Bộ Chính trị vừa ban hành Quy định số 148-QĐ/TW quy định về thẩm quyền của người đứng đầu trong việc tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ cấp dưới trong trường hợp cần thiết hoặc khi có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Quy định này nêu rõ 5 nội dung làm căn cứ để tạm đình chỉ công tác cán bộ cấp dưới trong trường hợp cần thiết. Cụ thể gồm: 1. Cán bộ có hành vi vi phạm về phẩm chất đạo đức, lối sống gây ảnh hưởng tiêu cực, bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng xấu đến uy tín tổ chức, cá nhân. 2. Cán bộ cố tình trì hoãn, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, không thực hiện công việc thuộc thẩm quyền theo chức năng, nhiệm vụ được giao. 3. Cán bộ có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức trong quá trình thực thi công vụ. 4. Cán bộ đang bị xem xét, xử lý kỷ luật mà cố ý trì hoãn, trốn tránh không thực hiện yêu cầu của cấp có thẩm quyền trong quá trình xem xét, xử lý vi phạm của bản thân hoặc lợi dụng chức vụ, quyền hạn, ảnh hưởng của mình, của người khác để tác động, gây khó khăn cho việc xem xét, xử lý. 5. Cán bộ bị kỷ luật đảng bằng hình thức cảnh cáo hoặc cách chức và đang trong thời gian chờ xem xét, xử lý chức vụ chính quyền mà nếu tiếp tục công tác sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị.
Ngoài ra, Quy định cũng nêu rõ 2 căn cứ tạm đình chỉ công tác trong trường hợp có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng, gồm: 1. Cán bộ bị khởi tố để phục vụ công tác điều tra. 2. Trong quá trình xem xét, xử lý hành vi vi phạm của cán bộ, có cơ sở xác định phải xử lý kỷ luật từ cảnh cáo trở lên hoặc xử lý bằng pháp luật hình sự mà cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án có văn bản đề nghị tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ.
Có thể thấy, trong số các căn cứ để thực hiện tạm đình chỉ công tác trong Quy định số 148-QĐ/TW có một số điểm mới; một số nội dung trong quá trình hoạt động thời gian qua đã có sự “giao thoa” trong triển khai thực hiện bởi một số văn bản quy phạm pháp luật khác; một số nội dung căn cứ đã khá rõ ràng... Khi quy định này được triển khai thực hiện sẽ góp phần nâng cao thẩm quyền, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành hoạt động ở các cơ quan của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội… mà bản thân được phân công phụ trách.
Đặc biệt, quy định này có 2 nội dung làm căn cứ để tạm đình chỉ công tác cán bộ cấp dưới trong trường hợp cần thiết đang được đánh giá cao trong thực thi công vụ hiện nay, đó là: “Cán bộ cố tình trì hoãn, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, không thực hiện công việc thuộc thẩm quyền theo chức năng, nhiệm vụ được giao” và “Cán bộ có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức trong quá trình thực thi công vụ”. Đây sẽ là cú hích trong giải quyết công việc.
Trên thực tế công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đất nước nói chung và ở từng địa phương nói riêng, trong thời gian qua, đâu đó vẫn còn tình trạng chậm trễ, đùn đẩy, né tránh, thoái thác trách nhiệm, chây ì, “ngâm” công việc được giao ở một số cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Việc giao nhiệm vụ tham mưu, triển khai thực hiện công việc, đâu đó vẫn còn có tình trạng bê trễ, nêu lên lý do dẫn đến công việc bị đình trệ, chậm tiến độ, thậm chí là đôi khi còn có biểu hiện bàn lùi… Tuy người đứng đầu có thể biết rõ nguyên nhân làm cho công việc bê trễ nhưng lại khó khăn trong việc xử lý cấp dưới vì câu chuyện tập thể lãnh đạo đánh giá cán bộ đôi khi vẫn còn nể nang, duy tình, giơ cao đánh khẽ… Với Quy định số 148-QĐ/TW, chắc chắn trong công việc thời gian tới sẽ có sự giám sát lẫn nhau: Giữa người đứng đầu với cán bộ cấp dưới, giữa cán bộ cấp dưới với nhau, và giữa cán bộ cấp dưới với cấp trên. Điều này sẽ làm cho câu chuyện nể nang, giơ cao đánh khẽ… dần dần bị triệt tiêu, thay vào đó, mọi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức thực hiện nhiệm vụ theo Hiến pháp và pháp luật, chấp hành nghiêm quy chế, nội quy, quy định của cơ quan, đơn vị nơi công tác. Người đứng đầu bắt buộc phải có sự sâu sát hơn, lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành mang tính toàn diện hơn; sâu sát trong kiểm tra, rà soát, giám sát công việc đã giao cho cấp dưới. Còn cấp dưới sẽ phải nỗ lực hơn nữa trong cách làm, tìm ra giải pháp để thực hiện tốt nhất nhiệm vụ được giao, tránh được sự đùn đẩy, biện minh cho những công việc chậm tiến độ, không hoàn thành nhiệm vụ, thậm chí là không còn có thể bàn lùi…
Việc tạm đình chỉ công tác cán bộ cấp dưới chỉ theo Quy định số 148-QĐ/TW đã tạo thêm thẩm quyền và trách nhiệm cho người đứng đầu để thực hiện quyết tâm sáng tạo trong công việc, dám nghĩ dám làm vì lợi ích chung; thúc đẩy để cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức xóa bỏ tâm lý né tránh nhiệm vụ được giao, nhằm tạo chuyển biến tích cực trong giải quyết mọi công việc.
Hiện nay, toàn hệ thống chính trị tỉnh Khánh Hòa nỗ lực để thực hiện thành công Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 28-1-2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, phấn đấu đến năm 2030, Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; là đô thị thông minh, bền vững, bản sắc và kết nối quốc tế; là nơi nhân dân có mức sống cao, hiền hòa và hạnh phúc… Theo đó, nhiều quy hoạch, công trình, dự án trọng điểm đang được lãnh đạo tỉnh yêu cầu thúc đẩy nhanh tiến độ; đồng thời tỉnh tiếp tục triển khai nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng các chỉ số: Cải cách hành chính, hài lòng về sự phục vụ hành chính, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh.
Ngay từ bây giờ, việc thực hiện những nhiệm vụ được giao nêu trên sẽ song song với việc chấp hành nghiêm Quy định số 148-QĐ/TW. Hy vọng, những căn cứ trong quy định này chính là liều “biệt dược” thúc đẩy, nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, cũng như cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong thực thi công vụ.
ĐẠI HẢI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin