Tiếng Anh là môn học tự chọn ở cấp tiểu học được triển khai giảng dạy cho lớp 3, 4, 5 từ năm học 2002 - 2003 và chỉ tổ chức dạy học ở các lớp 2 buổi/ngày. Tuy nhiên, việc giảng dạy đang còn nhiều khó khăn, vướng mắc.
Tiếng Anh là môn học tự chọn ở cấp tiểu học được triển khai giảng dạy cho lớp 3, 4, 5 từ năm học 2002 - 2003 và chỉ tổ chức dạy học ở các lớp 2 buổi/ngày. Tuy nhiên, việc giảng dạy đang còn nhiều khó khăn, vướng mắc.
Không đạt mục tiêu đề ra
Theo mục tiêu Đề án Ngoại ngữ 2020 của tỉnh, đến năm học 2015 - 2016 có 70% học sinh (HS) lớp 3 được học 4 tiết/tuần và đến năm học 2018 - 2019 sẽ là 100% học theo chương trình tiếng Anh mới. Tuy nhiên, đến năm học 2015 - 2016, tỷ lệ này mới chỉ đạt 43,6%. Ông Hà Văn Thông - Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) cho biết, nguyên nhân chưa đạt mục tiêu đề ra là do khi mở rộng dạy tiếng Anh 4 tiết/tuần đến lớp 5 thì số tiết dạy tiếng Anh vượt quá số giờ lao động của giáo viên (GV) tiếng Anh trong trường. Do đó, một số lớp buộc phải chuyển sang dạy 2 hoặc 3 tiết/tuần để đảm bảo số giờ lao động 23 tiết/tuần của GV theo quy định. Bên cạnh đó, do nguồn kinh phí chi thường xuyên hạn hẹp nên các trường cũng chưa mạnh dạn giải quyết chế độ cho các GV tiếng Anh dạy thêm giờ. Ngoài ra, ở một số trường, GV chưa đủ điều kiện về năng lực ngôn ngữ theo chuẩn quy định.
Hiện nay, toàn tỉnh có 38 trường tiểu học chưa tổ chức dạy học tiếng Anh. Trong đó, 14 trường không có GV môn này (do đã tuyển đủ GV theo định mức 1,5 GV/lớp); 19 trường hầu như chưa tổ chức dạy 2 buổi/ngày cho lớp 3 đến 5; 5 trường dạy học 1 buổi/ngày do chưa đủ phòng học. Với tình hình này, mục tiêu đến năm học 2018 - 2019 có 100% HS lớp 3 được học tiếng Anh 4 tiết/tuần cũng khó thành hiện thực. Còn đối với lớp 1 và 2, Bộ GD-ĐT chỉ khuyến khích làm quen tiếng Anh ở những nơi có điều kiện vì chưa có quy định cụ thể tổ chức dạy học tiếng Anh cho lớp 1, lớp 2 về GV, kế hoạch dạy học...
Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cũng còn nhiều khó khăn, hạn chế. Hiện nay, chỉ có khoảng 50% số trường đã tổ chức dạy học tiếng Anh có đồ dùng dạy học tối thiểu (máy cassette, màn hình ti vi...) nhưng đã lạc hậu và hầu hết bị hỏng. Nhiều trường được trang bị máy chiếu, bảng tương tác nhưng do dùng chung cho cả trường nên GV tiếng Anh bị hạn chế sử dụng; 23 trường tiểu học đã bố trí phòng học ngoại ngữ nhưng chưa có trang thiết bị. Đồ dùng dạy học phục vụ cho dạy học tiếng Anh 4 tiết/tuần theo bộ sách Tiếng Anh tiểu học chưa được trang bị đồng bộ với thực hiện chương trình tiếng Anh mới. Ngoài ra, hiện nay, các HS học tiếng Anh 4 tiết/tuần sau khi hoàn thành chương trình lớp 5 vẫn chưa được đánh giá hoàn thành bậc 1 theo Khung năng lực ngôn ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam, do Bộ GD-ĐT chưa có hướng dẫn và kinh phí thực hiện.
5 năm tới, tuyển thêm 181 giáo viên tiếng Anh
Mới đây, UBND tỉnh có quyết định phê duyệt kế hoạch “Triển khai thực hiện dạy tiếng Anh cấp tiểu học trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2025”. Theo kế hoạch, dự kiến số lượng GV tiếng Anh tiểu học cần tuyển trong 5 năm tới là 181 GV. UBND tỉnh yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố cân đối tổng số người làm việc được giao để tiến hành tuyển dụng; kiểm tra lại tình hình thực hiện biên chế GV tiểu học và tiến hành co lớp đảm bảo sĩ số HS/lớp theo quy định. Đồng thời, bố trí, điều động GV tiếng Anh dôi dư cấp THCS sang giảng dạy cấp tiểu học sau khi được bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm tiểu học và khảo sát năng lực ngôn ngữ. Bên cạnh đó, có thể bố trí GV tiếng Anh dạy liên trường để đảm bảo số giờ lao động của GV theo kế hoạch dạy tiếng Anh 4 tiết/tuần; sử dụng kinh phí chi thường xuyên trả chế độ dạy thêm giờ cho các GV dạy vượt số tiết tiêu chuẩn... Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh sẽ thực hiện thí điểm việc đánh giá HS lớp 5 hoàn thành chương trình tiểu học đạt chuẩn đầu ra bậc 1 theo Khung năng lực ngôn ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam; đồng thời tiếp tục thực hiện thí điểm dạy tiếng Anh với GV nước ngoài.
UBND tỉnh đã giao nhiệm vụ cho các sở, ngành, địa phương, trong đó có việc phân bổ nguồn kinh phí, tuyển dụng, điều động GV, quỹ đất xây dựng phòng học... để đảm bảo tính khả thi của kế hoạch. Ngoài ra, Trường Đại học Khánh Hòa có nhiệm vụ đào tạo sinh viên ngành sư phạm tiếng Anh khi ra trường đạt năng lực ngôn ngữ bậc 4 trở lên để phục vụ mục tiêu này...
H.NGÂN
Toàn tỉnh đề ra mục tiêu đến năm 2025, tất cả HS từ lớp 3 đến lớp 5 đều được học tiếng Anh 4 tiết/tuần theo chương trình tiếng Anh mới của Bộ GD-ĐT và đạt chuẩn đầu ra theo quy định của chương trình tiếng Anh mới ở cấp tiểu học.
Tổng kinh phí dự kiến từ năm 2018 - 2021 để thực hiện kế hoạch gần 8,9 tỷ đồng. Trong đó, 6,15 tỷ đồng để bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho 246 GV; gần 1,75 tỷ đồng mua 582 đồ dùng dạy học; 970 triệu đồng mua thiết bị cho 194 trường.
_________________________________________
Năm học 2016 - 2017, toàn tỉnh có 203 GV tiếng Anh tiểu học, trong đó có 1 GV đạt năng lực ngôn ngữ bậc 6 (C2), 4 GV đạt bậc 5 (C1), 100 GV đạt bậc 4 (B2), 45 GV đạt bậc 3 (B1), 53 GV đạt dưới bậc 3.