Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Hải Bình đem đến nét xưa cho những bức ảnh mới qua những tờ giấy dó...
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Hải Bình đem đến nét xưa cho những bức ảnh mới qua những tờ giấy dó...
Dụng công của người nghệ sĩ
Tại triển lãm nhiếp ảnh Khánh Hòa 2020, khi được xem những bức ảnh in trên giấy dó, thoáng qua chúng tôi ngỡ đây là góc trưng bày những bức ảnh tư liệu xưa. Đến khi được tác giả chia sẻ mới chợt giật mình trước dụng công sáng tạo của người nghệ sĩ. “Sau nhiều năm đến với nhiếp ảnh, tôi vẫn luôn ấp ủ việc có thể in tác phẩm của mình trên một chất liệu nào đó mang tính truyền thống Việt Nam. Rồi như một cơ duyên, tôi đã tìm đến chất liệu giấy dó. Nhưng để có thể in được ảnh lên giấy dó bằng phương pháp thủ công là điều không đơn giản…”, nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Hải Bình chia sẻ.
Xem những bức ảnh anh chụp tại Đường Lâm (Hà Nội), Buôn Hồ (Đắk Lắk), Hội An (Quảng Nam), Phan Rang (Ninh Thuận), Khánh Sơn (Khánh Hòa) được in trên giấy dó đã đem đến dòng cảm xúc hoài niệm, xưa cũ miên man. Nếu so sánh những bức ảnh giấy dó ấy với tác phẩm gốc sẽ thấy sự khác biệt khá rõ nét. Bởi trong quy trình in ảnh lên giấy dó đã chứa đựng bước sáng tạo thứ hai của người nghệ sĩ nhiếp ảnh. Khi đó, những bức ảnh gốc được người nghệ sĩ bằng kỹ thuật riêng đã sáng tạo nên hiệu ứng ánh sáng, hình ảnh mới cho tác phẩm của mình. Vậy nên, cùng bản gốc, nhưng qua những lần in khác nhau sẽ tạo nên những tác phẩm khác nhau. Chiêm ngưỡng những tác phẩm nhiếp ảnh in trên giấy dó của nghệ sĩ Trần Hải Bình, chúng ta càng thấy yêu hơn cái miền ký ức xa xăm trong tâm hồn mỗi người và càng trân quý những tìm tòi, sáng tạo của người nghệ sĩ để góp phần mang đến những giá trị tốt đẹp hơn tới mọi người.
Hành trình sáng tạo
Hơn 10 năm trước, anh đã thành lập Câu lạc bộ nhiếp ảnh Ánh sáng đẹp. Đây trở thành sân chơi, điểm hẹn ý nghĩa với những tay máy trẻ và những ai bị chinh phục bởi loại hình nghệ thuật này. Trò chuyện với chúng tôi trong căn gác nhỏ, anh không che giấu bí kíp mà còn phô bày tất cả cách thức làm ra một bức ảnh giấy dó. Khi chiếc máy in cho ra bức ảnh đen trắng trên giấy scan mỏng cũng là lúc tác giả trải xong tấm giấy dó trên một mặt phẳng, cùng với đó là những dụng cụ đơn giản để làm ảnh. Tấm ảnh trên giấy scan được úp vào mặt giấy dó và cố định lại bằng những chiếc kẹp. Tiếp đó, một hỗn hợp hóa chất được tác giả bôi lên mặt sau của tờ giấy scan. Công đoạn này nhằm làm cho mực in ảnh trên giấy scan được mềm ra và bám vào giấy dó. Rồi anh dùng vật cứng nặng dằn lên để mực in được thấm đều. Cuối cùng, chờ ảnh khô đến độ phù hợp anh mới thực hiện việc gỡ giấy scan ra để có tác phẩm ảnh in trên giấy dó hoàn chỉnh. Quy trình in ảnh lên giấy dó chỉ đơn giản như thế nhưng để có được điều đó, người nghệ sĩ đã mất 13 năm tìm tòi, thử nghiệm với biết bao lần thất bại.
Năm 2007, muốn tạo nên sự mới lạ cho những bức ảnh của mình, nghệ sĩ Trần Hải Bình đã đi tìm hiểu về nhiều chất liệu in ảnh. Từ đó, anh nhận thấy việc in ảnh trên các vật liệu như đá, gốm sứ, gạch men, vải… đã được làm khá nhiều, nhưng hiệu quả chỉ ở mức độ sản phẩm mỹ nghệ, chứ chưa đạt tầm nghệ thuật. Anh thử in ảnh trên những tờ giấy lụa rolek nhưng thất bại. Để rồi, anh tìm đến chất liệu giấy dó và mày mò cách thức có thể in ảnh lên chất liệu này bằng phương pháp thủ công. Vừa làm, vừa học nên mỗi thành công hay thất bại dù nhỏ nhất đều được anh tỉ mỉ ghi chép. Để đến hôm nay, những tác phẩm đầu tay được nghệ sĩ Trần Hải Bình trân trọng gửi tới công chúng. “Có được 7 bức ảnh in trên giấy dó hoàn thiện này là biết bao công sức của tôi. Ban đầu, tôi cũng chỉ xem đây là thú vui, nhưng càng làm càng thấy mê và quyết tâm làm cho bằng được. Giấy dó thực sự là một chất liệu tuyệt vời để cho ra đời những bức ảnh nghệ thuật độc đáo”, anh cho biết.
Theo họa sĩ Trần Hà - Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, giấy dó là chất liệu truyền thống của mỹ thuật Việt Nam. Nhiều họa sĩ cũng đã sử dụng giấy dó để sáng tác các tác phẩm mỹ thuật, nhưng việc sử dụng giấy dó để in ảnh bằng phương pháp thủ công đến nay mới chỉ có nghệ sĩ Trần Hải Bình. Tác giả sử dụng kỹ thuật in độc bản trên chất liệu giấy dó đã làm gia tăng nét xưa cũ cho mỗi bức ảnh, đồng thời tận dụng được đặc tính về chất liệu để những mảng màu sáng tối có độ chuyển mượt mà và thể hiện cảm xúc rõ nét hơn.
Giang Đình