làm giảm độ nhạy cảm của cơ thể với insulin, có thể gây nguy hiểm cho những người mắc bệnh tiểu đường. Việc giảm độ nhạy cảm với insulin sẽ phá vỡ các quá trình hấp thụ glucose của tế bào và kết quả là hàm lượng đường trong máu tăng lên, theo thời gian có thể làm tăng khả năng biến chứng bệnh tiểu đường, bao gồm tổn thương thần kinh hoặc bệnh tim, hoặc thận…
 
Caffeine có thể hạn chế tăng cân
 
Theo một nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học Đại học Illinois (Mỹ) cho biết, caffeine có thể chống lại sự tăng cân do chế độ ăn nhiều chất béo và đường. Các nhà khoa học đã cho chuột ăn chế độ ăn nhiều chất béo, nhiều đường trong 28 ngày. Cùng thời gian này, các nhà khoa học đã cho một nhóm chuột uống đồ uống đã khử caffeine và một nhóm dùng đồ uống có caffeine. Lượng caffeine tương đương với lượng mà con người dùng khi uống 4 tách cà phê mỗi ngày.
 
Sau 28 ngày, những con chuột tiêu thụ chiết xuất caffeine tăng trọng lượng ít hơn 16% và chất béo cơ thể ít hơn 22% so với những con chuột không dùng caffeine. Các tác dụng chống béo phì là tương tự ở những con chuột tiêu thụ caffeine tổng hợp hoặc caffeine chiết xuất từ cà phê. Kết quả của nghiên cứu này cho thấy vai trò của caffeine trong việc ngăn ngừa thừa cân và béo phì cũng như các rối loạn chuyển hóa.
 
Cà phê chống trầm cảm
 
Nghiên cứu mới từ Đại học Harvard (Mỹ) khuyên bạn hãy duy trì thói quen uống cà phê ngay cả trong những ngày nghỉ ở nhà: nó có thể giúp đẩy lùi những vấn đề tâm lý. Nghiên cứu cũng phân tích nhiều người gặp rắc rối về mặt tinh thần trong đại dịch Covid-19, vì sự giãn cách xã hội kéo dài ở nhiều quốc gia gây ra một đợt khủng hoảng về sức khỏe tâm thần.
 
Những người uống ít nhất 2 ly cà phê hàng ngày giảm được đến 1/3 nguy cơ phát triển cơn trầm cảm trong giai đoạn căng thẳng vì đại dịch này. Hiệu quả này chắc chắn kéo dài trong cuộc đời bạn, giúp giảm căng thẳng nếu cố gắng duy trì thói quen tốt. Theo nhóm nghiên cứu, tác dụng này đến từ các đặc tính kháng viêm, chống oxy hóa và tác động tích cực đến các vi sinh vật có lợi trong đường tiêu hóa. 
 
Lưu ý khi uống cà phê 
 
Thêm sữa ít béo và không dùng kem. Tránh cho đường vào cà phê của bạn. Hãy chọn cà phê đã lọc nếu bạn có lượng cholesterol cao. Cà phê không lọc giữ lại các hợp chất được gọi là cafestol và kahweol, có thể góp phần làm tăng lượng cholesterol ở một số người. Nếu bạn khó ngủ, tốt nhất nên tránh cà phê và tất cả các đồ uống chứa caffeine vào buổi tối hoặc trước khi đi ngủ.
 
Theo An ninh Thủ đô