09:02, 07/02/2016

Tiếp tục đoàn kết, năng động, sáng tạo để phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững

Nhân dịp đón xuân Bính Thân 2016, phóng viên Báo Khánh Hòa có cuộc trao đổi với ông Lê Đức Vinh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh về những thành tựu nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Khánh Hòa đạt được trong năm qua và định hướng phát triển trong những năm tới.

 

Nhân dịp đón xuân Bính Thân 2016, phóng viên Báo Khánh Hòa có cuộc trao đổi với ông Lê Đức Vinh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh về những thành tựu nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Khánh Hòa đạt được trong năm qua và định hướng phát triển trong những năm tới.


PV: Thưa ông, năm 2015 là năm kết thúc kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh đã phấn đấu hoàn thành cơ bản các mục tiêu đề ra, xin ông đánh giá tóm tắt những thuận lợi, khó khăn và những kết quả đạt được?

 


Ông Lê Đức Vinh: Tỉnh Khánh Hòa thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 trong bối cảnh kinh tế trong nước tiếp tục trên đà hồi phục với mức tăng trưởng khá; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực; các ngành dịch vụ được chú trọng phát triển; việc tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mang lại cơ hội rất lớn cho việc xuất khẩu các sản phẩm hàng hóa trong nước ra thị trường nước ngoài.


Trong khi đó, tình hình nắng nóng kéo dài gây khó khăn cho hoạt động sản xuất nông nghiệp; cùng với những hạn chế, yếu kém của nền kinh tế chưa khắc phục được là những yếu tố tác động không nhỏ tới kinh tế - xã hội cả nước nói chung và tỉnh Khánh Hòa nói riêng.


Tuy nhiên, với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở và sự đồng thuận của nhân dân, kinh tế - xã hội tỉnh Khánh Hòa năm 2015 tiếp tục phát triển. Cụ thể: Tốc độ tăng trưởng (GRDP) theo ngành kinh tế năm 2015 tăng 6,4% so với năm 2014; GRDP bình quân đầu người năm 2015 đạt 43,5 triệu đồng (tương đương 1.954 USD); chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 7,5%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 15%; doanh thu du lịch ước tăng 14,9%; thu nội địa bằng 120% dự toán; tăng trưởng tín dụng đạt 20,8%... Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường được quan tâm chỉ đạo; an sinh xã hội và phúc lợi xã hội cơ bản được bảo đảm; công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, đấu tranh phòng, chống tham nhũng được chú trọng; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI được cải thiện, tăng 18 bậc; chỉ số cải cách hành chính của tỉnh đạt 83,62%, xếp thứ 22/63; tai nạn giao thông đường bộ giảm cả ba tiêu chí; quốc phòng, an ninh được giữ vững.


PV: Bên cạnh những kết quả đã đạt được, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh vẫn còn một số tồn tại, ông nhìn nhận như thế nào về vấn đề này?


Ông Lê Đức Vinh: Bên cạnh những kết quả đã đạt được về phát triển kinh tế - xã hội, trong năm 2015, tỉnh Khánh Hòa vẫn còn một số khó khăn, thách thức như:


Diễn biến thời tiết nắng nóng kéo dài trong thời gian qua dẫn đến hạn hán nghiêm trọng tại một số địa phương; một số loại cây trồng hiện nay không phù hợp với điều kiện thiếu nước, dẫn đến kém chất lượng, giá cả tiêu thụ thấp, không bù đắp được chi phí sản xuất nên đã ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống bà con nông dân; tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết bùng phát gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của người dân; hệ thống cung cấp nước sạch mặc dù được quan tâm đầu tư để nâng cao tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch, nhưng vẫn còn một số nơi thiếu nước sạch sinh hoạt, người dân phải mua nước sạch sinh hoạt giá cao.

 

Nha Trang - Khánh Hòa chào đón năm mới 2016. Ảnh: THÀNH AN
Nha Trang - Khánh Hòa chào đón năm mới 2016. Ảnh: THÀNH AN


Quá trình đô thị hóa nhanh, việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng của các dự án khu dân cư, khu đô thị không đồng bộ, dẫn đến tình trạng ngập úng cục bộ tại một số khu dân cư vào mùa mưa. Một số khu tái định cư hạ tầng kỹ thuật xây dựng chưa kịp thời, xảy ra tình trạng lún sụt gây mất an toàn cho người dân khi xây dựng nhà ở.


Những khó khăn trên đã làm cho thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương chưa được toàn diện như kỳ vọng, đời sống của một bộ phận dân cư, nhất là ở khu vực nông thôn chưa được cải thiện đáng kể... Các hạn chế trên phải được khắc phục kịp thời thông qua các biện pháp chỉ đạo điều hành sâu sát, quyết liệt của tỉnh và sự vào cuộc của các cấp, các ngành, sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân.


PV: Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra tiếp tục phát huy hiệu quả 4 chương trình kinh tế - xã hội và 3 vùng kinh tế trọng điểm, gắn với thực hiện Kết luận số 53-KL/TW của Bộ Chính trị về “Xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030”, xin ông cho biết những bước triển khai cụ thể của tỉnh?


Ông Lê Đức Vinh: Triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố tham mưu thực hiện nội dung sau:


Xây dựng nghị quyết 4 chương trình kinh tế - xã hội trọng điểm (Chương trình xây dựng nông thôn mới, Chương trình phát triển đô thị, Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Chương trình phát triển nguồn nhân lực) và 3 vùng kinh tế trọng điểm (Nha Trang, Cam Ranh và Vân Phong), trình Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thông qua để triển khai thực hiện trong toàn hệ thống chính trị.


Trình HĐND tỉnh thông qua Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 tại kỳ họp lần thứ XI (khóa V). Trong đó, chú trọng các giải pháp chủ yếu để phát huy tiềm năng và lợi thế của địa phương như sau:


Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, các cơ chế, chính sách của Chính phủ về đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao hiệu quả của nền kinh tế, tạo thuận lợi cho các thành phần kinh tế phát triển.


Thực hiện tốt các mục tiêu an sinh xã hội, gắn tăng trưởng kinh tế với thực hiện công bằng, tiến bộ xã hội; bảo vệ môi trường và cải thiện đời sống nhân dân; kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế với tăng cường quốc phòng - an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia.


Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, phòng, chống tham nhũng; thực hiện phân cấp, phân quyền đi đôi với nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính.


PV: Thưa ông, năm 2016 được xem là năm bản lề để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020, với cương vị mới, đồng chí sẽ quan tâm tập trung cho những vấn đề gì?


Ông Lê Đức Vinh: Bên cạnh những nhiệm vụ trọng tâm năm 2016 đã được HĐND tỉnh thông qua tại kỳ họp thứ 11 HĐND tỉnh khóa V vừa qua, trong chỉ đạo điều hành UBND tỉnh xác định phải thực hiện quyết liệt các nội dung sau:


Phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, thích nghi với điều kiện của thời tiết; đẩy mạnh việc đưa giống mới có năng suất, chất lượng cao, sử dụng ít nước tưới vào sản xuất, thu hút đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, chế biến và tiêu thụ hàng hóa nông sản, tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm nông nghiệp.


Triển khai các dự án đầu tư hệ thống cấp nước tập trung giai đoạn 2016 - 2020; đồng thời kêu gọi các thành phần kinh tế, sự đóng góp của nhân dân cùng với sự đầu tư của Nhà nước để góp phần giải quyết cơ bản nhu cầu nước sạch của người dân nông thôn.


Tiến hành rà soát khớp nối quy hoạch các dự án đã và đang triển khai trên địa bàn TP. Nha Trang nhằm giải quyết kết nối đồng bộ hệ thống thoát nước của các dự án vào hệ thống thoát nước chung, cũng như đôn đốc tiến độ thực hiện các dự án, đặc biệt là các dự án đầu mối thoát nước chung cho thành phố.


Tăng cường công tác tuyên truyền giữ vệ sinh môi trường; triển khai có hiệu quả biện pháp thu gom, xử lý rác thải trên địa bàn, kiểm tra, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân xả thải gây ô nhiễm môi trường, lấn chiếm xây dựng trái phép theo quy định.


Tạo bước đột phá trong cải cách hành chính năm 2016, tập trung vào việc hoàn thiện thể chế, xây dựng “Chính phủ điện tử”, liên thông từ Trung ương đến tỉnh, huyện, xã theo Nghị quyết 36a ngày 14-10-2015 của Chính phủ, giảm thời gian thực hiện các thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho nhân dân khi sử dụng dịch vụ công... Xây dựng kế hoạch cụ thể để nâng cao các chỉ số về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, chỉ số cải cách hành chính, chỉ số về mức độ hài lòng của người dân đối với dịch vụ hành chính công.


Bên cạnh nỗ lực trong hoạt động chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh, tôi đề nghị toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong tỉnh tiếp tục phát huy tinh thần thi đua yêu nước, đoàn kết, năng động, sáng tạo, vượt qua khó khăn thách thức và tranh thủ thời cơ, thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2016.


PV: Xin cảm ơn ông!


Anh Tuấn (Thực hiện)

 

 




 Các chỉ tiêu chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội năm 2016


1. Các chỉ tiêu về kinh tế:


- Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) 7,55%;


- GRDP bình quân đầu người đạt 47,6 triệu đồng (tương đương 2.135 USD);


- Giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng tăng 8,7%;


- Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 7,5%;


- Giá trị sản xuất nông - lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,6%;


- Giá trị dịch vụ (chưa bao gồm các loại thuế) tăng 6,7%;


- Giá trị kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 1.300 triệu USD;


- Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 13.872 tỷ đồng;


- Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 32.000 tỷ đồng, tăng 13,9% so với năm 2015;



2. Các chỉ tiêu về văn hóa - xã hội:


- Tỷ lệ tăng dân số đạt 0,6%;


- Mức giảm tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn mới) đạt 2,5% so với đầu năm 2015;


- Số lao động có việc làm tăng thêm trong năm khoảng 9.000 người;


- Tỷ lệ lao động được đào tạo so với tổng số lao động đạt 65%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 50%;


- Số giường bệnh quốc lập trên 10.000 dân (không kể giường y tế xã) đạt 25 giường;


- Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng (cân nặng theo tuổi) dưới 10%;


- Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 72%;


- Tỷ lệ dân số đô thị đạt 56%;


- Có 31,9% số xã đạt 19 tiêu chí nông thôn mới (tương đương 30/94 xã);

3. Các chỉ tiêu về môi trường:


- Tỷ lệ độ che phủ rừng đạt 45,5%;


- Tỷ lệ dân số nông thôn được cung cấp nước hợp vệ sinh đạt 93,5%;