Vốn là nghệ nhân chuyên tạo cảnh quan khá nổi tiếng, ông Nguyễn Văn Phúng còn có một đam mê khác là nghiên cứu về thảo dược. Thành công từ sự đam mê này của ông được nhiều người biết đến là 2 sản phẩm trà ngọt Hoàng Hoa Thôn, được bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh.
Vốn là nghệ nhân chuyên tạo cảnh quan khá nổi tiếng, ông Nguyễn Văn Phúng còn có một đam mê khác là nghiên cứu về thảo dược. Thành công từ sự đam mê này của ông được nhiều người biết đến là 2 sản phẩm trà ngọt Hoàng Hoa Thôn, được bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh.
Trà “cây nhà lá vườn”
Gần Tết, để gặp được ông Nguyễn Văn Phúng, chủ cơ sở Hoàng Hoa Thôn (Phước Thượng, Phước Đồng, Nha Trang) không dễ, vì mấy tháng nay ông đang bận rộn dẫn quân thực hiện tạo cảnh quan cho một khu du lịch lớn, nổi tiếng ở Phú Quốc. Đây là công việc gắn với nghệ thuật đá và cây cỏ ông đã theo mấy chục năm qua. Không chỉ tạo cảnh quan cho một số khu du lịch nổi tiếng, ông cũng là người tạo nên hồn cốt cho khu du lịch của gia đình mình. Đó là khu du lịch Suối Thạch Lâm với điểm nhấn là vườn đậu anh đào nổi tiếng đẹp lãng mạn, khiến nhiều người ngất ngây khi được thưởng ngoạn vào mùa hoa nở rộ. Vậy nhưng, ông lại không chịu “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” mà còn rẽ thêm hướng khác, chuyển sang nghiên cứu về thảo dược.
Cây chùm ngây là nguyên liệu chính của trà ngọt Moringa |
Ngày cuối năm ở Nha Trang, mưa và lạnh, ông Phúng tiếp khách bằng bình trà Moringa nóng “cây nhà lá vườn” quả thật hợp cảnh, hợp tình. Cầm chén trà nóng sực, khẽ hít hà những sợi tơ mỏng manh mang theo hương thơm thoang thoảng thuần khiết rồi mới nhấp từng chút, từng chút vị ngọt ngào, ấm bụng như giúp xua tan cảm giác ẩm ướt và lạnh lẽo ngoài trời. Trà ngọt Nha Trang Hoàng Hoa Thôn - Moringa được làm từ nguyên liệu chính là cây chùm ngây, một loài cây rất quen thuộc xuất hiện trong bữa cơm của nhiều gia đình.
Cả khu vườn rộng rãi của ông Phúng ở thôn Phước Thượng được trồng hầu hết cây chùm ngây. Chỉ tay vào những cây chùm ngây vừa cắt thu hoạch chỉ còn trơ cành, ông Phúng bảo, hơn 10 năm trước, ông đã bắt tay trồng hàng loạt loại cây này và chú tâm nghiên cứu. Vì thế, ông rất am tường về nó. Loài cây này dễ trồng, nhưng trồng chơi một vài cây thì khỏe, chứ trồng đại trà thành vùng nguyên liệu lớn, không cẩn thận sẽ chết hàng loạt. Sau mỗi đợt cắt trụi lá, chỉ cần 40 ngày sau lá bung lên xanh um lại cho thu hoạch đợt mới.
Ông Phúng giới thiệu sản phẩm trà ngọt Hoàng Hoa Thôn |
Chùm ngây giàu giá trị dinh dưỡng, cũng là loại thảo dược có nhiều công dụng. Hạt chùm ngây còn có khả năng lắng lọc giúp làm sạch nước. Chỉ cần gõ Google sẽ cho nhiều kết quả về giá trị của chùm ngây, còn được biết đến với tên gọi “cây thần diệu”. Khi ông Phúng đào lên vài gốc chùm ngây, chúng tôi khá bất ngờ vì rễ chùm ngây là loại rễ củ trắng tinh, trông như những củ sâm. Cây chùm ngây còn có đặc tính thú vị là kể cả nhổ lên cắt hết rễ rồi đem trồng lại vẫn tiếp tục ra mới, tựa như thằn lằn đứt đuôi mọc ra đuôi mới. Những cây lớn thì đào quanh gốc xoay vòng có thể khai thác quanh năm. Ông Phúng cho biết, trà ngọt Nha Trang Hoàng Hoa Thôn - Moringa không chỉ có lá mà còn có củ chùm ngây giàu dinh dưỡng. Là dân ngoại đạo, chúng tôi thắc mắc vị ngọt tự nhiên của trà có phải là cam thảo thì ông cho biết, cam thảo ngọt lợ, không dễ uống nên ông chọn loại cúc ngọt có xuất xứ từ Brasil. Ngoài ra, còn có hoàng ngọc với thành phần dinh dưỡng tốt cho đường ruột và dạ dày.
Nhiều ý tưởng
Còn sản phẩm trà ngọt Nha Trang Hoàng Hoa Thôn - Trầm Hương hình thành từ nguyên liệu chính là thảo dược của vùng núi cao Hòn Bà. Thành phần của trà gồm: cây dó bầu chiếm 50%, cây đỏ ngọn 20%, lá sen 15%, cây cúc ngọt 15%, có tác dụng giúp cơ thể đào thải thủy ngân, lọc máu, phòng ngừa đột quỵ, hỗ trợ điều trị xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim, giúp ngủ ngon, có thể dùng thay nước uống hàng ngày.
Ông Phúng nhận giấy chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh lần thứ 2-2015 |
Cả hai sản phẩm trà ngọt đều giữ hương vị hoàn toàn tự nhiên, không sử dụng hương liệu, chất bảo quản. Sau khi được bình chọn hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu của TP. Nha Trang và cấp tỉnh, cả hai sản phẩm này đã được chọn tham gia bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực Nam Trung Bộ - Tây Nguyên năm 2016. Để có công thức trà ngọt như hiện nay, ông Phúng phải mất nhiều năm thử nghiệm ủ, sao, kiểm chứng, thăm dò thị trường rồi điều chỉnh. Từ cái chảo nhỏ ông vẫn nhớ mua 100.000 đồng ngày đó để sao thử, hiện gia đình ông đã có xưởng sản xuất nho nhỏ với quy mô khoảng 2.000 gói trà/ngày. Hiện nay, ông đã có một số đơn đặt hàng từ TP. Hồ Chí Minh. Lấy ra chai nước có in tên của một doanh nghiệp ở Đà Nẵng, ông Phúng mời chúng tôi uống thử và cho biết, doanh nghiệp này đã ngỏ ý làm đối tác độc quyền cung cấp sản phẩm trà ngọt của ông dưới dạng nước giải khát đóng chai và đây là sản phẩm thử nghiệm. Ông còn cho biết, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh cũng đang có kế hoạch hỗ trợ kinh phí để ông đầu tư thêm máy móc, mở rộng quy mô xưởng sản xuất.
Ông Phúng còn kể cho chúng tôi về một vài thử nghiệm đã có thành tựu bước đầu như: thử nghiệm chế tạo thành công bột nêm từ thực vật; nhập giống và đang tiến hành nhân giống đại trà trồng loài cây dược liệu có công dụng làm đẹp, chống nắng, dưỡng da, trị nám xuất xứ Myanmar, được một đơn vị đặt hàng vùng nguyên liệu hàng trăm héc-ta; làm túi lọc trà bằng lá cây... Có lẽ với ông Phúng, mọi chuyện dường như chỉ mới bắt đầu, bởi theo ông: “Cái khổ của tôi không phải vất vả tìm tòi, làm việc mà khổ là làm sao thuyết phục để mọi người tin ý tưởng của mình”.
N.D