11:06, 23/06/2022

Câu chuyện bảo tồn

Thường trực Tỉnh ủy vừa có kết luận liên quan đến việc suy giảm rạn san hô tại Khu bảo tồn biển Hòn Mun. Việc đề ra các giải pháp trước mắt trong bảo vệ môi trường biển, cụ thể là vịnh Nha Trang hết sức căn cơ, cụ thể, cho thấy sự quan tâm và hành động quyết liệt của lãnh đạo tỉnh. Tạm dừng hoạt động du lịch lặn biển tại các khu vực này trong một thời gian là để cứu Hòn Mun, là để những đơn vị có liên quan nhìn nhận lại trách nhiệm của mình, là để mỗi người dân thấy mình cũng cần chung tay để khu bảo tồn biển Hòn Mun không phải chết dần chết mòn…

Thường trực Tỉnh ủy vừa có kết luận liên quan đến việc suy giảm rạn san hô tại Khu bảo tồn biển Hòn Mun. Việc đề ra các giải pháp trước mắt trong bảo vệ môi trường biển, cụ thể là vịnh Nha Trang hết sức căn cơ, cụ thể, cho thấy sự quan tâm và hành động quyết liệt của lãnh đạo tỉnh. Tạm dừng hoạt động du lịch lặn biển tại các khu vực này trong một thời gian là để cứu Hòn Mun, là để những đơn vị có liên quan nhìn nhận lại trách nhiệm của mình, là để mỗi người dân thấy mình cũng cần chung tay để khu bảo tồn biển Hòn Mun không phải chết dần chết mòn…


Giá trị của Khu bảo tồn biển Hòn Mun, vịnh Nha Trang thì ai cũng biết quá rõ. Hòn Mun là khu bảo tồn biển đầu tiên của Việt Nam, và là một trong 3 khu tiêu biểu được chọn để quản lý thí điểm ở cấp toàn cầu. Hòn Mun cũng là nơi mà năm 1995 được chọn làm địa điểm thi chụp ảnh quốc tế dưới nước. Vậy nên khi nghe Hòn Mun bị xâm hại nặng, câu hỏi mà người dân Nha Trang đau đáu trong lòng là liệu mai này Hòn Mun có trở lại như xưa được hay không?


Trong kết luận của Thường trực Tỉnh ủy nêu rõ, ngoài việc rà soát cơ chế quản lý, nâng cao năng lực ban quản lý, điều tra khảo sát, đánh giá định kỳ việc bảo tồn, giữ gìn các rạn san hô trên vịnh Nha Trang, chính quyền nghiên cứu phương án quản lý, khai thác vùng mặt nước trong vịnh Nha Trang theo hướng xã hội hóa, xây dựng mô hình quản trị công tư, kết hợp hoạt động kinh doanh du lịch, dịch vụ gắn với nhiệm vụ bảo vệ các khu bảo tồn biển trên vịnh Nha Trang một cách hiệu quả, bền vững. Bên cạnh đó, kêu gọi các tổ chức phi chính phủ, tổ chức quốc tế, người dân, doanh nghiệp cùng chung tay với chính quyền để bảo tồn giá trị đặc hữu, đa dạng của vịnh Nha Trang. Điều này cho thấy, muốn bảo vệ các hệ sinh thái biển cần có sự vào cuộc tích cực, thực chất và hiệu quả của các nhà khoa học, người dân, các cấp chính quyền, bộ, ngành liên quan. Trong các giải pháp đều cần có sự đóng góp tích cực của người dân, sự giám sát của người dân. Yêu biển bằng tình cảm, bằng lời nói chưa đủ, người dân còn phải thể hiện bằng hành động. Thực trạng ở Hòn Mun cho thấy, các vi phạm làm tổn thương các giá trị và chức năng của khu bảo tồn biển trong những năm gần đây vẫn ở mức phức tạp, chủ yếu là do các phương thức và ngư cụ khai thác mới mang tính hủy diệt, xâm hại đến nguồn lợi thủy sản. Đặc biệt, các hoạt động du lịch trong các khu bảo tồn biển tăng nhanh trong những năm gần đây cũng đã làm trầm trọng thêm tình trạng ô nhiễm môi trường, đe dọa sự đa dạng sinh học.


Nhìn sang các nước, Thái Lan quyết định đóng vịnh Maya trong 3 năm, Philippines cũng đã đóng cửa một khu du lịch gần 2 năm để bảo tồn rạn san hô và làm sạch bãi biển. Mới đây, Australia cũng đã công bố dành 700 triệu USD đầu tư cho các dự án bảo tồn cải thiện chất lượng, phục hồi rạn san hô nhằm bảo vệ rạn san hô Great Barrier đang bị đe dọa do tình trạng biến đổi khí hậu. Những bài học kinh nghiệm từ các quốc gia này cho thấy, đã đến lúc chúng ta cần phải hành động quyết liệt hơn để giữ gìn tài sản quý giá này. Tài nguyên thiên nhiên là vô giá, nếu không bảo vệ, bảo tồn thì hậu quả con người phải gánh là gì, ai cũng thấy rõ.


Phục hồi, bảo tồn cần phải có thời gian, không nên nóng vội nhưng cũng không thể lơ là, chậm trễ. Có thể 5, 10 năm nữa những rạn san hô ở Hòn Mun, vịnh Nha Trang mới có thể đẹp trở lại để đón khách tới tham quan. Thật tiếc, nếu biết cách bảo vệ, giữ gìn, tôn tạo, chúng ta đã không tốn thời gian ngần ấy năm để làm lại từ đầu…


HẢI NGUYỆT