01:02, 26/02/2015

Sản xuất giò chả sạch

Với mục tiêu gắn nghề sản xuất giò chả truyền thống với việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, ông Đỗ Quang Dát (xã Diên Thạnh, huyện Diên Khánh, Khánh Hòa) đã đầu tư nhà xưởng, mua sắm máy móc, mở cơ sở sản xuất giò chả sạch Khanhfood.

Với mục tiêu gắn nghề sản xuất giò chả truyền thống với việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, ông Đỗ Quang Dát (xã Diên Thạnh, huyện Diên Khánh, Khánh Hòa) đã đầu tư nhà xưởng, mua sắm máy móc, mở cơ sở sản xuất giò chả sạch Khanhfood.

 

1
Sản xuất giò chả sạch tại cơ sở Khanhfood


Những ngày giáp Tết Ất Mùi, cơ sở sản xuất của ông Dát luôn bận rộn bởi đây là vụ sản xuất lớn nhất trong năm. Do thị trường dè chừng thực phẩm “bẩn” nên giò chả sạch phục vụ Tết của cơ sở Khanhfood luôn hút hàng.

 

Ông Lê Ngọc - Quyền Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh: Năm 2014, Trung tâm đã hỗ trợ cho cơ sở Khanhfood 63 triệu đồng để phát triển dây chuyền sản xuất giò chả sạch, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Lâu nay, các hộ làng nghề làm nem, chả thường quen sản xuất thủ công, chưa chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm nên chưa đáp ứng yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm. Đây là cách làm mới, khuyến khích các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn nông thôn tiến lên đầu tư máy móc, công nghệ sản xuất sản phẩm sạch để đáp ứng nhu cầu thị trường...

Ông Dát tâm sự, sản xuất giò chả là nghề truyền thống của gia đình đã mấy chục năm. Giò chả truyền thống sở dĩ tồn tại qua thời gian, được mọi người chấp nhận là do sản phẩm làm ra thơm, ngon, kết hợp được hương vị của các loại lá chuối xanh, lá chùm ruột với thịt băm nhuyễn. Do vậy, khi làm giò chả sạch, ngoài yêu cầu hàng đầu là vệ sinh thực phẩm thì không thể thiếu các loại lá gói. Sản xuất giò chả sạch không khác trước, vẫn sử dụng các loại lá làm cho nem, chả thơm ngon, giữ được hương vị của cách làm truyền thống, nhưng hầu hết các công đoạn chế biến đều sử dụng máy móc, vừa giảm sức lao động của công nhân, đáp ứng nhu cầu sản xuất lớn, vừa đảm bảo yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm. Thịt nguyên liệu được chọn sạch, bảo đảm chất lượng, thu mua xong là đưa vào chế biến ngay. Nơi pha chế thịt, vận hành máy xay, máy quết thịt, hấp thịt bằng nồi áp suất, gói hàng, dán nhãn, hút chân không, bảo quản sản phẩm... đều thực hiện trong môi trường vệ sinh, an toàn; bàn ghế, máy móc, thiết bị bằng thép không gỉ và được vệ sinh kỹ lưỡng. Ông Dát đã đầu tư 2 tỷ đồng để xây dựng nhà xưởng và mua sắm máy móc, thiết bị. Ông cho biết, hiện nay, quy mô sản xuất của cơ sở bình quân 50kg nguyên liệu/ngày, vào dịp lễ, Tết tăng gấp 2, 3 lần. Vì thế, lượng công nhân cũng sẽ tăng lên để đáp ứng yêu cầu sản xuất, lúc cao điểm có từ 10 đến 15 người/ngày. Cơ sở đã được Chi cục Quản lý nông lâm thủy sản cấp giấy đủ điều kiện hoạt động; Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm công bố xác nhận sản phẩm phù hợp; Cục Sở hữu trí tuệ công nhận thương hiệu sở hữu trí tuệ; Tổng cục Đo lường chất lượng cấp đăng ký mã vùng, mã vạch... Sản phẩm của cơ sở hoàn toàn đủ điều kiện đi vào siêu thị và các trung tâm thương mại lớn.


Năm 2015, ông Dát sẽ tập trung xây dựng khoảng 20 cửa hàng bán lẻ trên địa bàn toàn tỉnh và khu vực lân cận, sau đó sẽ xúc tiến thủ tục đưa hàng vào siêu thị. “Vệ sinh thực phẩm là yêu cầu bức thiết nên nhu cầu sử dụng giò chả sạch của người tiêu dùng sẽ rất lớn. Cơ sở vừa thành lập trong năm 2014, đang tập trung vào việc đầu tư, xây dựng và hình thành sản phẩm. Năm 2015, cơ sở sẽ chú trọng việc quảng bá thương hiệu và xây dựng mạng lưới tiêu thụ, trong đó có kênh siêu thị...” - ông Dát nói.


P.L