Khoảng 15,3% phụ nữ và 10,1% nam giới thường cảm thấy rất mệt mỏi hoặc kiệt sức. Đa số lại cảm thấy mệt mỏi vào một số thời điểm trong cuộc sống.
Khoảng 15,3% phụ nữ và 10,1% nam giới thường cảm thấy rất mệt mỏi hoặc kiệt sức. Đa số lại cảm thấy mệt mỏi vào một số thời điểm trong cuộc sống.
Mệt mỏi gây ra nhiều hậu quả xấu và nó sẽ càng tệ hơn nếu tình trạng này diễn ra thường xuyên. Khi đó, cần phải tự hỏi: Vì sao mình mệt mỏi? Dưới đây là một số lý do có thể dẫn tới mệt mỏi.
Thiếu ngủ
Thiếu ngủ là một nguyên nhân rõ ràng gây mệt mỏi. Trong cuộc sống hiện đại, thiếu ngủ dường như rất phổ biến. Ở Mỹ, cứ 3 người thì có 1 người thường xuyên thiếu ngủ. Cần biết rằng, những người từ 18 - 60 tuổi cần ngủ hơn 7 tiếng mỗi ngày để đảm bảo sức khỏe tối ưu. Thiếu ngủ không chỉ liên quan đến mệt mỏi, suy giảm hiệu suất hoạt động và nguy cơ xảy ra tai nạn lớn hơn, mà còn dẫn tới những hậu quả xấu cho sức khỏe, bao gồm béo phì, tăng huyết áp, trầm cảm, bệnh tim, đột quỵ và tăng nguy cơ tử vong. Nếu bạn gặp khó khăn trong việc ngủ đủ 7 giờ, dưới đây là một số mẹo giúp bạn đạt được một thời gian cần thiết của giấc ngủ: Duy trì thói quen đi ngủ cùng một thời điểm mỗi đêm và thức dậy cùng một lúc mỗi buổi sáng - ngay cả vào ngày cuối tuần. Tránh ngủ nướng, bởi cơ thể không cần ngủ nhiều hơn thế. Ngủ nướng có thể làm giảm chất lượng giấc ngủ vào đêm hôm sau, dẫn đến khó ngủ và giấc ngủ bị gián đoạn. Đảm bảo rằng phòng ngủ thật yên tĩnh, tối và nhiệt độ thoải mái. Tắt hết các thiết bị điện tử. Hạn chế đồ uống có caffein. Không uống đồ uống có caffein sau buổi trưa. Tránh thuốc lá và rượu trước khi đi ngủ.
Nếu thực hành tất cả các thói quen ngủ ở trên và vẫn cảm thấy mệt mỏi, cần xem xét xem bạn có vấn đề về giấc ngủ như chứng mất ngủ, ngưng thở khi ngủ hoặc hội chứng chân không ngừng nghỉ hay không.
Chế độ ăn thiếu lành mạnh
Chế độ ăn thiếu lành mạnh sẽ làm bạn cảm thấy mệt mỏi thường xuyên. Cách dễ nhất để xua tan mệt mỏi là điều chỉnh chế độ ăn uống. Để cải thiện sức khỏe và nhận được các chất dinh dưỡng cần thiết, cũng như loại bỏ mệt mỏi, nên tăng cường ăn trái cây, rau, ngũ cốc, protein và sữa. Chế độ ăn uống nên tuân theo một vài nguyên tắc sau đây: Ăn đúng lượng calo (theo giới tính, tuổi tác, cân nặng và mức độ hoạt động của bạn); Trái cây và rau xanh nên chiếm 1/2 lượng thức ăn; Thay thế một nửa lượng tinh bột trong khẩu phần bằng gạo lứt, bột yến mạch, ngô nguyên hạt... ; Chuyển sang sữa ít béo và không có chất béo để giúp hạn chế lượng calo từ chất béo bão hòa; Cố gắng chọn thịt gia cầm và thịt nạc, hạn chế thịt chế biến (lạp xường, thịt hun khói, xúc xích...), lựa chọn một số hải sản giàu omega-3: Cắt giảm đường trong khẩu phần. Tránh thức ăn và đồ uống có nhiều đường; Không bao giờ bỏ bữa sáng; Ăn đều đặn. Duy trì mức năng lượng của bản thân bằng cách ăn ba bữa ăn mỗi ngày và hạn chế đồ ăn nhẹ không lành mạnh; Uống đủ nước.
Lối sống ít vận động
Nghiên cứu của Đại học Georgia (UGA) ở Athens phát hiện ra rằng, khi những người ít vận động hoàn thành một chương trình tập thể dục thường xuyên, sự mệt mỏi của họ được cải thiện hơn so với những người không làm điều này. Khi mệt mỏi, ngồi xuống và thư giãn dường như là điều đúng đắn, tuy nhiên nghiên cứu lại cho thấy, vận động vừa sức trong vòng 20 phút có tác dụng xua tan mệt mỏi hơn là ngồi yên một chỗ.
Nếu bạn không tập thể dục trong một thời gian, hãy bắt đầu từ từ. Bắt đầu với một chuyến đi bộ nhanh 10 phút mỗi ngày và tiến tới đi bộ nhanh trong 30 phút trên 5 ngày mỗi tuần. Đi bộ nhanh, bơi, đi xe đạp, chơi
tennis... có thể được tính vào thời gian bạn tập thể dục cường độ vừa phải.
Căng thẳng quá mức
Nhiều tình huống có thể gây căng thẳng. Công việc, các vấn đề tài chính, các vấn đề về mối quan hệ, các sự kiện lớn trong cuộc sống và những biến động như di chuyển nhà, thất nghiệp, mất người thân... danh sách những căng thẳng tiềm năng không bao giờ kết thúc. Một chút căng thẳng có thể lành mạnh kích thích chúng ta năng động hơn, nhưng căng thẳng chỉ là điều tích cực nếu nó ngắn ngủi. Căng thẳng quá mức, kéo dài có thể gây kiệt sức về thể chất, tình cảm và dẫn đến bệnh tật.
Nếu những áp lực khiến mệt mỏi hoặc gây đau đầu, đau nửa đầu hoặc căng cơ..., đừng bỏ qua những tín hiệu này. Hãy dành thời gian để xử lý những stress. Xác định nguồn gốc của stress. Kiểm soát mức độ căng thẳng. Học cách nói không trong một số tình huống, cũng tức là nhận thức về giới hạn của bản thân để không gây áp lực cho mình. Học cách thể hiện cảm xúc, cởi mở hơn thay vì giấu kín. Xem xét những tình huống căng thẳng trong một ánh sáng tích cực hơn. Ví dụ, nếu bạn đang mắc kẹt trong một ùn tắc giao thông, xem nó như là một cơ hội để có một số thời gian một mình và lắng nghe những giai điệu yêu thích.
Chấp nhận những điều bạn không thể thay đổi. Một số nguyên nhân của stress như bệnh tật hoặc sự ra đi của người thân, là không thể tránh khỏi. Thông thường, cách tốt nhất để đối phó với căng thẳng là cố gắng và chấp nhận mọi thứ theo cách của chúng.
Học cách tha thứ. Chúng ta đều là con người và thường mắc lỗi. Hãy buông bỏ sự tức giận, oán giận và năng lượng tiêu cực bằng cách tha thứ cho bạn bè, gia đình và đồng nghiệp.
Hoạt động thể chất là một liệu pháp giảm stress đáng kể và giải phóng endorphin “yêu đời”. Nếu bạn cảm thấy căng thẳng, hãy đi dạo, dắt chó ra ngoài hoặc thậm chí đặt một số thiết bị âm nhạc và nhảy múa quanh phòng.
Sức khỏe không tốt
Nếu bạn đã thực hiện thay đổi lối sống với tăng cường hoạt động thể chất, cải thiện chế độ ăn uống, mức độ căng thẳng và ngủ đủ nhưng vẫn cảm thấy mệt mỏi thường xuyên, có thể có một bệnh tật nào đó tiềm ẩn. Một số yếu tố phổ biến nhất gây triệu chứng mệt mỏi như thiếu máu, không dung nạp thực phẩm, thiếu hụt vitamin và khoáng chất, suy tuyến giáp, bệnh tiểu đường, trầm cảm, hội chứng mệt mỏi mạn tính, nhiễm trùng đường tiết niệu, bệnh tim, sốt, mang thai...
Vì vậy, nếu mệt mỏi kéo dài hay lo ngại mệt mỏi là triệu chứng của một căn bệnh nào đó, hãy đi khám để giải quyết vấn đề càng sớm càng tốt.
Theo Sức khỏe & Đời sống