Xa quê, nên mỗi năm, cứ độ 23 tháng Chạp là tôi khăn gói về quê ăn Tết sớm. Bởi chỉ về quê mới thực sự thấy có không khí Tết, để nặng lòng thương nhớ phong vị Tết xưa.
Xa quê, nên mỗi năm, cứ độ 23 tháng Chạp là tôi khăn gói về quê ăn Tết sớm. Bởi chỉ về quê mới thực sự thấy có không khí Tết, để nặng lòng thương nhớ phong vị Tết xưa.
Bây giờ, cuộc sống đủ đầy, người phố chỉ cần dạo một vòng siêu thị là khuân về đủ Tết thì những người xa quê lại đau đáu nhớ những cái Tết nghèo của thời “ăn gì cũng thấy ngon”. Mỗi lần Tết đến, vui nhất là những đứa trẻ, bởi chỉ mấy ngày Tết mới được ăn no, mâm cao cỗ đầy, được mặc quần áo mới. Đến nỗi, hồi đó, tôi cứ ước, giá mỗi năm có được vài lần Tết!.
Tết đến, dù nhà nghèo đến mấy cũng phải sắm sửa những thứ cơ bản của ngày Tết như bánh chưng, thịt heo. Trong khi lũ trẻ con ngóng Tết thì người lớn lại lo bạc mặt. Cái thời mọi thứ đều mua bằng tem phiếu theo tiêu chuẩn, xếp hàng mãi có khi chỉ mua được vài lạng thịt thì để mua được gạo nếp, đỗ xanh đủ cho Tết, mẹ tôi phải mua trước 2 tháng. Chỉ đến khi mua đủ gạo nếp, đỗ xanh để làm bánh chưng, mẹ tôi mới có thể yên tâm thế là có Tết. Còn lại túc tắc sắm dần để có đủ măng khô, miến, mộc nhĩ, mắm, muối... tươm tất cho mâm cỗ Tết.
Nhà tôi đông con. Trẻ con lại nhanh lớn, quần áo đứa lớn để cho đứa nhỏ nên cả năm chỉ chờ Tết được mặc đồ mới. Hồi đó, quần áo của chúng tôi đều do mẹ tự cắt, khâu tay, chuẩn bị mấy tháng trời. Lo cho con vậy nhưng mẹ quanh năm chỉ mặc quần một màu đen. Mấy chục năm rồi tôi vẫn nhớ, một lần mẹ được phân phối mảnh vải pho trắng tinh. Mẹ tiếc không may, bảo để dành chờ tôi lớn. Đến khi tôi lớn, đất nước đã qua thời bao cấp, chợ quê cũng bán đầy vải đẹp, mảnh vải ngày nào của mẹ chẳng ai may. Mỗi lần nhìn mảnh vải lại thấy bùi ngùi chuyện cũ.
Cái thú nhất ở quê là đi chợ Tết. Năm nào tôi cũng cùng mẹ chen chúc trong những phiên chợ Tết. Ngoài ti tỉ thứ cho Tết, mẹ không bao giờ quên mua bó mùi già để chiều 30 Tết đun nước thơm cho cả nhà tắm tất niên, không quên bớt lại một nắm để sáng sớm mùng một Tết đun nồi nước rửa mặt ấm áp, thơm phức. Thiếu đi nước mùi già là thiếu một phần mùi hương Tết.
Tết quê của ngày xưa không thể không nhắc đến đánh đụng heo. Sang thì 2 nhà, bình thường 4 nhà chung nhau con heo nuôi cả năm để dành Tết mổ thịt. Khi chúng tôi lớn một chút, bố mẹ không đụng heo nữa, cứ trước Tết hơn nửa năm, bố mua con heo cỡ 5 - 6kg cho chúng tôi nuôi để Tết mổ thịt. Mẹ sẽ lựa những miếng thịt ngon nhất để gói bánh chưng. Buổi tối, mấy anh em trải chiếu ngồi chơi tam cúc, canh nồi bánh chưng. Chập tối, đứa nào cũng xung phong thức canh nhưng rồi tất cả đều lăn ra ngủ từ lúc nào cho đến khi bố mẹ đánh thức vớt bánh. Dù bánh mới vớt ra còn mềm xèo nhưng mùi nếp thơm quyện mùi lá dong vẫn kích thích chúng tôi bóc thử, chia nhau góc bánh nóng hổi.
Đêm giao thừa, nhìn mâm ngũ quả với cặp bánh chưng, lọ hoa lay ơn đỏ rực trên bàn thờ tổ tiên cùng mùi nhang trầm thoang thoảng đã thấy hương vị Tết tràn ngập mọi nhà. Sáng mùng một, những đứa trẻ háo hức được mặc quần áo mới, chờ người lớn mừng tuổi đầu năm. Ngày ấy, chẳng có những đồng tiền mới cáu như bây giờ. Mỗi lần đi chợ, mẹ sẽ lọc mấy đồng tiền còn phẳng phiu, khá mới để dành mừng tuổi. Sau khi cúng Tết xong, trẻ con xúng xính bộ quần áo mới theo ông bà, cha mẹ đi chúc Tết khắp làng trên, xóm dưới.
Ngày Tết quê tôi giờ đã ít nhiều thay đổi nhưng nếp xưa thì vẫn còn. Mỗi năm, tôi vẫn thích về quê đi chợ Tết. Vẫn thương nhớ nắm mùi già còn thơm hồn năm cũ. Vẫn nhớ phiên chợ Tết đầu xuân, mẹ luôn mua gói muối nhỏ, mớ rau cần nước về xào bún, dặn dò câu “gừng cay, muối mặn” và mong chúng tôi cần cù, chăm chỉ học tập, làm việc với hy vọng những điều tốt lành đến trong năm mới.
Nam Du