Năm 2021, bên cạnh việc căng sức phòng, chống dịch Covid-19, cả hệ thống chính trị của tỉnh còn nỗ lực thực hiện song song 3 quy hoạch lớn gồm: Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050
Năm 2021, bên cạnh việc căng sức phòng, chống dịch Covid-19, cả hệ thống chính trị của tỉnh còn nỗ lực thực hiện song song 3 quy hoạch lớn gồm: Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Điều chỉnh quy hoạch chung TP. Nha Trang đến năm 2040 và Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế (KKT) Vân Phong đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050. Cả 3 đồ án quy hoạch này đang trong giai đoạn hoàn thiện, đã cơ bản vẽ nên bức tranh tươi sáng cho tỉnh Khánh Hòa trong tương lai.
Để Nha Trang phát triển bền vững
Theo Viện Quy hoạch đô thị nông thôn quốc gia, Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP. Nha Trang đến năm 2040 tập trung vào các mục tiêu chính về định hướng phát triển không gian tổng thể, quy hoạch sử dụng đất và phân vùng chức năng, định hướng về thiết kế đô thị, quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật. Đối với chiến lược phát triển du lịch, đến năm 2040, TP. Nha Trang sẽ tiếp tục phát huy dải đô thị trung tâm, phát triển đô thị du lịch trên đảo Hòn Tre, hình thành đô thị du lịch 2 bên vịnh Nha Trang. Bên cạnh đó, sẽ phát triển đô thị du lịch sông Cái, sông Quán Trường, kết nối với không gian du lịch biển; phát triển các đảo đô thị, lấy mặt nước làm trung tâm gắn với công viên rừng ngập mặn tại vùng trũng phía tây Nha Trang.
Kiến trúc sư Trần Đức Phi - Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Khánh Hòa: TP. Nha Trang là đô thị ven sông, ven biển nên bị ảnh hưởng lớn bởi biến đổi khí hậu. Việc tổ chức các không gian chức năng đô thị, công trình hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội nằm trong quy hoạch chung phải vừa đáp ứng được chiến lược phát triển tổng thể kinh tế - xã hội, đồng thời đủ khả năng ứng phó tốt với điều kiện biến đổi khí hậu. Đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung TP. Nha Trang đến năm 2040 cần khai thác thế mạnh dòng sông, phát triển đô thị ven sông Cái... Hầu hết các con sông chảy qua những thành phố trên thế giới đều đầu tư đường chạy hai bên bờ sông. Tại các thành phố khoanh vùng bảo tồn sinh thái tự nhiên bờ sông thì cũng khéo léo bố trí đường bao kết hợp kè chắn nước hoặc làm đường trên cao cho an toàn. Quy hoạch chung lần này cần lưu ý quy hoạch 2 bên bờ sông Cái, vừa đảm bảo an toàn phòng, chống ngập lũ vừa tăng cường giao thông đô thị. |
Ông Trần Nam Bình - Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, hiện nay, đơn vị tư vấn đã cơ bản hoàn thiện dự thảo đồ án. Những góp ý của các sở, ngành cũng đã được đơn vị tư vấn tiếp thu, giải trình để hoàn thiện bản cuối cùng trước khi trình Ban chỉ đạo Công tác lập quy hoạch tỉnh. Trong tương lai, Ga Nha Trang sẽ được di dời đến khu vực xã Vĩnh Trung, đồng thời nghiên cứu phương án bảo tồn ga và khu phụ cận, hạn chế tối đa xây dựng cao tầng tại đây. Quy hoạch lần này cũng sẽ cập nhật nội dung xây cầu Hòn Rớ vượt biển, chạy qua cửa sông Quán Trường mà Thủ tướng Chính phủ mới phê duyệt. Cây cầu này sẽ nối đường Trần Phú với đại lộ Nguyễn Tất Thành, tạo thành con đường ven biển liên tục chạy từ Sân bay quốc tế Cam Ranh về TP. Nha Trang. Đồng thời, thống nhất quy hoạch kết nối đường Võ Nguyên Giáp với trục đường chính khu sân bay Nha Trang theo hướng thẳng trực tiếp, với lộ giới 60m nhằm tạo tính đồng bộ, xuyên suốt và phát huy tối đa giá trị sử dụng đất dọc tuyến.
Kỳ vọng Vân Phong
Theo ông Nguyễn Trọng Hoàng - Trưởng Ban Quản lý KKT Vân Phong, hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng KKT Vân Phong. Cụ thể, phạm vi, ranh giới, diện tích nghiên cứu lập điều chỉnh quy hoạch KKT Vân Phong là phần diện tích 150.000ha, trong đó phần mặt nước khoảng 80.000ha, phần đất liền khoảng 70.000ha, thuộc huyện Vạn Ninh và thị xã Ninh Hòa. Mục tiêu sẽ xây dựng KKT Vân Phong trở thành trung tâm kinh tế, có sức lan tỏa trong vùng và cả nước, trở thành vùng động lực phát triển, đô thị hiện đại, thông minh; khu vực đáng sống. KKT Vân Phong sẽ được quy hoạch thành KKT tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực, có trung tâm du lịch giải trí cao cấp có casino, tận dụng thế mạnh là cửa ngõ giao thương quốc tế để tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt, hiện đại với chất lượng cao, có thương hiệu và khả năng cạnh tranh quốc tế. Trong đồ án quy hoạch đã đề xuất 5 ngành nghề ưu tiên gồm: Công nghiệp thủy sản, du lịch, hậu cần, đóng tàu, năng lượng.
Mới đây, Thường trực Ban chỉ đạo lập quy hoạch tỉnh cũng đã thống nhất giữ quy hoạch Cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong tại khu vực Bắc Vân Phong. Trước mắt, nghiên cứu, xây dựng bến du thuyền lớn tại khu vực Bắc Vân Phong; đồng thời đề xuất, kiến nghị nâng cấp hoặc xây dựng mới cảng hàng hóa tổng hợp tại khu vực Nam Vân Phong để đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa của khu vực Tây Nguyên và cả nước. “Trước mỗi quyết định được đưa ra, đơn vị tư vấn phải đánh giá so sánh về hiệu quả của từng phương án cụ thể dựa trên việc phân tích dữ liệu thực chứng tất cả các yếu tố liên quan về kinh tế - xã hội, kỹ thuật, cơ hội phát triển, không gian phát triển… nhằm giúp KKT Vân Phong có hướng phát triển đột phá, bền vững, khả thi trong thời gian tới”, ông Hoàng cho biết.
Ông Nguyễn Hải Ninh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy: Một trong những yếu tố quan trọng trong việc lập quy hoạch tỉnh lần này không chỉ là việc ra đầu bài với các mục tiêu rõ ràng mà còn phải lồng ghép các yếu tố về tăng trưởng xanh và ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng 4.0, đặc biệt là chuyển đổi số. Các yếu tố này sẽ giúp tạo ra sự phát triển nhanh và bền vững cho tỉnh. Vì vậy, đơn vị tư vấn bám sát nhiệm vụ quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt; quy hoạch được lập phải có tầm nhìn, đột phá và mang tính khả thi cao. Với kinh nghiệm đa dạng và sâu rộng trong tư vấn xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, McKinsey và FPT sẽ đồng hành dài hạn cùng tỉnh trong suốt quá trình từ lập quy hoạch tổng thể, hỗ trợ các giải pháp triển khai quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Việc lập quy hoạch phải gắn với việc thu hút các nhà đầu tư chiến lược để bảo đảm tính khả thi, hiệu quả của quy hoạch được lập khi triển khai trong thực tế. Hiện nay, có nhiều nhà đầu tư chiến lược đã đặt vấn đề tại khu vực Vân Phong, Cam Lâm, Diên Khánh… như: VinGroup, Sun Group, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương, Tập đoàn Hòa Phát, Tập đoàn FLC… Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng đã có nhiều cuộc họp nghe các nhà đầu tư báo cáo ý tưởng đề xuất cụ thể, qua đó xem xét, lựa chọn phương án khả thi và tối ưu, giúp cho sự phát triển bền vững của tỉnh trong thời gian tới. |
VĂN KỲ