Chiều buông trên dòng sông. Thuyền trôi thật chậm ra cửa biển. Thinh không yên ắng. Dường như không muốn động giấc cô miên của đôi bờ, bạn tôi ngâm khe khẽ:
Chiều buông trên dòng sông. Thuyền trôi thật chậm ra cửa biển. Thinh không yên ắng. Dường như không muốn động giấc cô miên của đôi bờ, bạn tôi ngâm khe khẽ:
Lưỡng ngạn vi lô trường đáo hải
Tứ biên hoàng diệp dục vi thu…
Tạm dịch:
Hai bên bờ lau sậy chi chít kéo dài ra tới biển
Bốn bên lá vàng trùng điệp như thôi thúc thu về
Tháp Bà Ponagar soi mình trong bóng nước lung linh, huyền hoặc. Trong tâm thức người dân Nha Trang - Khánh Hòa, những dòng chảy văn hóa, lịch sử, tâm linh vẫn cứ tinh khôi một dáng nét, phong cách rất riêng trong giao thoa, tiếp biến văn hóa Việt - Chăm rất độc đáo. Dòng sông có nhiều lau lách, trắng muốt suốt đôi bờ, người Chăm gọi là Yjatran. Người Việt, theo cách phát âm ấy, gọi là sông Cái Nha Trang. Bây giờ, lau sậy không còn nữa, nhưng, Yjatran đã cho thành phố nó đi qua một định danh đầy mơ mộng: Nha Trang - dòng sông lau lách.
Địa danh Nha Trang hiện diện trong một số tài liệu, bản đồ từ thế kỷ XVII; đặc biệt, trong Phủ biên tạp lục (1776), nhà bác học Lê Quý Đôn đã nhiều lần nhắc tới Nha Trang, trong những cụm từ như đầm Nha Trang, đèo Nha Trang… Trong Phương Đình Dư địa chí của Nguyễn Siêu viết đời Tự Đức; Đại Nam nhất thống chí của Cao Xuân Dục soạn thời Duy Tân cũng đã nói đến địa danh Nha Trang. Cứ vậy, tên gọi Nha Trang ngày một trở nên thân quen.
Trong những dịp đi công tác nước ngoài, bạn hỏi thăm tôi sinh sống ở đâu, tôi trả lời ở Khánh Hòa. Nghe vậy, họ chỉ ậm ừ ghi nhận. Nhưng, khi nghe tôi nói thêm hai tiếng Nha Trang, họ đồng thanh ồ lên rất thích thú, và tranh nhau kể những câu chuyện về Nha Trang. Trong số đó, tôi nhớ câu chuyện của cô thông dịch viên kể về chuyến đi suối Hoa Lan. Giữa khung cảnh trời biển hoang sơ, mộc mạc, cô dùng lều trại glamping, cao cấp, sang trọng và lãng mạn; để được thức, ngủ trong mơ hồ tiếng suối róc rách, tiếng sóng vỗ bờ và thoang thoảng hương thơm của những nhánh lan rừng. Có lẽ, nhiều người nước ngoài biết, nhớ tới tên gọi Nha Trang nhiều hơn là Khánh Hòa, nhất là từ khi vịnh Nha Trang được kết nạp là thành viên Câu lạc bộ những vịnh đẹp nhất thế giới.
Dòng sông Nha Trang đi qua miền quê ngoại, trôi trong ký ức tôi những hoài niệm xanh biếc của những hàng tre, luống mía và những trái vú sữa mũm mĩm vườn nhà. Trong trí nhớ nhỏ nhoi của tôi hồi ấy, hai bên bờ sông thấp thoáng những làng quê yên ả, không gian êm đềm như một bức tranh. Đường quê quanh co, vắng vẻ; lác đác có lá tre bay, xoay xoay theo chiều gió. Những mái nhà xưa lợp ngói âm dương phủ kín rêu xanh; im ắng, thấp thoáng giữa đôi hàng cau non hoa nở. Đâu đó, tôi nghe có lời ru ơ hờ, hòa cùng tiếng kẽo kẹt võng đưa trong mênh mang tiếng gà gáy trưa. Ngày hè, trên những rặng tre dọc bờ sông, ve kêu râm ran, đổ hồi, làm xao xuyến cả một góc tuổi học trò thời bé dại của ai kia áo trắng.
Có vậy, mà mãi tới lúc lớn lên, tôi mới hiểu được vì sao trong tâm khảm của rất nhiều người, dòng sông quê muôn đời cứ là một nỗi nhớ khôn nguôi; là dòng sữa cảm xúc dạt dào nuôi cho đầy thi hứng và khát vọng. Nhiều khi, bước chân đã mệt nhoài tháng năm dâu bể, tôi lại muốn quay về, với một Nha Trang gió nội, hương đồng. Làm gì ư? Chỉ để ngồi bên dòng sông, nhìn những cánh đồng mới gặt, nghe mơ hồ tiếng gà cục tác trong miên man nắng. Mới hay, lòng mình nhiều khi trống vắng lạ.
Tôi đã nghe nhiều con sông khoác lên dung nhan thành phố nó đi qua những nét bình yên, kiều diễm và thơ mộng. Sông Neva qua thành phố St. Peterburg; sông Seine qua phố xá đô hội Paris, sông Thames qua London, sông Danube qua thành phố Vienna… Sông Cái Nha Trang đang từng ngày sạch hơn, đẹp hơn. Triển khai thực hiện Dự án Chỉnh trang đô thị ven bờ sông Cái, tỉnh Khánh Hòa đang tạo cho thành phố Nha Trang du lịch một diện mạo mới; mở rộng ra phía bắc và phía tây. Rồi phố xá sẽ thênh thang hai bên bờ sông Cái. Đô thị mới hai bên bờ sông làm thành phố thêm lộng lẫy. Và, tới lượt mình, dòng sông thắp thêm lên vẻ lung linh cho thành phố cùng mang tên mình.
Bây giờ, khách đến Nha Trang, nhiều người đã không quên sắp xếp cho mình một chuyến hành trình trên dòng sông Cái. Đi ghe ngắm Tháp Bà; lên cồn Ngọc Thảo uống nước dừa mới hái; rồi trên những chuyến xe ngựa lóc cóc, ghé thăm nhà cổ, những làng nghề xưa và thưởng thức một bữa trưa bên sông lộng gió… Hành trình ấy, tôi thích đi xe ngựa hơn là xe hơi. Bởi, tiếng vó ngựa gõ trên đường vắng gợi nhắc bao nhiêu hoài niệm về những ngày xưa cũ, cứ ba bốn giờ sáng, tôi cùng người chị đi xe ngựa đem trái cây vườn nhà xuống chợ Đầm Nha Trang.
Cũng có nhiều khi, tôi muốn ngồi bên biển vắng. Chung quanh, tha thiết lời ru của âm ba. Phía trước là biển rộng. Mới hay phận mình là suối khe. Biển rộng trùng trùng dâu bể. Suối khe một phận đa đoan. Tôi nghe bao nhiêu câu hát, bát ngát biển khơi, vời vợi con nước triều trong mắt ai trong biếc. Và ngồi ngắm biển mênh mang khói nước ban chiều, chuyển dần sang màu tím thẫm, rồi bàng bạc trong đêm trăng; ngập ngừng như nhịp hải hồ đưa ngày vào tối. Covid-19. Giãn cách. Mà biển xanh quá, dường như xanh hơn lúc nào hết. Tôi đi về bên biển, cạnh biển mà lòng nao nao, cứ muốn được dừng xe mà ào ngay xuống biển.
Ai đó nói biển là cái nôi của sự sống. Cũng lại nói biển là người thầy thuốc vĩ đại, tận tụy và bao dung. Nhiều người dân Nha Trang mắc một số bệnh về xương khớp, hô hấp, huyết áp... phải lặn lội vào tận thành phố Hồ Chí Minh khám, chữa. Bác sĩ ý nhị bảo: “Nha Trang của các bạn có bác sĩ giỏi mà!”. Hỏi ra, ấy là Bác sĩ biển. Nhưng không chỉ vậy, biển còn trìu mến vỗ về, khỏa lấp và xoa dịu những vết thương lòng thầm kín; làm chứng nhân cho bao cuộc hò hẹn, sẻ chia. Có vậy, mới có những khúc hát Nha Trang, Nha Trang mùa thu lại về, Biển hẹn Nha Trang, Nha Trang ngày về… Ở đó, có những cuộc trùng phùng, tay trong tay, không muốn rời xa; có những ngậm ngùi, tiếc nhớ của lứa đôi cách trở, và cả những nụ cười, tiếng hát say mê trong màu cờ đỏ bên biển Nha Trang nắng vàng lộng lẫy.
Nhớ những ngày Covid-19. Bờ cát bâng khuâng nhớ bước chân người. Trăng khuya bẽ bàng soi bóng. Lần đầu, tôi thấy biển cô đơn.
Rồi biển lại rạng rỡ reo vui, cùng những bàn chân trần buổi sớm trên bãi cát tinh khôi. Sóng không thôi khao khát yêu thương, ngơ ngẩn nhìn theo những bàn tay thiếu nữ say đắm thả tim bên người thương mến. Những hẹn hò lứa đôi xa cách sau hơn hai năm vì Covid-19 giờ đã tự tin trở lại với Nha Trang. Bỗng nghe đâu đó lời hát: …Vùi sâu dưới đáy những gì đau thương/Biển lại hát tình ca, biển kể chuyện quê hương. Ôi! Hát tình ca, trên những niềm đau! Triệu triệu cơn bão đi qua, biển vẫn cứ đầy vơi con nước, mà hàn huyên sớm tối cùng người. Cho Nha Trang rộn rã suốt mùa vui.
Nha Trang là thành phố trẻ. Cho tới giữa thế kỷ XIX, Nha Trang vẫn là một vùng đất còn hoang vu lắm. Ta nghe cụ Thuần phu Trần Khắc Thành chia sẻ:
Mả Vòng đêm vắng ma trêu nguyệt
Phước Hải rừng Xuân cọp thưởng mai
Nhưng chỉ qua hai thập niên đầu thế kỷ XX, diện mạo Nha Trang thay đổi nhanh chóng. Thời Pháp thuộc, Nha Trang là tỉnh lỵ của tỉnh Khánh Hòa. Năm 1937, Nha Trang được nâng lên thị xã. Năm 1989, tỉnh Khánh Hòa được tái lập, tách ra từ tỉnh Phú Khánh, Nha Trang trở thành tỉnh lỵ của Khánh Hòa. Mười năm sau, Nha Trang được công nhận là đô thị loại II. Lại đúng mười năm sau nữa, Nha Trang được công nhận là đô thị loại I, trực thuộc tỉnh Khánh Hòa. Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 28-1-2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định mục tiêu Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030; thành phố Nha Trang được xác định là đô thị hạt nhân, là một trong ba vùng kinh tế - xã hội trọng điểm phát triển đột phá của tỉnh. Nói nghe tưởng chừng xa vời lắm, nhưng chỉ có 7 năm nữa thôi.
Bây giờ, nhìn trên phố, đã thấy rộn ràng những lời mời gọi Welcome to Nha Trang; Nha Trang - Văn minh, thân thiện.
Những ngày này, Khánh Hòa tích cực chuẩn bị để tổ chức Festival Biển Nha Trang và kỷ niệm 370 năm hình thành và phát triển vùng đất Nha Trang - Khánh Hòa. Vậy là Festival Biển Nha Trang sẽ trở lại, sau một lần phải nói lời biển hẹn vì Covid-19, tiếp nối hành trình 20 năm tiếp thêm sức sống cho văn hóa biển, đảo; vun đắp thêm trong mỗi người Việt Nam tình yêu và bổn phận với biển, đảo, một phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc. Nghe tin, người em ở xa hơn một nửa vòng trái đất gọi về, bảo sẽ sắp xếp, lên kế hoạch bay về dự Festival Biển. Nha Trang đang đợi, để biển sẽ hát cùng em, những bài hát quê hương, ở đó, có buồn, có vui; có mưa, có nắng.
Sáng nay trời đẹp. Biển lại rộn ràng những giai điệu tươi tắn, những vũ hình uyển chuyển của mấy nhóm em gái tập dân vũ bên bờ cát.
Chừng như vui lắm, nghe sóng cứ xôn xao…
Nha Trang, trước thềm xuân Quý Mão - 2023!
. Tùy bút của PHONG NGUYÊN