06:02, 10/02/2016

Hồi ức Trường Sa 1988

Đó là hồi ức về một chuyến hải trình chở đá ra Trường Sa đầy giông gió 27 năm trước. Đó cũng là ký ức chẳng thể nào phai mờ của những người trong cuộc, những người đã gói ghém tất cả niềm tin yêu, góp từng viên đá xây dựng vùng biển tiền tiêu.

Đó là hồi ức về một chuyến hải trình chở đá ra Trường Sa đầy giông gió 27 năm trước. Đó cũng là ký ức chẳng thể nào phai mờ của những người trong cuộc, những người đã gói ghém tất cả niềm tin yêu, góp từng viên đá xây dựng vùng biển tiền tiêu.


Đầu năm 1988, tin dữ từ Trường Sa tới tấp bay về. Hải quân Trung Quốc đã mở rộng mặt trận, lấn chiếm các đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam. Lần lượt Bãi Chữ Thập, Châu Viên... và đỉnh điểm là việc chiếm giữ đảo Gạc Ma khiến cho 64 chiến sĩ Việt Nam vĩnh viễn nằm lại với biển, sau cuộc chiến không cân sức giữa địch và ta.

 

Ngôi nhà của chiến sĩ trên đảo Thuyền Chài
Ngôi nhà của chiến sĩ trên đảo Thuyền Chài


Chính từ sự hy sinh anh dũng của chiến sĩ Trường Sa, phong trào “Vì Trường Sa thân yêu” đã được đẩy mạnh trên toàn đất nước nói chung và của Đoàn Thanh niên Phú Khánh nói riêng. Hàng vạn lá thư, hàng nghìn gói quà... được tuổi trẻ trân trọng, nâng niu, gói ghém... với tất cả niềm tin yêu gửi đến chiến sĩ Trường Sa đang ngày đêm canh giữ biển trời của Tổ quốc. Đất nước trong giai đoạn này còn gặp nhiều khó khăn, bị các thế lực thù địch bao vây, cấm vận. Đời sống vật chất của quân và dân còn nhiều thiếu thốn, khổ cực... nhưng toàn quân, toàn dân đã đồng lòng, quyết tâm giữ gìn từng tấc đất, vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.


Con tàu vượt bao la sóng nước


Được sự đồng ý của các ngành chức năng, tháng 5-1988, tàu Phú Khánh 6 thuộc Công ty Vận tải biển Khánh Hòa được lệnh chở đá hộc ra Trường Sa để xây dựng đảo Thuyền Chài. Cùng tham gia trên tàu có anh Đinh Thanh Đồng - Bí thư Tỉnh đoàn Phú Khánh, Huỳnh Hữu Ngân - Bí thư Thành đoàn Nha Trang. Tôi lúc bấy giờ là cán bộ của Ban Tuyên huấn - An ninh quốc phòng của Tỉnh đoàn được cử cùng đi. Thủy thủ đoàn có hơn 20 người, anh Quang là thuyền trưởng, anh Hồng là thuyền phó. Nhiệm vụ của chúng tôi là mang hàng chục tấn đá ra đảo Thuyền Chài nhằm xây móng, làm nền cho đội ngũ công binh của Quân chủng Hải quân xây dựng thành cứ địa vững chắc, kiên quyết bảo vệ đảo khi bị tấn công.

 

Anh Huỳnh Hữu Ngân (bên phải) đẩy bè đá vào đảo
Tàu Phú Khánh 6 đưa đoàn cập đảo An Bang


Ngày đầu tiên, biển yên sóng lặng, anh em trên thuyền vui vẻ trò chuyện, làm quen. Hỏi ra mới biết, đây là lần đầu tàu Phú Khánh 6 hướng Trường Sa trực chỉ. Mục tiêu là đến đảo Trường Sa Lớn, sau đó sẽ hướng đến Thuyền Chài, khoảng cách chừng nửa ngày tàu chạy. Đây là con tàu vận tải bình thường, được trang bị hải cụ đơn giản... Có lẽ vì vậy, khi biển nổi cơn sóng to, gió giật, tàu đã mất phương hướng. Một đêm trôi qua, nhìn ra bên ngoài chỉ toàn thấy trời nước bao la... Ngày thứ hai, tàu vẫn lênh đênh trên biển, xa xa là những tàu chiến của Hải quân Trung Quốc đang lởn vởn ở các bãi đá ngầm mà chúng đã chiếm đóng... Khi ánh mặt trời tắt hẳn, anh Quang, anh Hồng cặm cụi trên tấm hải đồ; anh em thủy thủ thỉnh thoảng liếc nhìn nhau... Anh Đồng, anh Ngân và tôi thầm thì: “Không biết anh em mình đang đi về đâu!”.


Khoảng 10 giờ đêm, thuyền trưởng quyết định bắn pháo hiệu... Khoảng 30 phút sau, bên mạn trái có ánh hỏa châu đáp lời... Tàu bẻ trái hướng tới... Xa xa phía trước có ánh đèn, càng gần càng tỏ và nghe rõ tiếng gọi: “Tàu nào? Dừng lại! Coi chừng mắc cạn”... “May quá, đúng là đảo của ta”... “Tàu Phú Khánh 6 đây!”. Ngược gió, bạn không nghe được! Một chiếc ca nô với 7 chiến sĩ, vũ khí sẵn sàng từ đảo lao ra hướng tàu... Khi đến gần mới nhận ra nhau. Theo hướng dẫn của ca nô, tàu cập đảo an toàn, đó chính là đảo An Bang - đảo cực Nam của quần đảo Trường Sa.

 

Anh Đinh Thanh Đồng - Bí thư Tỉnh đoàn Phú Khánh (bìa phải) và  anh Huỳnh Hữu Ngân - Bí thư Thành đoàn Nha Trang (thứ hai từ trái qua) với chiến sĩ đảo An Bang
Anh Đinh Thanh Đồng - Bí thư Tỉnh đoàn Phú Khánh (bìa phải) và anh Huỳnh Hữu Ngân - Bí thư Thành đoàn Nha Trang (thứ hai từ trái qua) với chiến sĩ đảo An Bang

 


Anh Thanh - Đảo trưởng cùng trung đội giữ đảo đón chúng tôi trong niềm vui và sự lo lắng: “May quá, nếu các anh không phát tín hiệu, có lẽ tàu đã vượt qua vùng biển của bạn...”. Rồi anh mỉm cười, nói tiếp: “Khi chúng tôi hỏi nhưng không nghe hồi đáp, hỏa lực trên đảo đều tập trung về tàu của các anh, sẵn sáng nhả đạn”. Tôi đưa mắt nhìn hai tháp pháo sừng sững trên hai đầu của đảo, chợt rùng mình...!


Đảo An Bang lúc bấy giờ chỉ là một gò cát giữa biển khơi, mùa biển động, sóng đánh tràn qua đảo. Trên đảo, ngoài 1 trung đội canh giữ và các vũ khí cá nhân, còn có pháo tăng 54, vòng quay 360° sẵn sàng tấn công địch ở mọi hướng. Đoàn đã gửi tặng cán bộ, chiến sĩ trên đảo bí đỏ, bí đao, một số nhu yếu phẩm cần thiết và chia tay nhau bằng bữa tiệc “cầy tơ” - con vật các anh nuôi nhiều để cải thiện bữa ăn cho bộ đội!



Những viên đá gửi vào đại dương xanh


Chúng tôi rời đảo An Bang với biển yên, sóng lặng... Gần một buổi chạy tàu, chúng tôi đến Thuyền Chài. Xa xa, nhìn cái “nhà chòi” trên đảo như một chiếc nấm giữa biển khơi bao la! Đây là bãi đá chìm chỉ nhô lên thành một bãi san hô khi triều rút. Trên nhà chòi có một tiểu đội trấn giữ với vũ khí cá nhân cùng khẩu 12 ly 7. Bên cạnh là một phao cứu sinh dành cho 7 người, khi cần thì bung ra với mái chèo và mấy ngày lương thực. Cái thùng phuy đựng nước ngọt được đậy cẩn thận. Tiêu chuẩn của chủ và khách giống nhau, mỗi ngày một ca dùng để tắm rửa! Sau khi tắm biển xong, lấy khăn nhúng nước ngọt, lau... vậy là xong!

 

Anh Huỳnh Hữu Ngân (bên phải) đẩy bè đá vào đảo
Anh Huỳnh Hữu Ngân (bên phải) đẩy bè đá vào đảo


Cuộc sống chỉ đơn giản là vậy, còn công việc thì không nhẹ nhàng chút nào. Từ chỗ tàu neo đậu, chúng tôi căng một đường dây và cột vào chân trụ của nhà chòi, sau đó dùng xuồng nhôm, bè gỗ... nắm dây kéo bè, đẩy xuồng chở đá từ thuyền vào vị trí xây dựng. Từng viên đá được ném xuống, chỉ nghe tiếng “bõm” và biến mất... Cứ thế, những đôi tay cần mẫn chuyển từng viên đá từ hầm tàu và gửi vào đại dương xanh.  


Gần một tuần cật lực với công việc ngụp lặn với sóng biển, bốc từng viên đá, chung tay đẩy bè, kéo dây... đá trên tàu đã hết nhưng biển vẫn cứ xanh rờn... Những hòn đá kia đang nằm im giữa lòng đại dương xanh chờ bàn tay người thợ xây nên công trình kiên cố. Chúng tôi, đêm lặng lẽ ngắm sao trời, chong đèn ngắm sinh vật biển đóng đèn, còn ngày ngắm vòi rồng xuất hiện. Biển êm như nhung, rồi gió giật mạnh, tàu đứt neo, thuyền trưởng nương theo gió chạy vòng quanh đảo! Một đêm lao đao với bão. Giữa muôn trùng khơi xa, có trải qua cảnh này mới thấu hiểu sự chịu đựng và hy sinh to lớn của người chiến sĩ nơi đầu sóng ngọn gió.


Bịn rịn chia tay 7 người bạn trên đảo Thuyền Chài, tàu chúng tôi rời bến và một lần nữa lại mất phương hướng... Tàu cứ chạy, bão biển cứ rượt, vòi rồng đuổi theo sau lưng... Sang ngày thứ 2, anh Quang, anh Hồng vẫn cứ loay hoay với hải đồ, đo đo, vẽ vẽ... chưa xác định được vị trí của tàu. May sao, sóng yên gió lặng, tàu quay mũi về hướng Vũng Tàu. Lúc này cả tàu như trút được gánh nặng. Tiếng cười nói vang vang, ồn ào sau khi ghé vào đảo Phú Quý với chầu cháo gà không thể ngon hơn.

 

Toàn cảnh đảo Thuyền Chài khi thủy triều xuống
Toàn cảnh đảo Thuyền Chài khi thủy triều xuống


Tàu cập cảng Nha Trang vào một trưa hè nắng hanh, mọi người hò reo chào đón. Hỏi ra mới hay, ở nhà có những lúc thông tin giữa tàu và bờ bị đứt đoạn, các tình huống xấu đã được vẽ ra cho các con tàu chở đá đến với Trường Sa. Chúng tôi chia sẻ tâm trạng với mọi người bằng những cây thủy trúc san hô được các chiến sĩ trên đảo Thuyền Chài tranh thủ bẻ tặng cho đoàn làm kỷ niệm - một kỷ niệm không thể nào quên.


Bây giờ, anh Đồng đã ra đi vĩnh viễn, anh Ngân đang mang bệnh, còn tôi vẫn lặng lẽ với chức trách của một người cán bộ Đoàn, Hội, Đội... Chợt nhớ lại bài báo tôi viết cho Báo Phú Khánh sau chuyến đi đầy ắp giông bão ấy: “Mỗi cán bộ, chiến sĩ trên đảo là một Yết Kiêu thời đại”. Vâng, các anh chính là những Yết Kiêu của thời đại. Biển đảo Việt Nam vững bền chính là nhờ sự hy sinh anh dũng và to lớn của các anh. Chúng tôi sẽ mãi là hậu phương vững chắc cho các anh trước bão giông, gió giật.

 


Lý Bá Lin