Tại Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình hành động số 12-CTr/TU của Tỉnh ủy tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (Khóa X) về đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC), nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước được tổ chức mới đây, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hải Ninh có nêu câu hỏi: tại sao các chỉ số của Khánh Hòa vẫn thấp so với nhiều tỉnh thành khác, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh, năng lực thực thi của hệ thống chính trị, bộ máy chính quyền tỉnh?
Tại Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình hành động số 12-CTr/TU của Tỉnh ủy tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (Khóa X) về đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC), nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước được tổ chức mới đây, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hải Ninh có nêu câu hỏi: tại sao các chỉ số của Khánh Hòa vẫn thấp so với nhiều tỉnh thành khác, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh, năng lực thực thi của hệ thống chính trị, bộ máy chính quyền tỉnh?
Một câu hỏi rất đáng suy ngẫm. Thời gian qua, ảnh hưởng lan rộng của dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến nhiều ngành, lĩnh vực, nên một vài nhiệm vụ CCHC chưa đạt kế hoạch. Những yếu tố khách quan trên khiến chỉ số CCHC năm 2021 có sự phân hóa rõ nét giữa các địa phương, tùy mức độ nghiêm trọng của dịch. Nhưng nếu nói về những khó khăn bởi dịch bệnh Covid-19 gây ra thì địa phương nào cũng bị tác động, ảnh hưởng, thế nhưng nhiều nơi vẫn vươn lên vượt bậc, nằm trong top 10 về các chỉ số. Trong khi đó, dù có nhiều nỗ lực nhưng những chỉ số quan trọng của Khánh Hòa như: Cải cách hành chính (PAR Index); năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) và Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) vẫn nằm ở những vị trí từ 40 đến 48. Dù đã có nhiều nỗ lực để cải thiện nhưng rõ ràng sự bứt phá là chưa cao.
Tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy cũng nêu rõ quyết tâm phải nâng cao thứ bậc xếp hạng của các chỉ số quan trọng, mỗi năm tăng 10 bậc. Bởi CCHC là một trong những đột phá, là giải pháp quan trọng để thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Nếu chúng ta không tạo sự bứt phá thì khó có thể cải thiện được hình ảnh về một tỉnh Khánh Hòa năng động, sáng tạo và kiến tạo, nhất là khi đang được thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển mạnh hơn trong tương lai.
Mỗi năm tăng 10 bậc, làm được điều này khó không? Tất nhiên là khó, bởi muốn có kết quả vượt trội như vậy, đòi hỏi sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị; sự nỗ lực của từng đơn vị, cá nhân; sự thống nhất cao từ trên xuống dưới. Giống như một đoàn tàu, muốn về đích sớm, nhanh và an toàn thì đầu tàu phải mạnh, các toa tàu đều phải vận hành trơn tru, phối hợp nhịp nhàng, không thể chỗ này nhanh chỗ kia ì ạch, thiếu sự kết nối.
Điều này cho thấy, CCHC có hiệu quả hay không chính là từ cán bộ. Muốn có sự vận hành của hệ thống, bộ máy nhà nước trong sạch, lành mạnh, linh hoạt, phù hợp, mang lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp, không ai khác chính là những công bộc của dân. Chúng ta muốn các thủ tục hành chính thực hiện nhanh thì phải cải cách từ tư duy, trong tư duy mà không cải cách thì không thể cải cách được.
Trong các giải pháp của tỉnh về cải thiện CCHC, lãnh đạo tỉnh cũng rất chú trọng việc cải cách tổ chức bộ máy chính quyền địa phương, tăng cường phân cấp, ủy quyền quản lý nhà nước trên các lĩnh vực; đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ. Đồng thời cũng nêu rõ việc xử lý trách nhiệm, đưa ra khỏi quy hoạch, điều chuyển, thay thế người đứng đầu nếu kết quả CCHC của cơ quan, đơn vị, địa phương 3 năm liên tục xếp hạng trung bình hoặc 2 năm liên tục xếp hạng yếu.
Hy vọng những giải pháp mạnh này sẽ tạo được sự bứt phá cho Khánh Hòa trong thời gian tới, tạo vị trí mới trên bảng xếp hạng các chỉ số quan trọng. Chúng ta đang mong chờ sự cải thiện nhiều hơn như thế nữa, bởi Khánh Hòa đang đứng trước những thời cơ lớn, trong khi thời gian thì không đợi chờ, nên tất cả đều phải tăng tốc.
HẢI NGUYỆT